Steve tốt nghiệp năm 2008 với tấm bằng cử nhân Tiếng Anh. Nhờ chương trình học bổng của tiểu bang, việc học đại học của anh "gần như miễn phí". Tuy nhiên, do chật vật không tìm được công việc tử tế, Steve quyết định trở lại trường để lấy bằng thạc sĩ về giảng dạy.
Đối với Steve, đây là một quyết định sai lầm. Chia sẻ với Fortune, Steve cho biết anh đã vay một khoản 70.000 USD để học thạc sĩ, số tiền đã tăng lên 118.000 USD sau nhiều năm vay nợ. Mức lương khi làm giáo viên khiến Steve không đủ khả năng để giải quyết món nợ này.
Quyết định học thạc sĩ khiến Steve phải gánh thêm khoản nợ lớn. Ảnh minh họa: New York Times. |
Steve hiểu làm giáo viên không phải là một nghề sinh lời, nhưng đó sẽ là công việc ổn định. Tuy nhiên, anh đã sai và đành gác lại ước mơ dạy học.
"Đừng hủy hoại cuộc đời mình để theo đuổi việc học. Khoản nợ khiến bạn không thể tuyên bố phá sản. Cách duy nhất để xóa nợ là chết đi", Steve nói.
Bước sang tuổi 30, Steve không có tiền tiết kiệm, khoản nợ khổng lồ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và tinh thần. Trong lúc tuyệt vọng, người đàn ông đưa ra một quyết định táo bạo là tự học lập trình để tìm công việc mức lương cao hơn.
May mắn là công việc kỹ sư phần mềm đã giúp Steve xóa được khoản nợ ở tuổi 36, sau gần 12 năm thấp thỏm ôm món nợ trong tay. Giữa tháng 3 vừa qua, chỉ 5 tháng trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố xóa nợ cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm, Steve đã trả được khoản vay cuối cùng.
Dù cảm thấy tiếc vì đã trả hết nợ trước khi được chính phủ hỗ trợ, Steve vẫn nhẹ nhõm và vui thay những người sắp được xóa nợ.
Nhiều lần bạn bè hỏi Steve về việc xóa nợ, và đặt câu hỏi liệu anh có khó chịu khi bản thân không được hưởng lợi từ chương trình này hay không. Steve nói anh không hề tức giận, ngược lại khá phấn khích.
"Quan điểm của tôi là mọi người cần được xóa nợ. 10.000 USD là một khởi đầu tốt đẹp. Với số tiền này, mọi người có thể xây dựng cuộc sống mới", Steve nói.
Steve là trường hợp hiếm hoi tại Mỹ có thể trả hết nợ sinh viên mà không cần đến chương trình hỗ trợ của chính phủ. Tiến sĩ Kathleen LaRose (55 tuổi) phải gánh khoản nợ 895.000 USD trong hàng chục năm. Bà đã vay một khoản 277.000 USD theo diện vay của liên bang và đăng ký trả nợ dựa trên dự tính thu nhập, nhưng khoản nợ đã tăng gấp 3 lần, khiến Kathleen không thể trả hết nợ.
Lori Harrell, một cô giáo ở New York, cũng phải gánh khoản nợ sinh viên trong 40 năm. Đứng trước nguy cơ gồng gánh khoản nợ khổng lồ ở tuổi nghỉ hưu, cô giáo 60 tuổi đang cân nhắc việc bán bớt tài sản mẹ đẻ để lại nhằm trả nợ. Hiện bà cũng chưa thể nghỉ hưu vì sợ giảm thu nhập, không thể trả được nợ.
Kể từ năm 1980, học phí tại các trường đại học công lập và tư thục tại Mỹ tăng gấp ba lần. Nhiều người phải vay một khoản tiền lớn để theo đuổi việc học. Dữ liệu thống kê cho biết tổng số nợ của sinh viên Mỹ lên đến 1.750 tỷ USD, trong đó sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ mang khoản nợ trung bình lên đến 40.000 USD. Ngoài ra, trung bình các sinh viên tốt nghiệp phải gánh món nợ liên bang lên đến 189.000 USD.