Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian gặp gỡ riêng lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam) - cho rằng những cuộc gặp này có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp.
Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
“Chúng tôi rất vui mừng khi Chủ tịch nước (Nguyễn Xuân Phúc) gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc. Điều này thể hiện sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Trong buổi gặp mặt, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã cam kết tăng cường đầu tư và mở rộng thị trường tại Việt Nam”, ông nói.
Trao đổi với Zing về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun nhận định lĩnh vực công nghệ cao đang “nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Hàn Quốc”, phù hợp với chính sách đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao của chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây.
“Điều đó cho thấy nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc không chỉ mạnh về số lượng mà cả chất lượng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai nước tăng cường chuyển giao công nghệ”, phó chủ tịch Korcham Việt Nam khẳng định.
Nhiều lĩnh vực tiềm năng
Theo ông Hong Sun, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là dấu ấn quan trọng trong mối quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
“Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nguyên thủ quốc gia đã nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện - cấp cao nhất trong quan hệ song phương. Điều này là một tin đáng mừng cho cả người dân Việt Nam và Hàn Quốc”, ông Hong Sun cho biết.
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 5/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời đưa ra định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Theo đại diện Korcham, việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện có nghĩa hai nước sẽ quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn.
“Khi có vướng mắc, hai bên sẽ cùng giải quyết. Sự phối hợp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao... cũng sẽ được nâng cao. ‘Toàn diện’ có nghĩa là hợp tác và liên kết chặt chẽ trên mọi lĩnh vực. Điều này có lợi cho nhân dân hai nước”, ông nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu sau cuộc hội đàm ngày 5/12. Ảnh: Việt Linh. |
Chia sẻ với Zing về những lĩnh vực phát triển tiềm năng giữa hai nước, ông Hong Sun nhận định Việt Nam là “một quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, do đó ngành công nghiệp thực phẩm tiếp tục là điểm nóng hợp tác.
“Chúng tôi kỳ vọng chính phủ, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty thực phẩm hàng đầu của Hàn Quốc. Với công nghệ từ Hàn Quốc, nguồn nguyên liệu mà Việt Nam sản xuất ra có thể được chế biến, xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác trên thế giới”, ông nói.
“Điều này giúp ích cho nông dân Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư Hàn Quốc và người tiêu dùng. Chúng tôi tin rằng lĩnh vực hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, phó chủ tịch Korcham nhận định.
Ông cũng dự đoán hai nước sẽ tích cực thúc đẩy lĩnh vực điện hạt nhân.
“Vấn đề (điện hạt nhân) hiện chưa được đề cập nhiều nhưng có thể trở thành lĩnh vực rất quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, khi quốc gia này muốn có nền công nghiệp phát triển”, ông Hong Sun cho biết.
“Để làm được điều đó, Việt Nam cần phát triển nguồn điện. Trong khi đó, nguồn điện của Hàn Quốc vừa rẻ, vừa an toàn, vừa xanh, lại áp dụng công nghệ cao”, ông Hong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với tư cách đại diện Korcham, ông Hong Sun chia sẻ bản thân từng đề xuất chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi muốn đến thăm xứ sở kim chi, “chẳng hạn bằng cách miễn visa”. Ông Hong Sun cho rằng đây là điều kiện “quan trọng để giao lưu” văn hóa giữa hai nước.
Triển vọng đầy hứa hẹn
Đặc biệt, ông Hong cũng xác nhận thông tin Chủ tịch Lee Jae Yong của Samsung sẽ tới Việt Nam tham gia lễ khánh thành trung tâm R&D của tập đoàn này.
“Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung Electronics Việt Nam sẽ khai trương vào cuối năm nay và sẽ là trung tâm R&D lớn nhất của tập đoàn này ở Đông Nam Á”, ông Hong thông tin.
Từ tháng 3/2020, Samsung đã đầu tư 220 triệu USD để xây dựng trung tâm này tại thủ đô Hà Nội với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là tòa nhà đầu tiên được Samsung xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển. Trung tâm đã hoàn thành vào tuần trước và sẽ sớm đi vào hoạt động.
Chủ tịch nước tiếp Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics Han Jong Hee vào sáng 6/12. Ảnh: Việt Linh. |
Theo phó chủ tịch Korcham, việc Samsung đặt trụ sở R&D ở Việt Nam thể hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc không chỉ quan tâm về lắp ráp, gia công, sản xuất tại Việt Nam, mà còn rất quan tâm về vấn đề đầu tư, nghiên cứu phát triển hay đào tạo nguồn nhân lực.
“Điều đó thể hiện sự gắn kết của tập đoàn Samsung nói riêng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung đối với Việt Nam”, ông nói.
Ông cho biết thông thường, các tập đoàn lớn không đầu tư vào trung tâm nghiên cứu phát triển tại những nước đang phát triển, vì họ cần nguồn lao động chất lượng cao từ Mỹ, Nhật, châu Âu,...
“Việc đặt cơ sở này tại Việt Nam có thể thúc đẩy sự phát triển R&D của Samsung và Việt Nam, cũng như kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác”, ông nói.
“Đó là một dấu ấn rất quan trọng cho cả chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam”, ông Hong kết luận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhóm đối tác của Saigontel/KIND sáng 5/12. Ảnh: Việt Linh. |
Bên cạnh đó, trong những cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Seoul vào hôm 5/12, nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc cũng cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, Chủ tịch nước đã tiếp nhóm đối tác của Saigontel do ông Kang Hoon Lee - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển Đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND), trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc - dẫn đầu.
Ông Kang Hoon Lee bày tỏ hy vọng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là việc sửa đổi chính sách về đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư).
Nhận định về vấn đề này, phó chủ tịch Korcham cho rằng PPP là một công cụ khá toàn diện, thuận tiện khi phát triển cơ sở hạ tầng, giúp giảm áp lực chi phí cho khu vực nhà nước.
“Việc nhà nước đầu tư 100% vào phát triển cơ sở hạ tầng thực sự không phải là chuyện đơn giản”, ông Hong Sun nhận định, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hợp tác hơn nữa trong đầu tư theo hình thức PPP.
Ngoài ra, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước, Chủ tịch Tập đoàn CJ Kyung Shik Sohn khẳng định mong muốn đưa Việt Nam thành thị trường lớn thứ 3 trong 30 thị trường trên thế giới của tập đoàn. Ông Kyung cho biết tới đây, Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất, kinh doanh của CJ ở Đông Nam Á.
Theo chia sẻ của ông Hong Sun, tập đoàn CJ đã đầu tư vào Việt Nam trong gần 30 năm qua. “Họ rất quan tâm đến việc đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn này đã thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam, không chỉ qua đầu tư mà còn có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội như từ thiện”, ông Hong chia sẻ.
Qua đây, đại diện Korcham Việt Nam cũng kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới.
“Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là (thông qua) Korcham”, ông chia sẻ.
Mục thế giới xin giới thiệu cuốn sách “Nâng Tầm Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược Việt Nam – Hàn Quốc Trong Bối Cảnh Mới Ở Đông Á” của TS. Trần Quang Minh do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2020.
Cuốn sách mang đến cái nhìn tổng quan về bối cảnh mới ở Đông Á và các tác động tới quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời đưa ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt - Hàn trong lĩnh vực chính trị, an ninh, và nâng cao hiệu quả thu hút FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam.