Một “hot face” đăng dòng trạng thái ẩn ý chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với chồng chỉ vài phút rồi xóa đi, nhưng nhiều người đã kịp chụp lại màn hình, chia sẻ và bàn tán khắp mạng xã hội. Sau khi mọi chuyện đi quá xa, người này lên tiếng bày tỏ sự bức xúc vì cuộc sống cá nhân bị mang ra mổ xẻ.
Một chàng trai xin mọi người ngừng chia sẻ chuyện tình, cũng như hình ảnh của mình và bạn gái đi khắp nơi (cả 2 quen nhau nhờ từng tham gia một cuộc thi khá nổi tiếng), dù chỉ vài chục phút trước đó, chính cậu là người đăng bài "khoe" trên một số diễn đàn của giới trẻ.
Không ít người cảm thấy thỏa mãn, hả hê khi đăng bài vạch mặt ai đó giật bồ, quỵt nợ, lừa dối mình… Nhưng ngay sau đó, khi sự riêng tư bị xâm phạm, họ lại cảm thấy bối rối và mệt mỏi vì dư luận.
Đó là một nghịch lý tồn tại trong thời đại yêu ai, ghét ai, ăn gì, mặc gì, đi đâu đều đưa “lên phây”: Nhiều người tự phơi bày sự riêng tư, “chuyện nhà mang ra thiên hạ”, rồi sau đó chính họ lại quay ra trách móc, thở than rằng nhiều người săm soi đời sống cá nhân của mình.
Nhiều người tự đăng tải những chuyện quá riêng tư hay mâu thuẫn cá nhân lên, nhưng sau đó không chịu được áp lực dư luận. Ảnh minh họa: WSJ. |
Trong bài viết Oversharing: Why Do We Do It and How Do We Stop? (tạm dịch: Chia sẻ quá mức: Vì sao chúng ta làm vậy và làm cách nào để ngừng lại?) đăng trên HuffPost, tác giả lý giải nhiều người mong muốn được chú ý bởi thế giới rộng lớn, hoặc ít nhất là một nhóm nhỏ, khiến họ chia sẻ những thông tin gây tò mò, riêng tư mà bản thân không đắn đo tới lần thứ 2.
Theo một nghiên cứu của GSJonah Berger - Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) - cảm xúc mạnh hoặc sự kích động thể chất có thể thúc đẩy sự bất cẩn của con người. Quyết định chia sẻ hay không chia sẻ thông tin nào đó lên mạng có liên quan đến trạng thái tinh thần và thể chất của người đăng.
Cụ thể, khi tức giận, đau đớn, phấn chấn hoặc adrenaline tăng cao, nhiều người có nhiều khả năng phô bày chuyện riêng tư trên mạng xã hội hoặc trong cuộc sống thực. Họ cảm thấy việc trút bỏ sự tức giận, đau đớn, thất vọng lên mạng là ý tưởng tốt, cho đến khi kịp nhận ra đó là sai lầm.
Các chuyên gia nói rằng sự chia sẻ thông tin quá mức trên mạng cũng được thúc đẩy bởi cảm giác bất an. Con người thường lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, cố gắng một cách tuyệt vọng để khiến hình ảnh của bản thân trông tốt đẹp hơn và chia sẻ nhiều thông tin hơn mức cần thiết.
Lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, con người thường cố gắng khiến hình ảnh của bản thân trông tốt đẹp hơn và chia sẻ nhiều thông tin hơn mức cần thiết. Ảnh minh họa: Duy Nguyễn. |
Arianna Huffington - người đồng sáng lập trang tin HuffPost - từng nhận xét: “Thế hệ của chúng ta nghiện công nghệ, thừa thãi thông tin mà lại thiếu đi sự khôn ngoan”.
Bằng việc chia sẻ điều gì đó riêng tư của bản thân trên mạng xã hội, người đăng đã "mời" những người khác trở thành một phần trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, họ không thể lựa chọn người theo dõi mình, giống như "chọn bạn mà chơi" ở ngoài đời.
Trang cá nhân là tài sản riêng của mỗi người. Viết, chia sẻ, bình luận điều gì đó là quyền tự do cá nhân.
Thế nhưng, nếu chuyện nhỏ, chuyện lớn, chuyện riêng, chuyện chung gì cũng chia sẻ trên thế giới ảo thì chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Bởi mạng xã hội có hàng triệu người với những tính cách khác nhau, và không phải ai cũng tốt bụng cảm thông, đồng cảm với câu chuyện của người khác.
"Đừng vội than thở lên mạng"
"Chúng ta sống trong một thế giới, nơi cuộc sống riêng tư có thể được phơi bày chỉ bằng một cú nhấp chuột. Bởi vậy, nhiều điều thậm chí còn khó che giấu hơn là để người khác nhìn thấy", tác giả bài viết về chia sẻ thông tin lên mạng xã hội đăng trên Black Milk Women nhận định.
"Nếu không muốn cuộc sống của mình biến thành chương trình truyền hình thực tế dài tập, đừng tiết lộ với người lạ chi tiết mọi thứ mình làm hàng ngày".
Tác giả bài đăng trên Bemorewithless cũng đồng tình với ý kiến trên: "Cách duy nhất để giữ cuộc sống riêng tư là không chia sẻ chúng trên Internet. Chính sách bảo mật và lời hứa cá nhân không giữ mọi thứ trong bí mật. Đừng đăng bất cứ điều gì bản thân không muốn mọi người biết".
"Nếu tức giận, hãy đi dạo trước khi chia sẻ lên mạng. Nếu kiệt sức, hãy đi ngủ trước khi kêu ca lên mạng. Nếu không ổn, cũng đừng vội than thở lên mạng".
"Nếu không muốn cuộc sống của mình biến thành chương trình truyền hình thực tế dài tập, đừng tiết lộ với người lạ chi tiết mọi thứ mình làm hàng ngày". |
Như trong những câu chuyện kể ra ở trên, nếu cô nàng “hot face” đủ bình tĩnh ngồi lại với nửa kia để thẳng thắn nói về những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, chuyện của họ đã không trở thành tiêu điểm trên mạng xã hội với đủ bình luận mỉa mai, giễu cợt, thậm chí làm hả hê những ai không ủng hộ chuyện của họ.
Nếu chàng trai lường trước được những điều có thể xảy đến khi chia sẻ chuyện tình của mình, hoặc ít nhất chuẩn bị tâm lý chấp nhận mọi tình huống, cậu đã không phải xin mọi người đừng nhấn thêm một nút like, share nữa.
Và những người đăng tải những chuyện quá riêng tư hay mâu thuẫn chưa được làm rõ, nếu kịp nghĩ kỹ nó có gây hại, gây phiền toái cho mình hay ai khác không, đã không phải mệt mỏi vì dư luận.
Trong bài 10 Things You Should Never Share on Social Media (tạm dịch: 10 điều bạn không bao giờ nên chia sẻ trên mạng xã hội), Ben Stegner - Phó tổng biên tập, quản lý việc xuất bản tại trang tin công nghệ MakeUseOf - khuyên một điều mà mọi người nên ghi nhớ mỗi khi đăng nhập vào các ứng dụng mạng xã hội: không bao giờ đăng bất cứ điều gì bản thân không muốn cả thế giới nhìn thấy.
“Trên Internet, một khi điều gì đó được đăng lên, thật khó để loại bỏ nó hoàn toàn. Ngay cả khi chỉ cài đặt nội dung hiển thị với bạn bè, người đăng không có cách nào biết được ai thực sự đã xem, lưu hoặc chia sẻ chúng với người khác. Bởi vậy, nếu đăng gì đó ngày hôm nay và 2 năm sau bỗng cảm thấy hối tiếc, ai cũng có thể xóa nó khỏi tài khoản của mình, nhưng nội dung đó không bao giờ có thể bị xóa hoàn toàn khỏi Internet", ông Stegner nói.
Bởi vậy, hãy tự đặt ra một vài câu hỏi trước khi chia sẻ điều gì đó lên mạng, ví như: "Điều này sẽ ảnh hưởng đến tôi và gia đình thế nào?", "Điều này sẽ giúp gì cho những người đọc nó?", "Điều này có đáng tin không?", "Đó có tiết lộ quá nhiều về cuộc sống riêng tư?".