Bà Mary MCKeon, Trưởng nhóm tư vấn dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) - cho biết, thời điểm hiện tại, du lịch Việt Nam đang có những thay đổi lớn. Số lượng du khách đang tăng dần theo từng năm. Trao đổi với Zing.vn, bà cho biết đây là một tin tốt đối với Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thử thách.
Thử thách đầu tiên là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Để đào tạo được đội ngũ chuyên nghiệp nhằm đáp ứng lượng du khách ngày một cao là thử thách lớn đối với ngành giáo dục.
Môi trường cũng là yếu tố rất quan trọng. "Các nhà lãnh đạo cần phải cân nhắc một chiến lược dài hạn cho ngành du lịch Việt Nam. Chúng ta có thể vui vì lượng du khách đang tăng lên, nhưng cũng cần phải nghĩ đến tương lai, nghĩ tới những đứa trẻ hôm nay sẽ trở thành người lớn mai sau và ngành du lịch Việt Nam trong 20 - 40 - 50 năm nữa sẽ có gì để mời gọi du khách".
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch. Ảnh:
Matt Munro |
Việt Nam rất may mắn có được những kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời, tráng lệ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhất Đông Nam Á. Song nguồn tài nguyên này cần phải được bảo vệ sao cho sự bảo tồn và phát triển được cân bằng.
Bên cạnh đó, ở khu vực biển đảo, sự phát triển phải được cân bằng giữa việc đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương và môi trường. "Tôi lo ngại về môi trường xung quanh các khu “trung tâm”, nơi các bãi biển đang trở nên hẹp hơn. Chúng có thể bị tàn phá dần dần nếu thiếu ý thức gìn giữ và trách nhiệm với những gì chúng ta đang có", Trưởng nhóm tư vấn dự án EU ESRT cho hay.
4 giải pháp cho ngành du lịch
Để giải quyết những thách thức nêu trên, bà Mary đưa ra 4 giải pháp:
1. Chính phủ xem xét hệ thống giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch.Tiêu chuẩn đào tạo nhân lực phải bắt kịp với các nước khác trong khu vực.
2. Có những quy định để bảo vệ môi trường với ngành du lịch. Có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sai phạm, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch nước nhà.
3. Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam cần được chú ý để đảm bảo rằng du khách có những trải nghiệm tuyệt vời, và quan trọng hơn là họ sẽ trở lại trong tương lai. Cần phối hợp với doanh nghiệp tư nhân trong ngành du lịch để nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Việt Nam. Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu với đội ngũ làm truyền thông rất chuyên nghiệp, còn hiệu quả truyền thông của Việt Nam còn khá thấp.
4. Chính sách miễn thị thực 5 nước châu Âu được đưa ra năm 2015, làm tăng 20% lượng khách du lịch châu Âu vào Việt Nam. Vì vậy, nên sớm có thêm hỗ trợ về thị thực để có mức tăng trưởng mạnh trong ngành du lịch, đặc biệt là tiếp tục thu hút các du khách đến từ châu Âu.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa gợi ý về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch:
1. Giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” trong giao tiếp.
2. Xếp hành trật tự, không chen lấn, xô đẩy, không gây ồn ào nơi công cộng.
3. Không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống.
4. Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường.
5. Hãy tôn trọng và có ý thức nhường đường cho người khác, tuân thủ luật lệ giao thông.
6. Giúp đỡ, ưu tiên cho người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em.
7. Tôn trọng phong tục tập quán và văn hóa của mỗi địa phương.
8. Lắng nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch khi tham quan.
9. Không vẽ, chạm khắc, sờ vào những hiện vật của các di tích, các điểm trưng bày.
10. Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên cùng đoàn khi đi du lịch.