Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia mách cách ứng phó sau vụ tài xế Uber hiếp dâm khách

Sau vụ tài xế Uber bị điều tra tội hiếp dâm và cướp tài sản của khách, chuyên gia tội phạm học mách cho độc giả của Zing.vn các cách xử lý khi phải đi taxi hay xe ôm một mình.

Lời khai của tài xế Uber hiếp dâm khách ở Bình Tân Tài xế khai vừa chạy xe ôm Uber khoảng vài ngày. Còn nạn nhân thì cho biết cô và bạn trai đang chuẩn bị làm đám cưới thì xảy ra sự việc.

Giữa năm 2016, sinh viên Phạm Thị Oanh (Đại học Sư phạm Huế) khi làm nhiệm vụ tại kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Tĩnh bị sát hại khi đi taxi. Mới đây, một nữ hành khách ở TP.HCM chọn phương tiện của hãng Uber để di chuyển lúc rạng sáng cũng bị tài xế 25 tuổi "làm bậy" khiến nhiều người lo lắng, bất an.

Gần 20 năm gắn bó với nghề cảnh sát hình sự, trung tá Đào Trung Hiếu (nguyên Đội phó, điều tra viên Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, đang là nghiên cứu sinh tội phạm học) gửi đến độc giả Zing.vn một số kinh nghiệm và kỹ năng ứng phó khi đối mặt với những tình huống nguy hiểm lúc tham gia phương tiện giao thông công cộng.

Ky nang khi di xe taxi anh 1

Chuyên gia tội phạm học - trung tá Đào Trung Hiếu.

Hạn chế di chuyển một mình lúc đêm tối

Lời khuyên đầu tiên của tôi tới mọi người, nhất là phụ nữ là cần có ý thức đề phòng, cảnh giác khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe taxi, xe ôm. Bởi khi ở trên xe, bạn đã nằm trong phạm vi đủ gần với những người xa lạ. Nếu người đồng hành hay tài xế có ý định phạm tội đồng nghĩa với những nguy cơ bị tấn công đang hiện hữu đối với bạn.

Nếu không cần thiết thì hãy hạn chế tối đa việc di chuyển một mình vào buổi tối, ban đêm. Càng không nên đi quá xa hoặc đến nơi lần đầu đặt chân tới.

Trường hợp bắt buộc phải đi bằng phương tiện công cộng, hãy dự liệu trước những tình huống xấu có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn tâm lý, phương án đối phó. Tình huống đi taxi là nguy hiểm nhất, vì trong không gian hẹp, cửa khóa, nếu tài xế có ý đồ xấu, việc bạn thoát ra để kêu cứu là không dễ dàng.

Bạn nên chọn hãng taxi có uy tín và đặt xe qua tổng đài, không nên đón xe taxi “dù” trên đường vào ban đêm. Nếu đón xe ôm ở các địa điểm công cộng, nên quan sát kỹ người lái xe trước khi đến thuê chở.

Theo tôi, nên thuê người quen hoặc chọn tài xế đứng tuổi, mặt mũi hiền lành, đàng hoàng.

Trước khi di chuyển, cần chuẩn bị sẵn vật dụng có thể phòng thân. Điện thoại phải đầy pin, có tiền trong tài khoản và ấn sẵn số cảnh sát 113.

Phụ nữ thuê xe nên ăn mặc kín đáo, tránh hở hang có thể kích thích đối phương nảy sinh ý định phạm tội. Không nên đeo đồ trang sức quý giá hoặc để tiền hớ hênh mà lái xe nhìn thấy.

Cảnh giác trong quá trình di chuyển

Trước khi lên xe, bạn có thể giải thích cho lái xe hiểu vì lý do an toàn, đề nghị cho biết thông tin cá nhân (như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nơi làm việc) và cho đối chiếu với giấy tờ tùy thân của người đó.

Có thể kiểm tra cả giấy đăng ký xe (đề phòng trường hợp xe gắn biển số giả). Sau đó dùng điện thoại công khai chụp ảnh chiếc xe có gắn biển số, chân dung, biển hiệu, của lái xe... rồi gửi cho người thân và thông báo rõ lộ trình, thời gian, điểm đến cho họ.

Việc làm này sẽ có tác dụng dập tắt “từ trong trứng” những âm mưu đen tối nếu có. Tâm lý kẻ phạm tội luôn chứa đựng nỗi sợ bị bắt giữ bởi cơ quan pháp luật, nếu chúng biết gây án sẽ bị trừng trị thì ít có người dám mạo hiểm với sự tự do của mình. Mặt khác, nếu trên đường xảy ra sự cố, người thân còn biết cách hỗ trợ.

Khi vào trong xe, không nên ngồi ở ghế phụ phía trước, dễ bị đối phương tấn công bất ngờ. Bạn hãy ngồi ghế sau để có thể quan sát và chủ động đối phó với tình huống bất ngờ.

Quá trình di chuyển không nên ngủ gà gật, cần tập trung quan sát để kịp thời phát hiện những biểu hiện không bình thường của tài xế, như: hỏi han bạn quá tỉ mỉ về địa chỉ, công việc, thu nhập; hoặc nói chuyện về vấn đề tình dục, bạo lực. Cần đặc biệt chú ý tới lộ trình di chuyển. Nếu tài xế không đi đúng cung đường mà bạn biết thì phải chất vấn và có phản ứng quyết liệt.

Hành khách nên trò chuyện với lái xe để có thông tin đánh giá về sự an toàn của tài xế. Có thể gợi hỏi về hoàn cảnh gia đình, vợ con, công việc đang làm, là chủ xe, góp vốn hay chỉ lái thuê.

Nếu lái xe hỏi về công việc của bạn, hãy nói mình làm những việc liên quan đến pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án. Người có ý đồ xấu thường có tâm lý tránh xa những người làm công việc này.

Tuyệt đối không ăn, uống thứ gì mà lái xe đưa cho, vì rất có thể trong đồ ăn, thức uống đó đã pha sẵn thuốc mê, thuốc ngủ, độc chất.

Ky nang khi di xe taxi anh 2
Tài xế Nguyễn Dương Khánh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Lê Trai.

Làm gì khi phát hiện tài xế có biểu hiện bất thường?

Nếu qua trò chuyện, thấy lái xe có những biểu hiện không đáng tin cậy như có thái độ lấm lét, đi lòng vòng không đúng tuyến đường, không thực hiện yêu cầu của khách, né tránh trả lời những câu hỏi của mình về công việc, hoàn cảnh, địa chỉ thì phải nghĩ ngay đến khả năng xảy ra tình huống xấu và chuẩn bị tâm lý đối phó.

"Tôi xin nhấn mạnh cần phải giữ bình tĩnh. Nếu để cho nỗi sợ bên trong thúc đẩy, sẽ rất dễ biến thành những phản ứng thiếu khôn ngoan hay manh động. Có thể lấy lại bình tĩnh bằng cách hít thở sâu vài lần".

Tiếp theo, bạn chủ động tạo lý do hợp lý bảo lái xe đỗ lại tại những nơi có đông người, hoặc trước trụ sở công an, UBND hay nơi có đủ ánh sáng. Khi xe dừng lại, cần ra khỏi xe ngay và trả tiền cước, chấm dứt việc di chuyển. Nếu cần đi tiếp thì gọi về tổng đài đón xe khác.

Nếu lái xe không đỗ lại theo yêu cầu, hãy gọi điện ngay cho số máy của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, báo rõ tình hình và hướng di chuyển, hoặc gọi điện cho người thân. Việc làm này sẽ khiến lái xe sợ mà không dám làm liều.

Kỹ năng cho khách bị tài xế đe dọa, tấn công

Nếu tài xế dừng xe bất thường, có dấu hiệu đe dọa thì khi có thể, bạn hãy nhanh chóng mở cửa chạy ra ngoài, vừa chạy vừa kêu cứu; hoặc mở sẵn điện thoại từ trước để người thân, bạn bè tìm cách báo lực lượng chức năng ứng cứu từ xa.

Đây là lúc những đồ vật đem theo phát huy tác dụng. Việc bạn có vũ khí trên tay có tác dụng răn đe rất lớn với đối phương. Nếu là người biết võ thuật, thì việc chủ động ra đòn tấn công trước sẽ đẩy kẻ xấu vào thế bị động vì không kịp phòng bị.

Trong trường hợp ở thế không thể tự vệ khi bị đe dọa bằng hung khí, bạn cần nhớ rằng sự an toàn về tính mạng là ưu tiên số 1, tài sản mất thì có thể làm lại, nhưng mạng sống chỉ có một lần.

Hãy tỏ ra hợp tác, chấp hành mọi yêu cầu về tiền, tài sản của đối phương nếu mục đích của kẻ xấu hướng đến là tài sản chứ không phải mạng sống. Lúc này, khi chiếm đoạt được tài sản, chúng sẽ bỏ đi.

Tuy nhiên, nếu gặp tình huống kẻ phạm tội giết người diệt khẩu, tấn công quyết liệt thì nạn nhân chỉ còn cách chống trả bằng mọi khả năng có thể, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để thoát thân. Sau đó, trình báo ngay khi có thể với cơ quan công an, cung cấp đặc điểm nghi phạm và hướng tẩu thoát để tổ chức truy bắt theo dấu vết nóng.

Trung tá Đào Trung Hiếu sinh năm 1974. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái.

Năm 2005, ông Hiếu được điều chuyển đến làm việc tại Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, đảm nhiệm các chức vụ điều tra viên Đội điều tra trọng án và Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Từ năm 2008, ông tốt nghiệp thạc sĩ luật học. Hiện, trung tá Hiếu đang là là nghiên cứu sinh tội phạm học.

Tài xế Uber bị điều tra hành vi hiếp dâm khách

Thấy chị Huyền đẹp lại không biết đường đi nên Khánh đã chở chị này đến nơi vắng để giở trò đồi bại. Thực hiện xong hành vi, anh ta còn cướp tài sản của chị này.

Uber có chịu trách nhiệm bồi thường cho khách bị tài xế cưỡng hiếp?

Quan hệ giữa Uber và tài xế chỉ là quan hệ hợp tác, đối tác, tài xế không phải là người lao động của Uber nên Uber không phải chịu trách nhiệm dân sự do người của pháp nhân gây ra.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm