Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Chuyên gia: ‘Không có chuyện trẻ béo là khỏe’

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, phụ huynh có thể nhận biết trẻ béo phì qua dáng đi nặng nề, tích mỡ đùi, bụng... Trẻ tăng cân nhanh cũng là dấu hiệu báo động cần phải thăm khám.

tre thua can,  beo phi anh 1

Nhìn cậu con trai 13 tuổi, cao 1,57 m, nặng 47 kg đang được bà nội cho ăn món xúc xích khoái khẩu, chị Bích Huệ (36 tuổi, ở TP.HCM) không khỏi lo lắng. Trước mùa dịch, con trai thích đá banh, phát triển khá đồng đều.

Tuy nhiên, khi dịch ở nhà, ông bà nội lên ở cùng và chế độ ăn uống của bé cũng có nhiều thay đổi. Các bữa cơm xuất hiện nhiều món trước đây nằm trong “danh sách đen” của bà mẹ này như xúc xích, lạp sườn, kem…

Sau mấy tháng dịch, bé trai tăng khoảng 3 kg, cảm giác người nặng nề hơn, vòng bụng to ra. “Tôi lo lắng cháu đang bị thừa cân, phải ăn kiêng. Nhưng ông bà nội cho rằng trẻ phải có da có thịt mới khỏe và phản đối những nguyên tắc ăn uống tôi đưa ra”, chị Huệ tâm sự. Sự khác biệt trong quan niệm ăn uống và chăm con khiến bà mẹ này stress rất nhiều, thường xuyên ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

“Không có chuyện béo là khỏe”

Khi chị Huệ tìm đến sự tư vấn của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Phó chủ tịch Hội hô hấp Nhi Việt Nam, chia sẻ ông hoàn toàn thấu hiểu với tình huống mà bà mẹ đang vướng phải. Đây cũng là điều xuất hiện nhiều ở các gia đình Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, để xác định tình trạng cân nặng của một đứa trẻ, chúng ta cần phải căn cứ vào những yếu tố là độ tuổi, chiều cao, cân nặng. Với từng trẻ, lượng cân tăng thêm có đáng báo động hay không rất khác nhau, không phải trẻ nào cũng giống trẻ nào.

Chẳng hạn trẻ 1-2 tuổi, tăng 2 kg trong mấy tháng là quá nhiều. Với một bé trai 15 tuổi, tăng 2 kg trong vài tháng là chuyện hoàn toàn bình thường.

tre thua can,  beo phi anh 2

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiều gia đình quan niệm “béo là khỏe” nhưng theo chuyên gia, đây là điều hoàn toàn sai lầm. Ảnh: T.N.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng có hai cách để xác định trẻ thừa cân, béo phì. Đầu tiên là bằng mắt thường, phụ huynh quan sát thấy thân hình trẻ to béo không bình thường so với lứa tuổi, dáng đi nặng nề như bà mẹ ở trên đã miêu tả. Cách thứ hai là dùng cân đo. Nếu trẻ có chiều cao đạt mức chuẩn bình thường mà cân nặng vượt mức bình thường 25%, có thể bé này đã bị thừa cân, nguy cơ béo phì. Nếu số cân nặng vượt mức bình thường 50%, chắc chắn trẻ đã bị bệnh béo phì.

Tuy nhiên, bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh để đánh giá kỹ hơn, các chuyên gia phải có những bước thăm khám sâu nhằm xác định trẻ béo phì độ mấy, có bị thiếu chất hay không và thiếu chất gì. Theo vị chuyên gia, dấu hiệu nhận biết trẻ béo phì vừa dễ vừa khó.

Như trường hợp của chị Thu Trang (37 tuổi, ở Hà Nội), con trai 14 tuổi, cao 1,65 m, nặng 65 kg, phần đùi, bắp tay, cằm khá nhiều mỡ nhưng nhìn chung thân hình của bé khá cân đối. Do đó, chị không nghĩ con mình bị thừa cân, béo phì cho đến khi đi khám.

Bác sĩ Dũng nhận định theo chỉ số khối cơ thể (BMI), cháu bé có vẻ như hoàn toàn bình thường. Song, các vị trí như đùi, bụng, cánh tay, cằm đang bị tích mỡ là hiện tượng không tốt, phụ huynh cần cho con đi khám để bác sĩ chuyên khoa xác định chính xác bé thừa bao nhiêu cm, mới đang thừa cân hay đã béo phì rồi hay ở một dạng nào và chế độ dinh dưỡng, lối sống điều chỉnh ra sao.

tre thua can,  beo phi anh 3

Thói quen ăn uống thừa năng lượng, thiếu dưỡng chất kèm theo không vận động khiến tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trong đại dịch tăng nhanh. Ảnh: Freepik.

“Việc nhận biết về thừa cân, béo phì vừa dễ và vừa khó là vì thế. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều qua các dấu hiệu bên ngoài như dáng vẻ trẻ ục ịch, đi lại nặng nề, nhưng cũng có nhiều trẻ như trường hợp trên, nếu không đo mỡ nội tạng, mỡ ở tay, chân, đùi, khó có thể biết trẻ đang thừa cân vì chiếu theo BMI cháu bé không có gì bất thường”, vị chuyên gia cho hay.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tình huống trên cũng xuất phát từ thực trạng xảy ra ở rất nhiều gia đình đó chính là quan niệm.

“Điều chúng tôi luôn nhắc nhở phụ huynh đó là phải coi béo phì là bệnh và một khi đã mắc thì chữa không dễ dàng chút nào. Nhưng bệnh này chúng ta có thể phòng ngừa. Trên thực tế, kiến thức của các gia đình về căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế. Phụ huynh, ông bà vẫn còn quan niệm ‘béo khỏe, béo đẹp hay cứ gầy là yếu’. Theo tôi đây là quan niệm rất sai lầm, người béo chắc chắn sẽ không khỏe”, ông Dũng khẳng định.

Khi Covid-19 xuất hiện, hàng loạt nghiên cứu cho thấy người béo phì có nguy cơ nhập viện, tử vong sớm hơn. Nhưng lúc này, việc phòng ngừa béo phì không còn giá trị với những người đã mắc bệnh. Chúng ta phải thay đổi quan niệm, nhận thức ngay từ sớm.

Điều này rất quan trọng. Bởi văn hóa, quan niệm sẽ khiến chúng ta khó thay đổi lối sống mà yếu tố hàng đầu để phòng bệnh béo phì là thay đổi lối sống. Nếu không thay đổi quan niệm, chúng ta sẽ thất bại trong việc đẩy lùi căn bệnh béo phì.

Không phải tất cả người béo phì đều do dinh dưỡng

Một vấn đề khiến vị chuyên gia này đặc biệt lưu ý các phụ huynh trong mùa dịch dễ khiến trẻ tăng cân, béo phì đó là ăn quá nhiều đồ ăn sẵn, uống nước ngọt, nước tăng lực. Hay các món ăn bán sẵn, đóng hộp, đồ ăn nhanh, bên ngoài nhìn rất ngon mắt nhưng đã được chế biến qua nhiều lớp dầu ăn, đun đi nấu lại nhiều lần đã mất lượng đáng kể chất dinh dưỡng.

“Chúng ta tưởng rằng ăn đủ chất nhưng hóa ra hàm lượng chất dinh dưỡng trong các món ăn, thức uống như vậy không còn bao nhiêu. Trẻ nạp nhiều calo, không được vận động nhưng cuối cùng vẫn thừa cân, béo phì và thiếu chất. Vì vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là chúng ta phải thay đổi cách ăn uống, có như vậy mới có thể nói tiếp được về vấn đề giảm cân, ngăn ngừa bệnh béo phì”, ông nói.

tre thua can,  beo phi anh 4

Thường xuyên tập luyện cho trẻ là cách tốt nhất để bé tăng cường sức đề kháng, hạn chế mắc các bệnh như béo phì, truyền nhiễm… Ảnh: iStock.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, đa số trẻ thừa cân, béo phì đều bị thiếu vi chất mà trong đó quan trọng nhất là vitamin D, canxi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa vitamin D với người dễ trở nặng khi mắc Covid-19. Trong khi đó, canxi là chất rất quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ. Do đó, phụ huynh không nên chỉ bồi bổ các chất cho con bằng cách ép ăn nhiều mà còn cần hài hòa, cân bằng, để tránh tình trạng trẻ thừa cân nhưng vẫn bị thiếu chất.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tỷ lệ thừa cân, béo phì trong mùa dịch tăng cao không chỉ xuất phát từ việc trẻ ăn quá nhiều, mất cân bằng dinh dưỡng. Ông khẳng định con người phát triển dựa trên 3 yếu tố quan trọng là thể chất, tinh thần, xã hội. Mùa giãn cách, trẻ ăn quá nhiều, không vận động, chắc chắn thể chất sẽ kém, tăng tỷ lệ béo phì lên. Không được ra ngoài chơi, trẻ ngồi ở nhà quá nhiều, quá lâu dễ căng thẳng, ảnh hưởng tinh thần. Học online, chỉ liên hệ với bạn bè, thầy cô bằng hình thức trực tuyến cũng khiến các kết nối vốn dĩ bình thường của trẻ bị gián đoạn”.

Trước đây, thừa cân, béo phì thường được coi là yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý khác. Nhưng béo phì đã trở thành bệnh và những vấn đề như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, tử vong sớm… là các biến chứng mà người mắc bệnh này có thể gặp phải.

Giải pháp cho các bà mẹ có con thừa cân béo phì hiện nay là cho trẻ tăng cường luyện tập thể lực.

“Tôi cho rằng việc này rất khó, nhưng càng khó, chúng ta cần phải làm. Cha mẹ phải cứng rắn, nghiêm khắc nói không với những món chiên, rán, đồ ăn sẵn, nước ngọt Dân gian thường có câu ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’. Ăn cũng phải học và chúng ta không thể để trẻ thích ăn gì cũng được. Có những trẻ đang quen ăn các món khoái khẩu nhiều dầu mỡ khi mẹ bắt chuyển sang ăn rau xanh, món ít béo thì buồn nôn, chán ăn. Nhưng đây là cách duy nhất mà phụ huynh phải làm để đẩy lùi nguy cơ béo phì, giúp trẻ giảm cân và tránh những hệ lụy nguy hiểm khác”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Sau một thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em càng gia tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” với nhiều hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin khoa học để nhằm giúp cộng đồng có cách hiểu đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam. Nằm trong chuỗi hoạt động chương trình, tọa đàm “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” được phát sóng trên Zing News vào lúc 10h00 ngày 25/4.

Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.

Lầm tưởng thức ăn nấu bằng lò vi sóng gây ung thư

Một số người cho rằng lò vi sóng khiến thực phẩm nhiễm phóng xạ. Số khác khẳng định các chất hóa học từ bát đĩa được làm nóng sẽ ngấm vào thức ăn. Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Từng bị chê vẽ nguệch ngoạc, cậu bé ở Anh được Nike mời ký hợp đồng

Sở thích vẽ khiến Joe Whale từng gặp rắc rối tại trường học. Nhưng ít ai ngờ, cậu bé với nét vẽ từng bị chê là nguệch ngoạc mới ký hợp đồng hợp tác cùng hãng giày nổi tiếng.

Dịch Covid-19

Minh Lan

Bạn có thể quan tâm