Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia nói về đợt lây lan bạch hầu ở Bắc Giang, Nghệ An

Các chuyên gia cho rằng tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.

Phun hóa chất để diệt trừ nguồn gây các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Baochinhphu.

Trước khi có xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu, cô gái M.T.B., 18 tuổi, ngụ huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có tiếp xúc gần với một người đã qua đời do căn bệnh này ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang yêu cầu Trung tâm y tế huyện Hiệp Hoà cần cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao. Hơn 100 người có tiếp xúc gần ca bệnh cũng được khuyến cáo theo dõi sức khỏe, trường hợp là F1 cũng được cách ly.

Có nên lo lắng về bệnh bạch hầu?

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch.

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh bạch hầu sẽ quay lại theo từng đợt, khi chúng ta có "lỗ hổng" về miễn dịch. Bởi tác dụng của tiêm chủng là ngừa ngoại độc tố của khuẩn bạch hầu, không phải ngừa bệnh. Khi không tiêm chủng hoặc mũi tiêm chưa đầy đủ, khả năng miễn dịch của con người giảm xuống, lúc này nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.

“Bệnh dễ lây cho người xung quanh. Tuy nhiên, may mắn là đa số chúng ta có miễn dịch cộng đồng do Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được triển khai từ lâu. Bạch hầu không thể lây tràn lan và lây nhanh như các bệnh hô hấp thông thường, những người chưa tiêm chủng đủ mới có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, người dân không nên quá lo sợ”, bác sĩ Khanh phân tích.

benh bach hau anh 1

Bệnh chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên.

Đồng quan điểm, TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trường phòng Khám, tư vấn Tiêm chủng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, cũng cho hay những người tiếp xúc gần như sống cùng hộ gia đình, làm việc cùng nhóm, cùng sinh hoạt cộng đồng, đi chung thang máy, phương tiện công cộng... rất dễ mắc bệnh.

Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu, chúng ta phải cho bệnh nhân cách ly, điều trị. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn. Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Bên cạnh đó, những người tiếp xúc gần cũng cần uống thuốc kháng sinh dự phòng.

Sau khi điều trị, người bệnh cần xét nghiệm lại đến khi không còn vi khuẩn bạch hầu mới có thể sinh hoạt lại ngoài cộng đồng. Tương tự, những người tiếp xúc gần người bệnh, nghi ngờ mắc cũng cần được xét nghiệm, khảo sát lại xem đã tiêm chủng chưa để thực hiện tiêm chủng vaccine bạch hầu cho họ.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi có người bệnh hay gặp người lạ. Điều quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh bạch hầu

TS.BS Đỗ Thúy Nga, Phó trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh có biểu hiện khác nhau tùy vào mức độ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, triệu chứng sẽ xuất hiện sau 2-5 ngày tiếp xúc với nguồn lây bệnh.

benh bach hau anh 2

Bạch hầu có biến chứng nguy hiểm.

"Trên lâm sàng, người bệnh có thể khởi phát sốt, đau họng... Các tình trạng này có xu hướng tiến triển nặng dần. Ngoài ra, trên biểu hiện toàn thân, người bệnh mệt mỏi, kén ăn, sổ mũi.... Đặc biệt, vùng hầu họng của bệnh nhân có biểu hiện đặc trưng là đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amidan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng", bác sĩ Thúy Nga nói.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể không qua khỏi trong vòng 6 đến 10 ngày.

Chuyên gia này cho hay bạch hầu thanh quản là một trong những thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và không qua khỏi nhanh chóng.

Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số nơi khác như mắt, mũi, vết loét trên da nhưng những trường hợp này hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Do đó, bác sĩ Nga khuyến cáo dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm chủng vaccine đầy đủ, đến bệnh viện điều trị ngay khi có những triệu chứng bệnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.

'Vệ sĩ' vô hình của con người

Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.

Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

Nghệ An xác định 119 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu

Sau khi nhận tin báo về một trường hợp không qua khỏi do mắc bệnh bạch hầu, ngành y tế Nghệ An tiến hành rà soát và phát hiện 119 người có liên quan.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm