Tam giác Vàng là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar; nơi những năm 1970 nổi tiếng là địa điểm sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, gắn liền với trùm ma túy Khun Sa.
Vùng đất thuộc về Thái Lan là Doi Tung, nơi dân cư hầu hết là người Akha và Lahu, người Tai Lue và Lawa; và người Hán ở vùng núi thấp. Do tình hình phức tạp, người dân đa phần không có thẻ căn cước, không thuộc một quốc gia nào để có thể được đảm bảo đầy đủ quyền công dân.
Ý tưởng dự án phát triển Doi Tung (Chiang Rai, Thái Lan) được Thái Hậu Srinagarindra (thường gọi là Princess Mother), Mẹ của Đức Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej khởi xướng năm 1968, với nỗ lực nhằm chấm dứt nạn trồng, vận chuyển và buôn bán thuốc phiện ở vùng đất này.
Bà từng chứng kiến cuộc sống của người dân Doi Tung, họ kiếm sống bằng cây thuốc phiện và phá rừng, khai thác trộm gỗ. Tập quán đó dẫn đến những hậu quả lâu dài về xã hội, tàn phá thiên nhiên và người dân vẫn mãi đói nghèo, lại không có cơ hội kiếm sống bằng nghề làm ăn chân chính.
Bà quyết tâm khởi xướng một mô hình phát triển toàn diện với tên gọi “phát triển sinh kế bền vững” (Sustainable Alternative Livelihood Development- SALD). Mô hình đó lấy con người làm trung tâm, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Mục tiêu chính của mô hình này là giúp các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương có thể đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu, dần xóa đói giảm nghèo và tiến tới có được một cuộc sống sung túc.
Dự án Phát triển Doi Tung Doi được bắt đầu năm 1988 trên diện tích 150 km2, bao gồm phần lớn các huyện Mae Fah Luang và Mae Sai trong tỉnh Chiang Rai của Thái Lan. Gần 11.000 người thuộc 6 dân tộc thiểu số sinh sống ở 29 xã vùng miền núi được hưởng lợi từ dự án.
Ngày nay, Doi Tung không còn trồng thuốc phiện, đời sống của người dân được cải thiện nhờ kinh tế rừng và phát triển du lịch. Họ được hướng dẫn trồng macca, cà phê và một số loại cây khác; phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Trong khuôn khổ dự án, một khu du lịch sinh thái được xây dựng với vườn Mae Fah Luang nổi tiếng, nơi có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ nở rực rỡ quanh năm, thu hút du khách. Người dân được tạo công ăn việc làm tại các nhà máy chế biến cà phê, trà, hạt macca, làm giấy, dệt lụa… và làm dịch vụ du lịch để có nguồn thu nhập ổn định. Họ được cấp thẻ căn cước, con em họ được đến trường học.
Trường tiểu học ở Doi Tung . Ảnh: VOV. |
Thăm trường học ở vùng núi vẫn còn rất nhiều khó khăn này, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi trường lớp khang trang và phong cách học của học sinh cũng khác. Các em được giáo dục với phương pháp Montessori- lấy học sinh làm trung tâm.
Phóng viên đã trò chuyện với ông Anthony Herings, người 11 năm qua đã cùng một cộng sự của mình, từ Anh Quốc xa xôi đến vùng núi này, thuyết phục các thày cô giáo và đào tạo họ cách dạy trẻ theo phương pháp Montessori.
Ông Anthony Herings (phải)- chuyên gia dự án giáo dục ở Doi Tung . Ảnh: VOV. |
Để tiến hành giáo dục theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, dự án đã tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ. Một trong những việc đó là thuê thêm giáo viên bên cạnh những giáo viên hiện có tại các trường. Nếu tỷ lệ chung ở toàn Thái Lan là 1 giáo viên dạy khoảng 25 học sinh thì ở những trường học trong dự án Doi Tung, con số này là khoảng 12 học sinh.
Bắt đầu từ năm 1997, dự án thuê 5 người địa phương làm việc tại các lớp mẫu giáo. Năm 1998 dự án bắt đầu hỗ trợ thêm giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở. Cứ như vậy, kể từ năm 1997 đến nay, năm nào dự án cũng thuê thêm một số giáo viên, năm nhiều nhất thuê thêm 20 người, còn như năm 2015, dự án thuê thêm 13 giáo viên. Kinh phí cho việc này là 204.850 baht/tháng (tương đương 2.458.200 baht/năm).
Tuy nhiên, trả tiền thuê giáo viên cũng không đồng nghĩa với việc các điều phối viên của dự án có thể trực tiếp chỉ đạo giáo viên dạy học theo phương pháp mới. Bởi thế, vấn đề mấu chốt là thay đổi nhận thức của giáo viên- ông Anthony Herings nhấn mạnh.
“Mục tiêu cơ bản của chúng tôi là có những giáo viên chuyên về ngôn ngữ Thái, dạy nghề và hướng dẫn tự học. Theo kinh nghiệm của tôi, thậm chí ở những nơi vẫn còn tỷ lệ 1 giáo viên dạy 25-30 học sinh, nhận thức
Trẻ được tạo một môi trường học tập. Ảnh: VOV. |
Nhưng thay đổi tư duy và cách giảng dạy bấy lâu nay của đội ngũ giáo viên là một việc không đơn giản. Để tiếp cận việc thay đổi nhận thức của giáo viên, khiến họ thích và theo phương pháp dạy mới, các chuyên gia của dự án đã tìm hiểu kỹ quan điểm của giáo viên bản địa về trẻ em và cách dạy trẻ, sau đó so sánh với quan điểm và triết lý của phương pháp Montessori.
Ông Anthony Herings cho biết, khái niệm sư phạm quan trọng trong phương pháp Montessori bao gồm lấy đứa trẻ làm trung tâm, theo đứa trẻ, khuyến khích trẻ học tập một cách độc lập, thiết kế một môi trường học tập năng động và quan sát trẻ. Sau đó, giáo viên với nghiệp vụ chuyên môn của mình sẽ hỗ trợ cho trẻ phát triển khả năng cá nhân với một lộ trình riêng cho từng trẻ. Về bản chất phương pháp này là tự thực hiện và tự quyết.
Phương pháp Montessori đã chứng minh được tính ưu việt và được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Và ở Doi Tung, người ta cũng đã thấy được những thành công bước đầu. Mọi người kể lại, 6 tháng sau khi các chuyên gia giáo dục đến đây và từng bước tiếp cận, thuyết phục các thày cô giáo…
Có một hôm, họ thấy khá đông phụ huynh học sinh đến trường. Họ lấy làm lạ, hỏi các thày cô giáo: hôm nay có sự kiện gì vậy, vì sao cha mẹ học sinh lại đến trường? Các thày cô cũng lắc đầu không hiểu.
Lát sau, một vị phụ huynh cho biết: Là vì trẻ con dạo này rất thích đến trường, trong khi trước kia buổi sáng bọn trẻ thường rất uể oải không muốn đi học… Vì vậy, cha mẹ học sinh rủ nhau đến trường hỏi xem ở trường có điều gì vậy, khiến trẻ con thích đi học.
Câu chuyện đã khích lệ các chuyên gia giáo dục của dự án, khiến họ thêm quyết tâm gắn bó với nơi này để xây dựng một môi trường giáo dục tốt, tương lai của Doi Tung.
Tuy vậy, nói về thành công ban đầu của dự án, Anthony Herings đánh giá rằng: “Đó là giới thiệu thành công đến mọi người phương pháp giáo dục Montessori và đào tạo hướng nghiệp”.
Trong các trường học ở Thái Lan cũng như nhiều ngôi trường ở châu Á khác, khó có thể tạo ra các thay đổi về phương pháp sư phạm và tư duy giảng dạy, nếu không từ các chính sách của chính phủ. Nếp cũ đã duy trì bấy lâu nay, không thể một sớm một chiều xóa bỏ được.
Trong tương lai, để tiếp tục những kết quả đã đạt được, ông Anthony Herings hy vọng rằng các trường học sẽ ngày càng cởi mở với sự kết hợp của các chuyên gia giáo dục nước ngoài. Và lý tưởng nhất là được sự ủng hộ của hệ thống chính quyền từ trên xuống dưới, hỗ trợ các chiến lược triển khai phương pháp giáo dục mới.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Anthony Herings học ngành Quản lý Lâm nghiệp. Ông đã thực hiện một thay đổi lớn trong sự nghiệp của mình vào khoảng năm 30 tuổi, chuyển sang lĩnh vực giáo dục sau khi học phương pháp Montessori tại Trung tâm quốc tế Montessori ở London.
Anthony Herings chia sẻ, trong gia đình ông, cha mẹ và ông bà luôn dạy con cháu mình phải quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh. Ông là anh cả trong gia đình có 4 anh em, luôn ý thức trách nhiệm chăm sóc các em mình. Mẹ ông có lẽ là người ảnh hưởng đến Herings nhiều nhất, bởi luôn chăm sóc nhà cửa gọn gàng ấm cúng, đối xử công bằng với các con và luôn bên cạnh giúp đỡ bất cứ khi nào các con cần.
11 năm trước đây, khi Doi Tung còn nghèo nàn và lạc hậu hơn rất nhiều so với bây giờ, ông và cộng sự làm sao để vượt qua được những lúc nản lòng?.
“Chúng tôi đã rất kiên trì, kiên nhẫn. Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn thử thách. Nếu bạn muốn đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và xã hội thì rõ ràng bạn sẽ phải chuẩn bị đối mặt với một hành trình dài và đầy khó khăn, gian khổ. Không đơn giản chút nào cả. Muốn những thành quả đạt được bền vững, bạn phải tìm cách làm tăng tỷ lệ nguồn nội lực. Đấy chính là “giúp người khác để họ giúp chính họ” (tương tự như cho người ta cái cần câu- PV) và giúp họ tự kiến tạo tương lai”.
Thay đổi phương pháp giáo dục, những người làm dự án kỳ vọng sẽ đào tạo nên một lớp người trẻ mới, tương lai của Doi Tung, những người sẽ giữ cho vùng đất này thay đổi bền vững, đoạn tuyệt hẳn với quá khứ đen tối “Tam giác vàng” của ngày xưa.