Phiền lòng vì bị hiểu lầm
Ngày 4/3, Phạm Nguyễn Nguyệt Linh (24 tuổi, quận Phú Nhuận) được Hội Liên hiệp thanh niên TP.HCM tặng bằng khen “Gương thanh niên thực hiện nghĩa cử đẹp” cho hành động trả lại 78 triệu nhặt được.
Trước đó, trưa 21/2, trên đường đi làm về qua đường Phan Tây Hồ (quận Phú Nhuận), Linh thấy một người phụ nữ chạy xe ngược chiều làm rơi túi xách. Cô dừng xe nhặt lại và đuổi theo để trả nhưng không kịp. Về nhà, Linh kiểm tra thấy rất nhiều tiền nên sợ không biết cách nào trả lại chủ nhân.
Phạm Nguyễn Nguyệt Linh nhận bằng khen từ Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Rất may trong túi xách có điện thoại nên tôi tin chắc người mất sẽ liên lạc lại. Ngay sau đó, giọng người phụ nữ bên đầu dây khóc lóc. Tôi an ủi cô và cùng mẹ đến chỗ hẹn trả lại món tiền. Đến khi trả lại tôi mới biết trong túi có 78 triệu”, Linh kể lại.
Người mất túi xách là cô Nguyễn Ngọc Được (60 tuổi, quận Phú Nhuận), giáo viên về hưu, đang công tác Hội chữ thập đỏ phường 7. Toàn bộ số tiền là của em họ gửi cho cô đóng viện phí cho chồng đang điều trị tại bệnh viên Ung Bướu TP.HCM.
Cô Được mừng rỡ nói: “Nhận được tiền tôi mừng quá, lấy đại một số tiền trong túi xách hậu tạ nhưng cháu nhất quyết không chịu nhận. Tôi thấy mình thật may mắn khi gặp được người tốt như Linh”. Vài hôm sau, cô Được mua tặng Linh đôi bông tai xem như món quà kỷ niệm.
Chia sẻ về hành động đẹp của mình, Linh nói: “Trước giờ có vài lần tôi nhặt được điện thoại, tiền và đều tìm cách trả lại cho người mất. Tôi nghĩ một số tiền lớn nên rất quan trọng với người làm mất. Vì vậy tôi càng phải trả lại họ. Nếu ai gặp trường hợp như tôi chắc cũng làm vậy. Tôi tin người tốt vẫn còn rất nhiều trong xã hội”.
Hiện tại Linh làm DJ. |
Từ ngày trả lại 78 triệu đồng, Linh cho biết cô nhận được thêm nhiều tình cảm từ cộng đồng. Ngoài Hội LHTN TP.HCM, Linh còn nhận đươc bằng khen từ trường ĐH Hồng Bàng, nơi cô gái cao 1m7 vừa tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng hệ cao đẳng.
Tuy nhiên, có một số bạn cho rằng Linh làm thế có thể là dàn dựng để nổi tiếng. “Một số bạn biết được tôi làm DJ nên muốn được nổi tiếng để phát triển công việc.Tôi không buồn, không tức nhưng thấy hơi phiền lòng khi nhiều bạn trẻ đa nghi, thiếu suy nghĩ”, Linh chia sẻ.
Nguyệt Linh trong một lần ra Hà Nội chơi. |
Không để mẹ buồn
Bố mẹ sớm li dị, Linh sống với mẹ từ năm 2 tuổi. Từ bé, Linh luôn cố gắng học tập, ngoan ngoãn để cho mẹ vui. Lên cấp 3, cô sớm có ý thức tự lập để đỡ đần mẹ. Vừa thi tốt nghiệp phổ thông xong, Linh xin đi làm bán hàng ngay để tự lo một phần cho bản thân. Mới vào cao đẳng, cô cũng xin đi làm nhiều việc như PG, lễ tân, phục vụ… Nguyệt Linh giải thích: “Mẹ không thích cho tôi đi làm thêm để tập trung học. Nhưng tôi muốn tự trang trải cuộc sống, gánh một phần học phí nên mới đi làm”.
Linh đi làm thêm nhiều công việc như PG, lễ tân... từ thời sinh viên để trang trải cuộc sống. |
Hiện tại Linh làm DJ cho một quán cà phê trên ở quận Phú Nhuận. Lương hàng tháng, Linh đều gửi cho mẹ 1/3 thu nhập. Cô gái 9X đến với công việc này từ thời sinh viên. Những lần đi làm PG ở các sự kiện thấy nữ DJ chỉnh nhạc nên Linh thích thú xin đi học. “Tôi thích âm nhạc nhưng hát không hay, không biết chơi nhạc cụ nên theo nghề DJ và thấy hợp với việc này”, Linh giải thích.
Tuy nhiên, mẹ Linh lại không muốn con gái mình theo nghề này. Bà cho rằng làm DJ môi trường không lành mạnh, bị dị nghị và dễ hư hỏng. Để mẹ tin tưởng, mỗi lần đi làm ca Linh đều thông báo giờ giấc cụ thể, trễ nhất 23 giờ là về. Linh dự tính sẽ làm công việc này một thời gian rồi kiếm một việc khác ổn định hơn để cho mẹ cảm thấy yên tâm.
Thời gian sau giờ làm cô đều giành hết việc nội trợ của mẹ. Những ngày nghỉ, dịp lễ, sinh nhật hay 8/3 Linh tự tay nấu ăn, mua hoa, bánh về tặng mẹ. Nói về con gái, bà Nguyễn Thị Kim Anh (60 tuổi) nhận xét: “Linh ngoan lắm, lúc nào cũng quan tâm tới tôi. Đi làm đều báo tôi giờ giấc cụ thể. Cháu cũng hay mua hoa, bánh kem tặng tôi ngày sinh nhật hay 8/3. Tôi nói con bày vẽ chi cho tốn kém nên không muốn nhận. Những lần sau, chắc lo tôi la nên cháu thường nấu ăn cho hai mẹ con”.