Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện cổ tích về học sinh giỏi toán thời chống Mỹ

Cuộc thi HSG toán toàn miền Bắc trứ danh một thời giờ không thể tìm thấy thông tin từ Internet.

Đó là lý do GS toán học Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học Viêt Nam - hồi tưởng lại những kỷ niệm học lớp chuyên toán thời chiến tranh chống Mỹ của mình, mà theo ông, để các thế hệ sau này biết được những chuyện cổ tích, cũng là thời gắn liền với tên tuổi nhiều nhà toán học xuất sắc của Việt Nam.

Nhớ thầy Thái

GS Ngô Việt Trung kể: Tôi bước vào học lớp chuyên toán cấp 3 của Hà Nội từ năm 1966, hai năm sau khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc.

Thầy dạy toán và đồng thời là chủ nhiệm lớp chúng tôi là thầy Đặng Trần Thái đã từng dạy toán thời Pháp. Hầu như chúng tôi không học cac dạng đề hay các phương pháp giải. Chúng tôi học toán nhiều nhất chính là qua những buổi bình giảng các bài kiểm tra hàng tháng.

Giáo sư Ngô Việt Trung.
Giáo sư Ngô Việt Trung.

Các bài kiểm tra được tiến hành giống như các cuộc thi học sinh giỏi. Trong các buổi trả bài sau đấy, thầy Thái thường bắt những người có lời giải tốt hay có lời giải sai trình bày lại, rồi sau đó thầy bình giảng cho chúng tôi nghe xem nên phân tích bài toán và trình bày lời giải thế nào cho tốt nhất.

Có lẽ vì thế chúng tôi không cảm thấy ngợp khi gặp đề khó và biết trình bày lời giải thế nào cho gọn và chặt chẽ.

Kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc lớp 10 năm 1969 (tương đương lớp 12 hiện nay), lớp tôi đạt thành tích cao hơn hẳn các lớp chuyên của ĐH tổng hợp và ĐH sư phạm.

Rất tiếc là các lớp chuyên toán của Hà Nội sau này không ở Trường phổ thông cấp 3 Lý Thường Kiệt (bây giờ là trường Việt Đức) và thầy Thái cũng không được phân công dạy lớp chuyên toán nữa.

Suy ngẫm lại, tôi thấy chính những kỹ năng tôi học được từ các buổi bình giảng của thầy đã giúp tôi rất nhiều trong nghiên cứu toán học sau này.

Bài thi kiểm tra toán đầu tiên ở lớp chuyên tôi hầu như không làm được gì. Tôi thực sự lo lắng và bắt đầu tìm tài liệu đọc thêm.

Hồi đó hầu như không có tài liệu gì để đọc thêm ngoài báo Toán học và Tuổi trẻ. Nhóm chúng tôi thề là chỉ giải những bài toán của báo nhưng không được gửi lời giải đi. Dần dần tôi bắt đầu say mê toán.

Giấc mơ kỳ lạ và lời từ chối trường chuyên

Có một điều kỳ lạ xảy ra cuối năm lớp 8 khi tôi gặp một bài toán số học khó, nghĩ mấy tuần không ra. Một đêm tôi bỗng mơ thấy lời giải và tỉnh dậy ngay lúc đó. Kiểm tra lại, tôi thấy lời giải trong mơ đúng.

Đầu năm lớp 9, có một thầy ở ĐH Tổng hợp đến trường để tuyển vào lớp chuyên. Thầy đó đầu rất to, hình như là thầy Lê Đình Thịnh.

Té ra là năm 1966, trường ĐH Sư phạm tuyển người trước nên ĐH Tổng hợp không tuyển nữa vì cho rằng bên trường ĐH Sư phạm lấy hết người giỏi rồi.

Đến năm 1967, trường ĐH tổng hợp mới cử cán bộ trực tiếp đi tuyển học sinh giỏi đang học lớp 9 ở các địa phương để thành lập lớp chuyên khóa 1996.

Tôi nhớ là thầy này ra một số đề bài khó cho chúng tôi giải. Có đề bài tôi phải mất cả ngày mới giải được. Sau đó, thầy đề nghị 9 người viết đơn xin chuyển trường về ĐH Tổng hợp, trong đó có tôi.

Tuy về đấy thì hay hơn nhưng chúng tôi quyết định không chuyển đi vì coi đó là một hành động phản bội lại lớp chuyên của chúng tôi.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa 2 trường đại học, Bộ Giáo dục sau này phải tổ chức hàng năm một kỳ thi chung cho việc tuyển sinh chuyên toán trung ương và chia đều số người trúng tuyển cho hai trường.

Cuối mỗi năm học, Hà Nội đều có cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố co các loại lớp. Các cuộc thi học sinh giỏi được tổ chức cho một cụm trường sơ tán gần nhau ở một nơi nào đó.

Tôi nhớ nhất lần đi thi học sinh giỏi lớp lớp 9 năm 1968 ở Bình Đà, cách trường chúng tôi sơ tán khoảng 15 cây.

Chúng tôi đap xe đi thi từ hôm trước. Tối hôm đó phải ngủ ở ngoài đình không có màn. Sáng hôm sau, mặt bị muỗi đốt nhiều đến nỗi các bạn bảo mặt như cái bánh đa vừng.

Cuộc thi lần đó, tôi giải hết các đề và tin chắc mình sẽ được giải nhất. Sau đấy, đợi mãi không thấy tin gì. Cuối cùng mới biết là đề thi bị lộ ở nơi khác nên phải hủy toàn bộ kết quả cuộc thi. Lần thi đó, tôi còn tham gia thi học sinh giỏi môn Địa và cũng được giải nhì.

Từ 4 tháng liệt giường đến giải nhất danh giá

Đầu năm lớp 10, tôi bị xuất huyết màng não và hôn mê hơn 1 tuần. Tuy thoát chết nhưng tôi phải nằm liệt giường 4 tháng ở bệnh viện Bạch Mai. Khi ra viện, ông chủ nhiệm khoa Thần Kinh bảo tôi không nên đi học nữa.

Ở nhà rất buồn vì bạn bè và các em tôi đều đi sơ tán cả. Vì vậy, tôi xin bố mẹ cho tôi quay ở lại lớp chuyên với lời hứa chỉ chơi chứ không học.

Sau một thời gian về lớp, tôi lại bị không khí học tâp của lớp cuốn theos. Tôi làm lại hẳn cuốn vở ghi hệ thống lại các đề hay và lời giải độc đáo. Cuốn này còn được em tôi dùng sau này và đánh mất.

Cuối năm học, tôi được cử đi thi học sinh giỏi toán lớp 10 toàn miền Bắc năm 1969. Cuộc thi đươc tổ chức tại trường Quang Trung ở Hà Nội.

Tôi còn nhớ cuối buổi có một cậu bé đứng ngoài ghi lại đề thi. Hỏi ra thì mới biết cậu bé này tên là Đỗ Bá Khang, vừa thi học sinh giỏi lớp 7 xong. Sau này, Đỗ Bá Khang đoạt giải nhất học sinh giỏi toán lớp 10 toàn miền Bắc năm 1972.

Sau khi thi xong, tôi quay lại nơi sơ tán học tiếp. Một buổi chiều, tôi đang thổi cơm trong bếp của lớp (tôi được phân công nấu cơm vì không được làm việc nặng) thì thầy Thái báo tin về tôi được giải nhất.

Trước đó, tôi không tin mình được giải nhất vì tôi viết chứng minh bài hình cuối cùng không được chuẩn lắm.

Bài này khó nên tôi giải được lúc gần hết thời gian thi. Thầy nói chỉ có tôi giải được bài hình này.

Những năm đó, mỗi tỉnh đều có một người tham gia hội đồng chấm thi nên họ soi các bài có khả năng đoạt giải của các địa phương khác kỹ lắm. Lớp tôi có đến 6 trên 12 người lọt vào vòng chấm điểm cuối cùng.

Những bài thi của các thí sinh này đều đươc trình bày lại trên bảng để hội đồng cho điểm. Cuối cùng, hội đồng cho 1 giải nhất, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Tôi bị trừ một số điểm nhưng vẫn đủ điểm cho giải nhất. Nhưng các bạn lớp tôi không may mắn như thế.

Ngoài ra, lớp tôi còn có 2 bạn Trương Thụ đoạt giải ba và Đinh Dũng được giải khuyến khích. Bài thi của tôi được thầy Nguyễn Cảnh Toàn đăng lại và phân tích trong báo Toán học và Tuổi trẻ sau đó.

Năm 1969 thi tốt nghiệp phổ thông gồm 5 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Văn. Tôi nhớ không khí trong phòng thi luôn im lặng như tờ và hình như không có ai quay cóp gì cả.

Bộ đại học dùng điểm thi phổ thông để tuyển người học đại học hay đi nước ngoài. Học đại hoc nào, chuyên ngành gì, đi nước nào, đều do Bộ phân công.

Năm ấy là năm đầu tiên Bộ Đại học thi tuyển người đi học nước ngoài, thi hai môn Toán và Văn. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu trực tiếp ra đề toán.

Trước buổi thi toán đợt đầu tại trường ĐH Bách khoa, ông đứng phát biểu trước tất cả thí sinh tại sân trường. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông và ấn tượng của tôi là trông ông rất thân thiện, bình dị, không có vẻ gì là một bộ trưởng cả.

Đề toán năm ấy rất khó vì dựa vào kiến thức toán ở bậc đại học. Nghe nói là phần lớn thí sinh đều có điểm dưới trung bình. Những người này đều được thi lại đợt sau.

Tôi được điểm thi toán gần như tuyệt đối nên được phân công đi học đại học về toán. Đó là cột mốc tiếp theo quyết định sự nghiệp của tôi sau này. Cột mốc đầu tiên là việc tôi vô tình được cử đi thi học sinh giỏi toán lớp 7 và được chọn vào lớp chuyên toán cấp 3 ở Hà Nội.

Sau khi đoạt giải nhất thi toán toàn miền Bắc tôi trở nên nổi tiếng. Uy tín đến mức, khi lên tàu hỏa đi học nước ngoài tôi được cử làm tổ trưởng dù ít tuổi hơn người khác (tôi đi học sớm 1 năm) và không làm được gì do phải đi nạng.

Thậm chí một số phụ huynh còn nhờ tôi để ý chăm sóc mấy bạn đi cùng trông còn chín chắn hơn mình.

Nhiều năm sau này, khi tôi đã có bằng tiến sĩ khoa học và đã là phó giáo sư, rồi giáo sư, vẫn có nhiều người nói “ông này giỏi lắm vì đã thi đoạt giải nhất thi học sinh giỏi toán miền Bắc” chứ không phải vì các thành tựu nghiên cứu toán.

http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-co-tich-ve-hoc-sinh-gioi-toan-thoi-chong-my-714016-v.html

Theo Hiếu Nguyễn/Báo Giáo dục Thời đại

Bạn có thể quan tâm