Giới quan sát dự đoán Afghanistan sẽ sản xuất nhiều thuốc phiện hơn so với nhu cầu của thế giới trong năm 2016. Mặc dù cộng đồng quốc tế chi hàng tỷ USD mỗi năm để phá cây anh túc, ở một số nơi chính quyền lại không cấm việc trồng chúng và thậm chí còn điều động cảnh sát bảo vệ những nông dân trồng cây anh túc, BBC cho biết.
Mazar-e-Sharif là một trong những thành phố an toàn và kỷ cương nhất tại Afghanistan. Nó là một mô hình mẫu mực về quản lý. Nhưng ngay tại khu vực ngoại ô thành phố, rất nhiều cánh đồng anh túc đang tồn tại. Những cánh đồng anh túc lớn hiện diện ngay bên lề đường. Hàng nghìn nụ hoa anh túc lắc lư như vẫy chào những phương tiện cơ giới chạy qua.
Mủ ứa ra trên một nụ hoa anh túc ở ngoại ô thành phố Mazar-e-Sharif. Ảnh: BBC. |
Những người nông dân trên ruộng ngẩng lên mỗi khi ai đó dừng xe và quan sát, nhưng dường như họ chẳng chú tâm tới sự tò mò của khách qua đường. Họ lấy nhựa hoa anh túc bằng một công cụ có hình dạng giống liềm.
Vào mỗi buổi chiều, nông dân cứa nhiều nhát lên những nụ anh túc. Sau một đêm, nhựa ứa ra từ những vết cứa, tạo thành vệt mủ thẫm.
Nhìn những bông hoa anh túc, có lẽ rất ít người muốn tin rằng chúng gây nên bao nỗi thống khổ và xung đột trên thế giới.
Mặc dù làm việc trên ruộng anh túc hàng ngày, những nông dân không bao giờ thử nếm mủ anh túc, bởi ai cũng hiểu tương lai sẽ ảm đạm nếu họ nghiện nó.
“Tôi từng thấy những con nghiện thuốc phiện ở các thành phố khác. Cuộc sống của họ tan nát, con của họ không thể tới trường. Nhưng chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không có việc làm, trong khi nghề trồng anh túc mang lại thu nhập tốt”, một nông dân nói.
Chính quyền làm ngơ
Mỗi khi nông dân tới ruộng anh túc, những cảnh sát mặc thường phục mang theo súng AK-47 để bảo vệ họ.
Trồng cây anh túc là tội nghiêm trọng ở Afghanistan. Người phạm tội có thể lĩnh án tử hình. Nhưng ở thành phố Mazar-e-Sharif, đây là nghề công khai.
“Họ (chính quyền thành phố) biết rằng trồng anh túc là cách duy nhất để chúng tôi có mức thu nhập cao. Chính quyền giúp nông dân và chúng tôi cũng trả ơn họ”, ông Tara nói.
Nông dân Tara Meer (người mặc trang phục đen) nói chuyện với phóng viên BBC. Cạnh đó là viên cảnh sát bảo vệ anh mang theo súng AK. Ảnh: BBC. |
Những cảnh sát bảo vệ nông dân cũng là người địa phương. “Cảnh sát đối xử tốt với chúng tôi. Họ hiểu áp lực mà chúng tôi phải chịu. Quan hệ giữa chúng tôi và cảnh sát rất tốt”, Tara nói.
Viên cảnh sát bảo vệ Tara Meer thể hiện sự đồng ý bằng động tác gật đầu rồi nhấp ngụm trà. Những tia nắng tràn qua cửa sổ và cả hai người đàn ông đều cười. Có lẽ họ nghĩ trồng cây anh túc là một trong những công việc tự nhiên trên thế giới.
Hậu quả khôn lường
Trẻ em ở Mazar-e-Sharif là người gánh hậu quả của nghề trồng cây anh túc. Aziza, người phụ nữ sống trong một làng ở ngoại ô thành phố, thường cho con trai 4 tuổi ăn thuốc phiện nguyên chất vào buổi sáng.
"Nếu tôi không cho con ăn thứ đó, nó sẽ không chịu ngủ", Aziza giải thích với CNN.
Xuất thân từ một gia đình nghèo làm nghề dệt thảm ở tỉnh Balkh, Aziza không hiểu những tác hại của thuốc phiện. Theo cô, những người trong làng luôn cho trẻ em ăn thuốc phiện mỗi khi chúng ốm.
Do không thể tiếp cận hệ thống y tế hiện đại, thuốc phiện là thứ duy nhất người dân có thể trông cậy mỗi khi họ gặp những vấn đề sức khỏe. Vòng xoáy luẩn quẩn cứ truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Người lớn ăn thuốc phiện để giảm đau và làm việc lâu hơn. Trẻ con nghiện thuốc phiện từ khi chưa tới trường.
Một cánh đồng cây anh túc ngay sát đường ở vùng ngoại ô thành phố
Mazar-e-Sharif. Ảnh: BBC. |
Rozigul, mẹ chồng của Aziza, thừa nhận rằng mọi thành viên trong gia đình bà đều nghiện.
"Thuốc phiện giúp tôi làm việc cật lực để nuôi con. Ngoài ra chúng tôi nghèo nên chỉ có thuốc phiện để ăn. Mỗi khi trẻ con khóc, chúng tôi cho chúng ăn thuốc phiện để chúng im", Rozigul nói.
Chính quyền thành phố lập một trung tâm cai nghiện ở vùng ngoại ô. Nhưng trung tâm chỉ có 20 giường và vài nhân viên.
"Nghiện thuốc phiện là một truyền thống ở đây. Thậm chí ở một số nơi, nó còn là tín ngưỡng. Người dân dùng thuốc phiện để giải khuây hoặc chữa bệnh. Mỗi khi trẻ con khóc, mất ngủ hay ho, người dân cho chúng ăn thuốc phiện", bác sĩ Mohamed Daoud Rated, giám đốc trung tâm cai nghiện, tâm sự.
Afghanistan cung cấp tới 90% lượng heroin trên toàn thế giới. Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) ước tính, người dân Afghanistan thu hoạch khoảng 6.400 tấn thuốc phiện vào năm 2014. Cuộc chiến chống cây anh túc ở Afghanistan khá gian nan, bởi với nhiều người dân, trồng cây anh túc là cách duy nhất để họ có thể tồn tại trong bối cảnh xung đột liên miên và kinh tế khó khăn.