Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia giáo dục dự đoán cấu trúc đề thi đại học đợt 2

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, cấu trúc đề thi đại học đợt 2 cũng sẽ thay đổi như đợt 1, không còn phần chung và riêng như mọi năm.

Thay đổi cấu trúc đề thi ĐH: Công bằng, đúng đắn!

Ngày 4-5/7, hơn 570.000 thí sinh khối A, A1, V đã hoàn thành kỳ thi đại học đợt 1. Năm nay, cấu trúc đề thi đã có sự thay đổi không còn chia thành hai phần chung - riêng như mọi năm mà chỉ có một phần bắt buộc cho tất cả thí sinh.

Thí sinh dự thi đại học đợt 1 tại HV Công nghệ bưu chính viễn thông (Ảnh: Anh Tuấn).

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: “Việc ban ra đề thi của Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi cấu trúc trong đợt 1 hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các thí sinh”.

Theo ông trước kia do có chương trình phân ban nên đề thi cần hai phần chung và tự chọn. Nhưng hiện nay chương trình đã thay đổi theo hướng cơ bản, nên đề thi cũng cần điều chỉnh để phù hợp với tất cả thí sinh.

Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM còn khẳng định: “Cải tiến này là phù hợp, đúng đắn, tránh tình trạng học lệch, học tủ của thí sinh. Theo tôi, đề thi đại học đợt 2 cũng sẽ có sự thay đổi tương tự”.

Từng nhiều năm làm công tác tuyển sinh, vị lãnh đạo này cho rằng nếu các thí sinh đều được hoc kiến thức cơ bản ở bậc THPT giống nhau thì cũng cần phải có một đề thi chung. Đề thi này sẽ kiểm tra kiến thức mà tất cả thí sinh cần đạt trước khi chính thức bước vào nghề.

Trả lời trên báo Vietnamnet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đã giao cho Ban đề thi toàn quyền xử lý việc này - sử dụng kiến thức nào để kiểm tra năng lực, và kiến thức ấy nằm trong chương trình nâng cao hay cơ bản… Nếu kiến thức sử dụng trong đề thi không nằm trong phần giao thoa sẽ buộc phải có hai phần câu hỏi riêng để thí sinh tự chọn. Nếu nằm trong phần giao thoa thì không cần phải chia đề thi ra nữa.

Hơn nữa, việc bỏ phần tự chọn đi cũng giảm bớt sự phân vân của thí sinh trong quá trình làm bài vì các em chỉ có một sự lựa chọn đó thôi. Điều này tránh cho các em việc vô tình làm một vài câu trong cả hai phần tự chọn, bị phạm quy và trừ điểm như một số trường hợp đã xảy ra những năm qua.

Về phương diện nhà trường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cũng đồng tình với cách thay đổi này của Bộ GD-ĐT.

Vị hiệu trưởng này bày tỏ: “Theo tôi để đánh giá năng lực của tất cả học sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ cần một loại đề, không cần thiết phải phân ra phần chung - riêng. Thông thường, việc ra đề thi sẽ phụ thuộc vào nội dung chương trình, sách giáo khoa. Vì vậy, đề thi ra theo cấu trúc như nào cũng không làm khó thí sinh”.

Dựa vào nguyên lý dạy học, phương pháp đánh giá giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đây là cải tiến tốt của Bộ GD-ĐT, không cần rắc rối như mọi năm lại đánh giá được tất cả đối tượng học sinh. Thậm chí, thay đổi này còn đánh giá công bằng hơn và giúp các trường lựa chọn thí sinh chuẩn, phù hợp.

“Hiện nay công tác làm đề thi đại học đã hoàn tất. Vì vậy, tôi cho rằng thay đổi này sẽ được tiếp tục duy trì trong đợt 2", thầy Tùng Lâm nhận định.

Mặc dù không ảnh hưởng đến các thí sinh vì toàn bộ nội dung đề thi vẫn nằm trong chương trình ôn tập, nhưng vị hiệu trưởng này cũng cho rằng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT nên tuyên bố thay đổi này cho các thí sinh.

Thí sinh không cần quan tâm đến cấu trúc đề thi

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định: “Việc xây dựng cấu trúc đề thi thuộc thẩm quyển của Bộ GD-ĐT. Hiện nay khâu làm đề thi cũng đã được hoàn tất. Vì vậy, theo tôi, các thí sinh không nên quan tâm đến cấu trúc mà cần phải nắm được hướng ra đề thi của Bộ GD-ĐT”.

Trao đổi với một số thí sinh vừa tham gia kỳ thi đợt 1, các bạn đều cảm thấy lạ, ngạc nhiên với sự thay đổi của đề thi. Tuy nhiên, các sĩ tử lại tỏ ra thích thú với cách ra đề không còn phần bắt buộc - tự chọn như mọi năm. Nguyễn Phương Anh (THPT Nhân Chính, dự thi khối A1 vào ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Em hơi bất ngờ khi đề thi khác mọi năm. Nhưng cấu trúc này sẽ công bằng hơn với tất cả thí sinh. Đặc biệt, chúng em không mất thời gian phân vân lựa chọn câu hỏi như trước”.

Thầy giáo này cho rằng dù đề thi có phần chung, riêng hay thay đổi như kỳ thi đại học đợt 1 vừa qua thì nội dung kiến thức của các câu hỏi vẫn nằm trong chương trình mà thí sinh đã được ôn tập, bám sát chương trình và không gồm các phần kiến thức đã được giảm tải.

“Nếu đề thi như trước đây sẽ tạo cơ hội cho thí sinh chọn phần mình học tốt hơn, chắc chắn hơn để làm bài. Dù thay đổi này không được Bộ GD-ĐT thông báo trước nhưng tôi cho rằng các em đừng nên lo lắng. Những thí sinh ôn tập tốt chắc chắn vẫn tự tin làm tốt bài thi. Các em chỉ bị động khi học tủ, học lệch”, Tiến sĩ Hưởng chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục này cũng nhận định: “Các câu hỏi trong đề thi đại học năm nay sẽ theo xu hướng mở, nhưng không phải đánh đố học sinh. Đề mở nghĩa là cùng một nội dung kiến thức, nhưng sẽ có nhiều cách hỏi khác nhau. Trên cơ sở những kiến thức cơ bản, người học còn phải biết nhận xét, trình bày, đánh giá, so sánh đối chiếu, khái quát vấn đề”.

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ thi đại học đợt 2 sẽ diễn ra, vì vậy các chuyên gia giáo dục đều khuyên sĩ tử không nên băn khoăn về vấn đề này mà cần tập trung ôn luyện, giữ gìn sức khỏe để đạt được phong độ tốt nhất khi làm bài.

Đáp án chính thức các môn khối A, A1, V của bộ GD&ĐT

17h ngày 5/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án chính thức các môn thi đại học đợt 1.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm