Ellen Reddy là giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận nhằm kêu gọi việc xóa bỏ phạt đòn ở trường học, đồng thời là bà của hai đứa trẻ da màu. Vừa qua, khi nghe tin học khu Cassville R-IV ở bang Missouri (Mỹ) đưa ra hình thức phạt đòn trẻ, người bà cảm thấy buồn bã, thất vọng.
Học khu Cassville R-IV chủ yếu là nơi học tập của những đứa trẻ da trắng. Giữa tháng 6, nơi này đã thông qua chính sách phạt đòn trẻ và sẽ được áp dụng khi những biện pháp khác không có tác dụng. Học khu định nghĩa phạt đòn là "việc sử dụng vũ lực như một phương pháp điều chỉnh hành vi của học sinh".
Biết tin những đứa trẻ da trắng vẫn có nguy cơ bị đánh nếu phạm lỗi, bà Reddy lại càng lo lắng hơn. Tại Mỹ, dù đã ở thế kỷ 21, những đứa trẻ da màu như cháu bà Reddy vẫn có nguy cơ bị đánh cao gấp đôi so với trẻ da trắng.
Nhiều trường ở Mỹ đánh đòn trẻ bằng những dụng cụ hình mái chèo. Ảnh: New York Times. |
Đi ngược với số đông
Việc áp dụng đòn roi đã được học khu Cassville R-IV xóa bỏ vào năm 2001. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật này lại được áp dụng trở lại.
Các chuyên gia và nhà hoạt động giáo dục nói với The Guardian rằng sự xuất hiện của phạt đòn ở Missouri đang phản ánh thực tế hàng chục nghìn học sinh trên toàn quốc đang bị ảnh hưởng bởi hình phạt mang tính bạo lực. Những đứa trẻ tại 19 bang áp dụng đòn roi chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc áp dụng bạo lực trong giáo dục trẻ nhỏ đã tạo ra những vấn đề tiêu cực đối với trẻ da màu và trẻ khuyết tật. Các nhà hoạt động kêu gọi chấm dứt phương pháp giáo dục này.
"Trường học là cơ sở công lập duy nhất cho phép bạn đánh trẻ em một cách hợp pháp. Dù là trẻ da trắng, da màu, hình phạt này đều không ổn. Bạo lực cần phải được chấm dứt", bà Ellen Reddy nói.
Sarah Font, PGS Xã hội học và Chính sách công tại ĐH Pennsylvania State (Mỹ), nhận định chính sách của học khu Cassville R-IV là bất thường. Bà nói rằng việc phạt đòn tại các trường học ở Mỹ đang trên đà giảm dần vì các nhà giáo dục đều nhận thấy phương pháp kỷ luật này không mang lại hiệu quả cao. Quyết định của học khu này đang đi ngược với số đông.
Theo bà Font, hình thức phạt đòn thường tập trung chủ yếu ở các bang miền Nam nước Mỹ, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn nghèo, tỷ lệ trẻ da màu cao. PGS nói thêm rằng những địa phương áp dụng đòn roi cũng thường phân bố ở các khu vực ủng hộ đảng Cộng hòa - nơi chủ nghĩa bảo thủ xã hội vẫn tồn tại.
Trẻ da màu bị đánh đòn nhiều hơn
Trao đổi với AP, GS Elizabeth Gershoff tại Đại học Texas cho biết những năm gần đây, 4 tiểu bang tại Mỹ đã áp dụng lệnh cấm phạt đòn với học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, điều này không thể làm giảm một thực tế là trẻ vẫn bị phạt đòn quá nhiều.
Chỉ trong năm học 2017-2018, hơn 70.000 trẻ tại các trường công lập bị đánh đòn. Đây mới chỉ là dữ liệu của các trường công lập, do liên bang không thể thu thập thông tin về vấn đề này tại các trường tư thục.
Trẻ da màu và trẻ khuyết tật là những đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Bên cạnh việc phải chịu đòn roi, các em phải chịu thêm nhiều hình thức kỷ luật khác như đình chỉ học hoặc bị giam trong phòng riêng. Trẻ mẫu giáo cũng không tránh được những chuyện này.
Dick Startz, giáo sư Kinh tế tại ĐH California, Santa Barbara, cho biết 3 bang Alabama, Arkansas và Mississippi chiếm 71% vụ phạt đòn học sinh tại Mỹ.
Tại bang Georgia, trẻ da màu có nguy cơ bị đánh đòn cao hơn 50% so với trẻ da trắng. Trong giai đoạn 2012-2018, số vụ việc đã giảm, nhưng sự chênh lệch giữa đối tượng bị đánh vẫn không thay đổi.
Stacey Patton, PGS nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đô thị, ĐH Morgan State, cho rằng việc áp dụng đòn roi ở các bang miền Nam nước Mỹ là kết quả của "việc tiếp diễn hành vi cưỡng ép, phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người da màu".
Bạo lực tạo ra bạo lực
Phạt đòn không mang lại hiệu quả kỷ luật, ngược lại sẽ làm gia tăng bạo lực và gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Social Problems nói rằng những bang có số vụ giết người cao chính là "một dự đoán đặc biệt khi áp dụng đòn roi với học sinh da màu". Tức là, khi áp dụng hình phạt bạo lực, trẻ cũng có xu hướng sử dụng bạo lực như cách người lớn đã làm với các em.
Một phân tích tổng hợp năm 2016, nghiên cứu về việc cha mẹ đánh đòn trẻ cũng chỉ ra các hình phạt mang tính bạo lực liên quan đến các vấn đề tâm lý của trẻ. Những em bị đánh đòn cũng có xu hướng hung hăng hơn, lòng tự trọng giảm và khả năng nhận thức cũng thấp hơn những trẻ khác.
Việc trẻ giảm sút kết quả học tập cũ làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của đòn roi trong môi trường giáo dục.
Trước tình trạng đó, nhiều nhà giáo dục, chính trị gia tại Mỹ đã tìm cách để ngăn chặn, xóa bỏ phương pháp kỷ luật cực đoan này.
Tháng 11/2020, Viện Nhi khoa Mỹ lên án việc phạt đòn trẻ, đồng thời nêu lại khuyến nghị bãi bỏ phương pháp kỷ luật này trong trường học.
Đến tháng 9/2021, các thành viên của Hạ viện Mỹ là Donald McEachin, Suzanne Bonamici cùng Thượng nghị sĩ Chris Murphy đã đưa ra đạo luật bảo vệ học sinh nhằm tìm cách biến hình thức phạt đòn trở thành bất hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Trong khi đó, bà Ellen Reddy tìm cách làm việc với người dân ở hạt Holmes, bang Mississippi. Bà đã thành lập Liên minh Mississippi để vận động, kêu gọi chấm dứt kỷ luật đòn roi tại các trường học tại địa phương - nơi có số vụ đánh đòn trẻ cao nhất cả nước.
"Con em chúng tôi cũng xứng đáng được đối xử giống với trẻ da trắng. Trẻ nhỏ nên được đối xử công bằng", bà Reddy nhấn mạnh.
Vào những năm 1970, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết các trường học có thể phạt đòn trẻ như một hình thức kỷ luật trong trường học. Các tiểu bang và học khu có quyền quyết định về vấn đề này.
Tính đến năm 2016, thế giới chỉ có 69 quốc gia cho phép đánh đòn trẻ trong trường học. Tại các nước châu Âu và phần lớn quốc gia Nam Mỹ, Đông Á, phương pháp này đã bị loại bỏ.