Chỉ với 10% những người đang hút thuốc lá hàng năm thực hiện các biện pháp giảm tác hại có thể giúp cứu sống 4.700 trường hợp tử vong và tiết kiệm được 1.500 tỷ đồng chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm.
Đây là những ước tính dựa vào mô hình giả định được PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, đề cập ra tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và Giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá”, diễn ra vào ngày 22/12/2023.
Những giải pháp nào cho người chưa cai được thuốc lá?
PGS.TS Trần Khánh Toàn cho biết cai thuốc lá là biện pháp tốt nhất. Nhưng thực tế, tỷ lệ cai thuốc lá thành công còn thấp. Vì vậy, cần triển khai các biện pháp giúp giảm tác hại so với việc tiếp tục sử dụng thuốc lá điếu truyền thống.
PGS Toàn phân tích về giải pháp giảm tác hại thuốc lá. |
Tác hại của việc hút thuốc chỉ một phần nhỏ do nicotine còn chủ yếu đến từ các thành phần độc hại sẵn có trong thuốc lá với nồng độ và mức độ nguy hại tăng lên nhiều lần trong quá trình đốt cháy.
Giảm tác hại do thuốc lá hướng đến việc loại bỏ hoặc giảm hàm lượng nicotine và các chất độc hại có sẵn trong thuốc lá hoặc phát thải trong khói thuốc.
Trong quá khứ, nhiều biện pháp loại trừ nicotine như thuốc lá thảo mộc, thảo dược... đã ra đời. Tuy nhiên, do không chứa nicotine, dù loại bỏ hết được các tác hại của thuốc lá, các sản phẩm này vẫn không được người hút thuốc lựa chọn.
Trong bối cảnh chưa thể cai thuốc, một chiến lược được quan tâm là giảm thiểu tác hại từ quá trình đốt cháy.
Về giải pháp này, PGS Toàn phân tích thuốc lá nung nóng (TLNN) khi làm nóng chỉ có mức nhiệt không quá 300-350 độ C. Do đó, hàm lượng chất độc hại sinh ra từ thuốc lá làm nóng sẽ giảm đi đáng kể so với thuốc lá đốt cháy truyền thống (vốn có nhiệt độ đốt cháy 900-1.000 độ C), qua đó kỳ vọng giảm hậu quả về sức khoẻ tương ứng.
PGS Toàn cũng khuyên cần xem TLNN là hàng hóa, cần chấp nhận quy luật cung- cầu của thị trường, để có biện pháp quản lý phù hợp.
Mặt khác, TLNN là sản phẩm giảm tác hại nhưng bản chất vẫn là thuốc lá, nên cần quản lý như một loại thuốc lá. Ngoài ra, cũng cần phân biệt TLNN - nung nóng nguyên liệu thuốc lá, với thuốc lá điện tử - nung nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất khác.
PGS Toàn cũng nhấn mạnh: “Sản phẩm TLNN chỉ nhằm cung cấp cho những đối tượng đích là người trưởng thành đã nghiện thuốc lá mà không muốn hoặc không thể cai thuốc được, cần có biện pháp quản lý để tránh hướng đến người chưa từng hút, mới tập hút”.
Hiện nay, hầu hết TLNN trên thị trường đều là hàng lậu, không được quản lý về chất lượng, an toàn. Do đó, theo PGS Toàn, cần có thêm nhiều nghiên cứu, các mô hình đánh giá phù hợp với quốc gia về tác động của TLNN để có cách ứng xử phù hợp.
Lợi ích kép nếu áp dụng biện pháp giảm tác hại
Từ góc độ sức khoẻ cộng đồng, PGS Toàn nhận định việc áp dụng song song biện pháp cai thuốc và giảm tác hại thuốc lá sẽ mang lại lợi ích kép.
Về sức khoẻ, PGS Toàn giả định: “Nếu bắt đầu can thiệp áp dụng biện pháp giảm tác hại thuốc lá bằng TLNN từ năm 2024, và giả định mỗi năm chúng ta có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang TLNN, với mức giảm 70% nguy cơ mắc bệnh so với thuốc lá thông thường; thì mỗi năm chúng ta có thể giảm được 1,5 nghìn tỷ đồng cho chi phí y tế để điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, đồng thời có thể giảm được 4.700 trường hợp tử vong do thuốc lá”.
“Cũng trên cơ sở đó, từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30%". PGS Toàn nói thêm.
Điều này sẽ hỗ trợ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi xuống dưới 36%, theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Về kinh tế, PGS Toàn cho biết, mỗi năm trên toàn cầu, chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá lên đến 1.400 tỷ USD. Riêng ở Việt Nam, con số này năm 2011 là 1,17 tỷ USD, tương đương 1% GDP của cả nước.
Vì vậy, việc thực hiện biện pháp kép sẽ giúp các quốc gia giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế do hút thuốc lá, dành ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội khác.
Theo WHO, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Nguyên nhân đến từ việc thuế thuốc lá điếu của Việt Nam còn thấp, hay do các sản phẩm thuốc lá mới dễ tiếp cận nhóm trẻ 13-15 tuổi, theo thông tin tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế vào 5/2023.
Do đó PGS Toàn nhấn mạnh rằng biện pháp giảm tác hại không thể triệt tiêu hoàn toàn các chất gây hại mà chỉ góp phần giảm thiểu nguy cơ lên sức khoẻ người dùng.
Cụ thể, thuốc lá điếu truyền thống có khoảng 80 chất gây có khả năng gây ung thư trong khi con số này ở thuốc lá làm nóng là 37 chất. Chưa kể hàm lượng các chất gây hại này trong khói TLNN thấp hơn từ vài lần đến vài chục lần so với trong khói thuốc lá thông thường.
Chính sách quản lý TLNN tại một số quốc gia. |
Vị chuyên gia này cho biết việc áp dụng song song hai biện pháp cai thuốc và giảm tác hại đem lại những tín hiệu tích cực. Phần lớn các nước thành viên WHO như Mỹ, Nhật Bản đã ban hành chính sách quản lý đặc thù với các loại thuốc lá mới, bao gồm TLNN, trong đó, Thuỵ Điển là ví dụ điển hình, khi gần chạm mục tiêu “quốc gia không khói thuốc” với tỷ lệ người hút thuốc dưới 5%.