Sau kỳ nghỉ Tết, các địa phương đồng loạt mở cửa trường. Đến nay, phần lớn tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh phổ thông, trẻ mầm non đến lớp, bao gồm cả đối tượng chưa tiêm vaccine.
Tuy nhiên, sau Tết, tình hình dịch bệnh tại nhiều cơ sở giáo dục có xu hướng phức tạp hơn, trong khi các quy định xử lý F1 trong trường học của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT lại không thống nhất.
Các quy định, hướng dẫn về F1
Bộ GD&ĐT | Sở Y tế TP.HCM | Bộ Y tế | |
F1 đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều hoặc F0 đã khỏi bệnh | Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế. Xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn 3 lần (ngày 1, 3 và 7). | Được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K. Xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng test nhanh cho đến khi không còn phát hiện F0. Khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng. | Ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính thì cho đi học trở lại. |
F1 chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vaccine nhưng có yếu tố nguy cơ | Cách ly y tế 10 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế. Xét nghiệm rRT PCR mẫu đơn 3 lần (ngày 1, 5 và 10). | Cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng. | |
Những người chưa tiêm vaccine | Cách ly y tế 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như họ, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế. Xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn 3 lần (ngày 1, 7 và 13). | Cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú.Xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng. | Cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường. |
Khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ | Nếu có 1 ca dương tính thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát. | Nếu có 1 ca dương tính thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát: |
Quy định chưa thống nhất dẫn đến các trường lúng túng khi xử lý trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cách xác định F1 là tất cả học sinh cùng lớp với F0. Trong khi, cuối tháng 12/2021, Bộ Y tế đã có điều chỉnh cách xác định F1.
Theo đó, F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
Hai quy định khác nhau khiến các trường và cả y tế địa phương lúng túng khi xác định học sinh F1. Mặt khác, quy định về thời gian cách ly học sinh F1 chưa tiêm vaccine 14 ngày khiến nhà trường, giáo viên mệt mỏi, thấp thỏm khi lớp học "on - off" liên tục. Học sinh vừa tới trường đã phải ra về vì lớp có một em F0.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đang rất lúng túng xử lý F0, F1 xuất phát từ việc vênh nhau giữa các quy định. Do đó, sở GD&ĐT và sở Y tế đang phải ngồi lại với nhau, thống nhất cách hướng dẫn xử lý F0, F1 trong trường học.
Cách xác định F1 và thời gian cách ly đối với người chưa tiêm vaccine đang có nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
"Chỉ cần cách ly học sinh F1 7 ngày là an toàn"
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, nguy cơ lây lan của trẻ em rất thấp. Tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em thấp, các em sẽ dễ lây từ người lớn trong gia đình (người lớn mắc bệnh thường có nồng độ virus lớn), còn trẻ em lây với nhau thường ít hơn. Do đó, bác sĩ Dũng cho rằng có thể xem mức độ đề kháng của trẻ như người lớn đã tiêm vaccine.
"Trước mắt, chúng ta chỉ nên cách ly F0, còn học sinh F1 nếu test nhanh âm tính, không có triệu chứng, được tiếp tục học và theo dõi, quan sát kỹ các biểu hiện, cho đến khi có bằng chứng lây lan trong lớp học. Khi đó, chúng ta mới chuyển sang học online", bác sĩ Đỗ Văn Dũng đề xuất.
Ông Dũng cho rằng khi lớp có một em F0, toàn bộ học sinh lại phải học tại nhà sẽ gián đoạn kế hoạch học tập của các em và xáo trộn công việc của phụ huynh.
Bác sĩ Dũng cho biết Mỹ đã có phương án giúp học sinh lớp nhỏ chưa được tiêm vaccine có thể tiếp tục đi học (không phải cách ly) dù là tiếp xúc gần F0. Đó là chiến lược "test-to-stay" (xét nghiệm và giữ ở lại lớp).
CDC Mỹ quy định những học sinh tiếp xúc gần nguồn lây vẫn có thể đi học nếu xét nghiệm âm tính nCoV hàng ngày, trong vòng 7 ngày. Phương pháp này tốn nhiều nguồn lực nhưng cho phép học sinh đã tiếp xúc F0 đi học bình thường, duy trì việc học ổn định, miễn là xét nghiệm thường xuyên và tuân thủ biện pháp phòng ngừa khác.
Mỹ xác định học sinh phổ thông có tiếp xúc gần F0 là trường hợp tiếp xúc trong phạm vi 1 m và không đeo khẩu trang. Bác sĩ Dũng cho rằng cách xác định F1 trong trường học như Mỹ là hợp lý, chúng ta có thể áp dụng tương tự. Khi đó, định nghĩa F1 cho học sinh phổ thông sẽ loại trừ những trường hợp tiếp xúc trên 1 m mà có đeo khẩu trang.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng các cơ quan chuyên môn y tế cần thay đổi quy định xác định và cách ly F1 trong trường học, nhất là đối với bậc mầm non, tiểu học.
Theo ông, F1 là 4-6 em ngồi gần, xung quanh F0 (2 em phía trước, 2 phía sau và bạn ngồi bên cạnh). Không thể chỉ vì lớp có một học sinh F0 tất cả phải chuyển sang học online.
"Theo tôi, dù F1 đã tiêm hay chưa tiêm vaccine, các em chỉ cần theo dõi trong vòng 7 ngày. Bởi trong thời gian 3-7 ngày, nếu không có triệu chứng, test nhanh âm tính nghĩa là em này an toàn, không có nguy cơ trở thành F0", bác sĩ Khanh nói.
Cách ly học sinh F1 trong 7 ngày cũng là phương án mà Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia.
"Chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết.