Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chuyện gì đã xảy ra trong thảm kịch 121 người chết ở Ấn Độ

Khoảng 250.000 người đã tập trung tại buổi lễ tôn giáo của đạo Hindu ở miền Bắc Ấn Độ, nơi 121 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp thảm khốc, gấp ba lần số lượng cho phép, theo cảnh sát địa phương.

Các gia đình đến bệnh viện vào đêm khuya để tìm xem liệu người thân của mình có nằm trong số người thiệt mạng hôm 2/7 tại buổi thuyết giảng tôn giáo ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ hay không. Ảnh: New York Times.

Vụ giẫm đạp xảy ra tại buổi lễ tôn giáo satsang được tổ chức tại một ngôi làng ở Hathras, bang Uttar Pradesh, hôm 2/7 quy tụ hàng trăm nghìn tín đồ tới buổi thuyết giảng của giáo sĩ đạo Hindu nổi danh Bhole Baba, theo Guardian.

Đám đông quá lớn

Theo giới chức trách, quy mô đám đông đến cầu nguyện cho giáo sĩ Bhole Baba, tên thật là Narayan Sakar Vishwa Hari, lớn gấp ba lần so với 80.000 người mà chính quyền đã cho phép.

Báo cáo của cảnh sát cho thấy vụ giẫm đạp xảy ra sau khi một lượng lớn người lao về phía trước nhằm cố gắng chạm vào chân của giáo sĩ và phần đất ông đã đứng, trong khi những người tổ chức tìm cách để ngăn chặn đám đông một cách thô bạo.

Theo các nhân chứng, trời cũng bắt đầu mưa, khiến mọi người trượt chân ngã, nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Số người chết đã tăng lên 121 tính tới nay.

“Do đám đông không kiểm soát được đã rời khỏi địa điểm nên các tín đồ ngồi dưới đất bị đè nén”, theo báo cáo của cảnh sát.

“Bên kia đường, đám đông chạy trên ruộng nước, đầy bùn đất đã bị Ban tổ chức dùng gậy ngăn cản, sức ép của đám đông ngày càng gia tăng, phụ nữ, trẻ em và cả nam giới liên tục bị chen lấn”.

giam dap anh 1

Một người đàn ông thương tiếc vợ và con gái tử nạn trong vụ giẫm đạp. Mẹ của ông vẫn đang mất tích. Ảnh: New York Times.

Thủ hiến Uttar Pradesh, Yogi Adityanath, đã ra lệnh điều tra về vụ việc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng các nạn nhân sẽ “được giúp đỡ bằng mọi cách”.

Cảnh sát cho biết đã lập hồ sơ vụ án đối với những người tổ chức sự kiện và dự kiến bắt giữ giáo sĩ Baba Vishwa Hari trong ngày 3/7, nhưng vẫn đang trong quá trình xác định tung tích của người này.

"Tôi không biết làm thế nào tôi thoát nạn"

Cả ban tổ chức và vị giáo sĩ đều chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ giẫm đạp.

Vị giáo sĩ - từng là cảnh sát trước khi trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần tự phong - thường xuyên tổ chức những cuộc thuyết giảng như vậy ở các làng địa phương trong nhiều năm.

Trong số những người tham dự sự kiện có Amit Kumar, 22 tuổi, một nông dân đến từ làng Mughal Garhi. Anh mô tả một chiếc lều lớn đã được dựng lên để chào đón sự xuất hiện của giáo sĩ, khiến đám đông “nghẹt thở” ngay cả trước khi ông đến vào khoảng giữa trưa, nơi ông chỉ thuyết pháp ngắn gọn cho đám đông khổng lồ.

Kumar cho hay: “Ngay khi xe của ông ấy rời khỏi địa điểm, mọi người bắt đầu chạy về phía đường cao tốc để chạm vào chỗ đất xe của ông ấy đã đậu. Đám đông quá lớn đã ngã đè lên nhau. Tôi cũng bị mắc kẹt trong đám đông và phải bước qua hàng chục thi thể theo đúng nghĩa đen”.

Anh nói thêm: “Sức ép của đám đông quá khủng khiếp, đến mức tôi cảm thấy ngực mình như muốn vỡ tung. Tôi không biết làm thế nào tôi có thể thoát ra khỏi đám đông lúc đó và tự cứu mình. Tôi vẫn còn run khi nghĩ đến cảnh tượng lúc đó”.

Kumar nói rằng anh đã quay lại hiện trường hai giờ sau đó để hỗ trợ nỗ lực cứu hộ. “Có những thi thể bị mắc kẹt trong bùn” anh nói. “Rất khó để đưa họ ra ngoài. Một lúc sau, xe cứu thương cũng đến, chúng tôi phải mất hàng giờ mới đưa hết thi thể ra khỏi cánh đồng ”.

Gia đình của những người thiệt mạng và mất tích vẫn tập trung tại bệnh viện và nhà xác ở Hathras hôm 3/7, tuyệt vọng tìm kiếm câu trả lời và cố gắng tìm kiếm thi thể của những người thân yêu.

Nhiều vụ giẫm đạp chết người đã xảy ra tại các sự kiện tôn giáo và hành hương ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Rajesh Kumar Jha, một thành viên Quốc hội, đã đặt câu hỏi tại sao các trường hợp tử vong liên tục xảy ra. Ông cho rằng rằng những thảm kịch như vậy sẽ lặp lại nếu các quy trình an toàn không được thực hiện nghiêm túc.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Hạnh Di

Bạn có thể quan tâm