Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng xóm nói về người đàn ông liên quan vụ bé trai bị thiêu

Ông Q. thuê căn nhà cấp 4 ở TP Bảo Lộc. Nơi đây không được cơ quan chức năng cấp phép nuôi dạy trẻ chậm phát triển.

Ngày 13/9, phóng viên tìm đến địa chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, nơi được cho là cơ sở điều trị trẻ chậm phát triển của ông L.M.Q. (người liên quan vụ bé trai 3 tuổi tử vong, thiêu lấy tro cốt trong thời gian điều trị).

Hàng xóm và chính quyền đều không biết việc ông Q. điều trị cho trẻ chậm phát triển và tự kỷ. Địa phương cũng không nhận được thông tin trình báo việc bé trai tử vong do mắc Covid-19.

Sống khép kín, không tiếp xúc hàng xóm

Đây là ngôi nhà cấp 4, không phải biệt thự như ông Q. nói với gia đình ông N. (cha cháu M.Q.). Người dân địa phương chỉ biết người đàn ông thuê nhà tên Q. Ông ta bị tật 2 chân, nên đi khập khiễng.

Lúc mới thuê nhà, ông Q. ở cùng người phụ nữ khoảng 40 tuổi và bé trai khoảng 5-6 tuổi. Hàng xóm không ai rõ lai lịch của họ.

“Cả 3 người thường xuyên rời nhà từ sáng sớm, đến tối mới trở về nhà, nên không thân thiết, nói chuyện với ai trong xóm. Sau khoảng một tháng, người phụ nữ cùng bé trai không còn lui tới căn nhà này nữa”, người phụ nữ tên H. cho biết.

Cũng theo chị H., không lâu sau khi người phụ nữ rời đi, một phụ nữ mang thai dọn đến ở cùng ông Q. Người này giới thiệu là vợ ông Q. Thời điểm này có thêm 3-4 đứa trẻ khác đến ở đây khoảng một tuần rồi chuyển đi.

Hàng xóm cho biết những người trong căn nhà này thường đi sớm về khuya, sống khép kín, không tiếp xúc với người dân xung quanh. Do vậy, họ không biết những gì xảy ra bên trong căn nhà, cũng không phát hiện chuyện bất thường.

dot xac chau be anh 1

Căn nhà cấp 4 nơi ông Q. tự xưng là cơ sở điều trị. Ảnh: Trùng Dương

Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, căn nhà trên được bà N.T.B cho ông L.M.Q thuê từ tháng 1. Trong thời gian ông Q. thuê nhà, công an phường đã 2 lần đến tìm gặp để yêu cầu người này thực hiện các quy định đăng ký tạm trú theo quy định. Tuy nhiên, ông Q. thường xuyên vắng nhà, nên chưa thực hiện được.

“Căn nhà ông Q. thuê không có hồ sơ, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và không hề gắn bảng hiệu liên quan đến việc điều trị trẻ chậm phát triển. Đến khoảng đầu tháng 6, ông Q. đã trả nhà rồi chuyển đi đâu không rõ. Căn nhà này đã được gia đình khác thuê lại”, ông Lợi thông tin.

Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định ở phường Lộc Tiến không có cơ sở nào nhận điều trị trẻ chậm phát triển, trẻ bị tự kỷ. Trên địa bàn TP Bảo Lộc, có 3 cơ sở được cấp phép nuôi dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển, chất độc da cam ở các xã Lộc Thanh, Đam B’ri và phường Lộc Phát.

“Rà soát cho thấy không có cơ sở nào được cấp phép ở địa chỉ số 54/39 đường Phan Chu Trinh, phường Lộc Tiến”, lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định.

Không có ai tử vong do Covid-19 ở Bảo Lộc

Liên quan đến thông tin ông Q. thông báo cho gia đình cháu M.Q về việc cháu bị mất vì mắc Covid-19, chủ tịch UBND phường Lộc Tiến đã bác bỏ việc này.

“Thông tin cháu M.Q. tử vong do mắc Covid-19 là không có cơ sở. Địa phương đã tiến hành xác minh, trong thời gian từ đầu năm đến nay, không có trường hợp nào mắc Covid-19 hay tử vong do mắc Covid-19 khai báo tại cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương. Mọi thông tin liên quan đến việc cháu Q. tử vong, địa phương đều không nắm được”, ông Lợi nói.

dot xac chau be anh 2
Ông Q. và bà T. trong đám tang cháu M.Q. Ảnh: Gia đình bé trai cung cấp.

Để điều tra vụ việc, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận mẫu tóc của mẹ bé trai và mẫu tro cốt từ gia đình cháu M.Q. để giám định ADN. Cảnh sát đã làm việc với ông Q. và bà T. (những người liên quan việc giao hũ tro cốt cho gia đình ông N.)

“Làm việc với cảnh sát, ông Q. và bà T. lúc nói đốt thi thể cháu bé ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lúc nói ở huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng)”, lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết khi cơ quan điều tra yêu cầu ông Q. đưa đến các địa điểm trên để kiểm tra, xác minh thì người đàn ông này trình giấy tờ và nói đang bị bệnh, sức khỏe yếu để từ chối làm việc.

Theo đơn trình báo của ông N., đầu tháng 3, gia đình giao cháu M.Q. (có biểu hiện chậm phát triển) cho ông Q. để điều trị. Sau khi gặp trực tiếp cháu bé, ông Q. thông báo kinh phí điều trị là 200 triệu đồng/tháng. Gia đình ông N. sau đó chuyển 600 triệu đồng và giao con cho ông Q. mà không biết nơi con trai được chữa bệnh.

Trong khoảng thời gian này, ông Q. liên lạc với gia đình để thông báo cháu mắc Covid-19. Sau đó, người này nói cháu bé đã khỏe, tăng cân và yêu cầu ông N. gửi quần áo mới.

Đến ngày 27/3, ông Q. ra Huế và điện thoại xin gặp ông N. và thông báo cháu M.Q. đã tử vong do mắc Covid-19, đồng thời giao cho gia đình hũ tro cốt. Ông Q. nói đã tự thiêu thi thể cháu bé, chứ không trình báo với cơ quan chức năng, chính quyền sở tại.

Theo ông N., ông Q. nói đã đưa thi thể cháu bé về Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để thiêu. Sau đó, ông Q. bỏ tro cốt vào xô rồi lên xe do bà T. điều khiển về Huế.

“Ông Q. từng bị tai nạn giao thông, đi lại bằng 2 nạng. Vậy ai là người giúp ông này bưng thi thể của con tôi lên xuống xe, ai giúp ông Q. thiêu thi thể”, ông N. đặt nghi vấn và mong muốn cơ quan công an sớm làm rõ sự việc.

Cựu điều tra viên: Chưa thể khẳng định bé trai đã bị thiêu

Luật sư cho rằng có 2 vấn đề mấu chốt cần làm rõ. Đó là cháu bé đã tử vong hay chưa, và hũ tro cốt có phải của bé trai hay không.

Người cha nói lý do rút đơn tố giác vụ cháu bé bị thiêu

"Vì sợ ông bà nội biết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sợ thông tin được đưa lên mạng, ra tòa sẽ ảnh hưởng đến vợ, con gái nên tôi đã viết đơn xin miễn tố giác tội phạm", ông N. nói.

3 câu hỏi về vụ bé trai bị thiêu

Ngoài thắc mắc về địa điểm chữa bệnh, gia đình muốn biết ai đã giúp ông Q. (người đi lại phải dùng nạng) di chuyển thi thể cháu bé và thiêu đốt để lấy tro.

Xuân Hoát - Trùng Dương

Bạn có thể quan tâm