Những ngày qua, vụ gửi con chữa bệnh, đau đớn nhận lại hũ tro cốt ở Lâm Đồng đặt ra nhiều nghi vấn. Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện các hoạt động điều tra để làm rõ vụ việc.
Theo tường trình của ông L.M.Q. (sinh năm 1977, ngụ TP Huế, sống ở tỉnh Lâm Đồng), sau khi phát hiện cháu N.L.M.Q. tử vong, ông Q. đã tự ý mang thi thể đi thiêu, rồi giao tro cốt cho bố cháu bé là anh N.H.N. (trú TP Huế).
Trong khi đó, ông N. thắc mắc ông Q. từng bị tai nạn giao thông, đi lại phải sử dụng 2 nạng, vậy ai là người giúp bê thi thể cháu M.Q. lên xuống xe? Việc thiêu thi thể cũng không hề đơn giản, ai đã giúp ông Q. làm việc này?
Có giám định được ADN từ tro tàn?
Chia sẻ với Zing, chuyên gia kỹ thuật hình sự có nhiều kinh nghiệm về công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi và giám định các vụ án hình sự ở Hà Nội, đánh giá đây là vụ việc phức tạp, nhiều tình tiết cần được làm rõ.
Ông Q. và bà B. |
Theo chuyên gia này, Q. trình bày sau khi thấy cháu bé tử vong, ông ta đặt thi thể vào thùng carton, dán kín rồi mang đặt lên ôtô. Đến nơi vắng vẻ, người đó dùng than, xăng, dầu, xô sắt mang theo để thiêu xác.
"Với những vật dụng như trên, thì cần rất nhiều thời gian, khoảng ít nhất 3 giờ trở lên để thiêu tử thi thành tro cốt. Tuy nhiên, kết quả còn tùy thuộc vào nhiệt độ cháy", vị này phân tích và đánh giá ông Q. sử dụng xăng, dầu nhằm đốt nóng than, từ đó làm cháy hết những gì xung quanh.
Nói về việc giám định mẫu vật, chuyên gia khám nghiệm cho rằng nếu thi thể đã bị đốt thành tro, chỉ còn bụi than thì rất khó giám định ADN để xác định danh tính. Chỉ khi cơ quan giám định thu được mẫu vật hoặc một chút gì đó còn "sống, tươi" từ hiện trường, thì mới đủ để xác định ADN.
Ngoài ra, vị chuyên gia nhấn mạnh với những vụ thiêu xác mà lẫn nhiều tạp chất, thì việc giám định sẽ gặp không ít khó khăn. Ông tái khẳng định kết quả xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào việc mẫu vật có còn sót lại vật chất còn sự sống hay không.
Chuyên gia cho rằng để làm rõ những lời khai của ông Q., cơ quan chức năng cần tìm kiếm mẫu vật còn sót lại ở hiện trường mà ông này khai đã đến để thiêu xác. Trong nhiều vụ án tương tự, kết quả thu được ở hiện trường là yếu tố chính giúp cảnh sát phá án.
Vì sao ông Q. phải thiêu xác?
Theo cơ quan công an, khi bị triệu tập, ông L.M.Q. khai sau khi nhận cháu M.Q. từ người cha, Q. đưa bé trai về ngôi nhà trên đường Phan Chu Trinh, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để chữa bệnh chậm phát triển. Vài ngày sau, cháu bị ho, sốt nên ông Q. test nhanh và phát hiện M.Q. mắc Covid-19.
Ngày 8/3, ông Q. gọi điện báo cho gia đình biết M.Q. đã đỡ ho, sốt do uống thuốc. Đến khuya 24/3, cháu bé có biểu hiện ho, sốt trở lại nên ông Q. tiếp tục test nhanh cho bé, kết quả lại dương tính với Covid-19. Khoảng 2h sáng 25/3, ông Q. thức dậy thì phát hiện bé trai đã tử vong.
Ngôi nhà được cho là nơi ông Q. điều trị cho cháu bé. Ảnh: Đ.T. |
Ông Q. khai sợ làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý gia đình ông N., nên Q. không báo việc cháu Q. tử vong. Ông này cũng không trình báo chính quyền địa phương ở Bảo Lộc. Sau đó, ông Q. và bà B. di chuyển trên ôtô về hướng huyện Đam Rông (Lâm Đồng) rồi rẽ vào con đường đất vắng người qua lại. Lúc đó, thi thể cháu M.Q. được đặt trong thùng carton để trên ôtô này.
Khoảng 8h sáng 25/3, ông Q. nói với bà B. ra đường lớn chờ, còn ông ở lại gặp bạn. Thấy bà B. đi khuất, ông này thiêu xác cháu bé ngay trong xô sắt. Khoảng 4 giờ sau, ông Q. chờ xô sắt nguội, bỏ lại vào thùng carton rồi mang lên ôtô. Chiều cùng ngày, bà B. quay lại lái xe chở ông Q. đi về hướng tỉnh Khánh Hòa.
Tối 26/3, khi chiếc xe đến địa phận TP Huế, ông Q. mới báo cho bà B. biết cháu bé đã tử vong và đã được hỏa táng. Sáng hôm sau, bà B. chở ông Q. đi mua hũ sành để đựng tro cốt cháu M.Q. Sau đó, ông Q. hẹn ông N. đến quán cà phê ở TP Huế, giao hũ tro cốt và nói nguyên nhân cháu bé qua đời do mắc Covid-19.