Nỗi lòng của người cha nghèo đưa con đi thi
Với ước mơ thoát nghèo, bác Mai Đinh Canh (52 tuổi) luôn động viên con gái: "Nhà có nghèo khó thì càng phải gắng học con chữ". Thương bố mẹ, cô con gái Mai Thị Nhung càng phấn đấu học tập.
Cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông vào 5000 m2 ruộng và đàn lợn, con gà chẳng đáng là bao. Bác Canh chia sẻ: “Hai vợ chồng nhà tôi quanh năm làm ruộng, chẳng có nghề nghiệp gì khác".
Bác Canh khoe: “Nhà nghèo, nhưng đứa nào tôi cũng cho ăn học đàng hoảng cả. 4 cô chị cũng đều học Đại học, Cao đẳng. Đến giờ tôi cũng vay ngân hàng kha khá rồi, chẳng biết bao giờ mới chả được, nhưng vay cho con ăn học nên người thì tôi vẫn tự hào lắm”. Tính đến nay, gia đình bác đã nợ ngân hàng tới 40 triệu đồng.
Đôi mắt bác đỏ hoe khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và thương con gái. |
Đưa Nhung đi thi, bác phải bán số thóc vừa thu hoạch trước đó gần 1 tháng. Bác mang theo 4 triệu, tài sản của cả gia đình lên thành phố, còn cô con gái mang theo niềm mong ước thoát nghèo của cả gia đình.
Đợt 1, Nhung dự thi khối A khoa Quản trị Nhân lực vào đợt 2 này Nhung sẽ thi tiếp khối B vào khoa Công nghệ Thực phẩm, ĐH Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Ra Hà Nội từ hôm mùng 2, sau đợt thi đầu tiên, số tiền chi tiêu của 2 bố con đã ngót đi gần một nửa.
Bác Canh tỏ ra lo ngại: “Cả nhà bán thóc xong có vậy, tôi thấy cũng hòm hòm, nhưng lên đây mới thấy thứ gì cũng đắt đỏ và phát sinh thêm nhiều loại tiền khác nữa, bố con chỉ biết cố gắng chi tiêu tiết kiệm”.
Khi tôi hỏi, nếu như con gái đỗ đại học thì bác định thế nào? Nghe đến đó, người đàn ông hơn 50 tuổi bỗng dưng khóc nấc lên như một đứa trẻ, nước mắt giàn giụa: "Nếu con gái lên Hà Nội học, tôi không biết bán gì tiếp nữa, thóc đã bán hết rồi, trong khi số nợ 40 triệu vẫn còn đó".
Bác Canh bảo: "Nghĩ đến con là lại thương tới chảy nước mắt, mình chăm chỉ làm lụng mà quanh năm vẫn nghèo. Cách đây nửa tháng, gà bị dịch bệnh cứ chết dần mỗi hôm năm, ba con. Hiện tại số gà của gia đình không còn đầy nửa. Cũng may hai chị em Nhung đều học giỏi chăm ngoan, tôi cũng thấy vui phần nào".
Lau những giọt nước mắt, bác nấc nghẹn: “Còn số ruộng ấy, nếu Ngân hàng tiếp tục cho vay nữa thì tôi lại vay cho con Nhung đi học”.
Con gái phải đi gặt 10 tiếng 1 ngày trước ngày thi
Kể về cô con gái hiếu thảo, bác Canh cho biết, cách đây gần 1 tháng dù là giai đoạn nước rút ôn thi nhưng phần vì thương bố mẹ, phần vì giúp gia đình gặt kịp vụ, Nhung nhất quyết ra đồng cùng bố mẹ.
Em chia sẻ: “Mùa gặt, bố mẹ phải dậy từ 4h30 sáng để đi làm, đến 7 h tối mới về, trưa về chỉ ăn kịp bữa cơm. Em chỉ phải đi cấy khoảng 10 tiếng 1 ngày, đến trưa hay gần tối thì về nấu cơm”.
Nhung bật khóc khi nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình. |
Nói đến đây, em bật khóc. Cúi mặt, cô bé nhút nhát cuộn tròn người lại che đi những giọt nước mắt đang lăn dài. Các bạn cùng phòng phải vào dỗ dành, Nhung mới bình tĩnh lại. Quệt nước mắt, Nhung nói từng tiếng như thì thầm: “Em thương bố mẹ lắm”.
Có nhìn những giọt nước mắt của người cha già mới thấy tình yêu không lời mà cha mẹ luôn dành cho con cái. Có thấy những giọt nước mắt của cô trò nhỏ mới biết rằng, em đã và đang quyết tâm đến nhường nào để có thể học được con chữ báo hiếu với cha mẹ.
Chúc cho Nhung sẽ gặp nhiều may mắn và thi đỗ đại học năm nay để không phụ công ơn bố mẹ.