Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Chuyên gia nói về việc thành F1 khi đi chung thang máy với F0

"Nếu thành phố muốn hướng đến trạng thái bình thường mới nên có quy định cụ thể hơn, không phải trường hợp tiếp xúc F0 nào cũng là F1 và buộc cách ly tập trung", BS Thái nói.

Trong công điện số 25 ban hành ngày 26/11, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn (bao gồm việc đi chung thang máy với F0), để nghị Bộ Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp y tế phù hợp quy định và diễn biến dịch tễ.

Cần có quy định cụ thể trong từng trường hợp

Trước đó, một số người dân Hà Nội cũng thắc mắc khi chỉ đi chung thang máy với F0 trong thời gian rất ngắn, đã tiêm đủ liều vaccine, có đeo khẩu trang, không nói chuyện với bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên họ vẫn trở thành F1 và phải đi cách ly tập trung.

BSCK II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cho biết diện tích trong thang máy thường nhỏ hẹp, lưu thông không khí kém, có nhiều bề mặt chung để tiếp xúc như nút bấm, tay nắm,... Trong khi đó, chủng Delta của virus SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn mà còn có thể lây nhiễm qua không khí. Vì vậy, đây là môi trường có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng nếu đứng cùng trong thang máy mà không thực hiện tốt 5K, sử dụng khẩu trang sai cách, người bệnh thở ra, người lành hít vào sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Điều quan trọng là khi đó bạn có đeo khẩu trang và dùng đúng cách hay không. Nếu cả hai người đeo khẩu trang, chỉ tiếp xúc vài chục giây, nguy cơ sẽ rất thấp.

thanh F1 khi di chung thang may voi F0 anh 1

Lực lượng chức năng phong tỏa và phun khử khuẩn một tòa chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Hiện nay, Bộ Y tế hướng dẫn F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F0 hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, khoang trên phương tiện vận chuyển trong thời kỳ lây truyền của người bệnh. Tuy nhiên, người đi chung thang máy với F0 có phải là F1 hay không chưa có quy định cụ thể.

"Để xác định người tiếp xúc với F0 là F1 hay không cần có quy định chi tiết, rõ ràng. Việc này cũng tùy theo mục đích của địa phương. Nếu thành phố muốn đạt được đích 'zero F0', họ phải ra tiêu chuẩn rất rộng, không để sót người nào cho dù chỉ hơi có nguy cơ thôi cũng cần cách ly.

Trường hợp muốn sống chung với Covid-19, hướng đến trạng thái bình thường mới, chúng ta nên quy định cụ thể hơn, không phải trường hợp tiếp xúc F0 nào cũng quy định là F1 và buộc cách ly tập trung. Ví dụ, người phải tiếp xúc F0 ít nhất 15 phút mới coi là F1", BS Nguyễn Quốc Thái nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, số F1 đang tăng cao quá mức cần thiết, các đánh giá đang rập khuôn. Bên cạnh đó, việc cách ly tập trung hiện nay không còn được khuyến cáo rộng rãi. Theo BS Thái, nếu người dân đủ điều kiện cách ly tại nhà nên để họ cách ly tại nhà.

"Chúng ta có thể điều tra lỹ lưỡng lịch trình của những người đứng trong cùng thang máy với F0. Sau đó, trường hợp này chỉ cần xét nghiệm khi có triệu chứng", bác sĩ Thái cho hay.

Tránh lây nhiễm khi đi chung thang máy

Với người dân sinh sống trong khu chung cư, làm việc tại các tòa nhà cao tầng, BSCK II Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K khi đi thang máy. Đặc biệt, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đeo đúng cách là phải che được mũi, miệng, không chạm tay vào mặt ngoài của chúng.

Khi sử dụng thang máy, bạn nên giảm thiểu tiếp xúc với chúng. Sau khi ấn nút, người dân không chạm tay vào khẩu trang, tránh dụi mắt, mũi. Ngoài ra, người dân cũng cần sử dụng chất khử trùng hoặc rửa tay với xà phòng ngay sau khi đi thang máy. Thời gian rửa tay tối thiểu là 20 giây.

thanh F1 khi di chung thang may voi F0 anh 2

BSCK II Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K khi đi thang máy. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Bác sĩ Thái cũng hướng dẫn nếu thang máy đông người, nên chọn đi chuyến sau. Trong thang máy, người dân không nên đứng đối diện với người cùng đi, hạn chế nói chuyện.

Bên cạnh đó, ban quản lý các tòa nhà nên có nước rửa tay khử khuẩn ngay cạnh lối đi để người dùng tiện sử dụng. Khu vực này cũng cần lau chùi thường xuyên, đặc biệt các vị trí nhiều người dùng chung như nút bấm, tay nắm. Số người vào thang máy cùng lúc cũng cần hạn chế, có quy định rõ ràng.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội chiều 29/11, trong 24 giờ, thủ đô ghi nhận 390 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, F0 tại cộng đồng là 220 người. Số lượng còn lại là các bệnh nhân trong khu cách ly (109) và vùng phong tỏa (161). Số ca cộng đồng được phát hiện trong ngày 29/11 chiếm tới hơn 56% tổng số người dương tính với nCoV của thành phố.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận tổng cộng 10.069 ca nhiễm, trong đó, F0 ngoài cộng đồng là 3.963, số mắc là người đã được cách ly là 6.096 ca.

Tính đến ngày 28/11, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người trên 18 tuổi ở Hà Nội đã đạt 89,23% với 12.090.112 liều được tiêm.

Ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội tiếp tục tăng cao

Số ca cộng đồng được phát hiện trong ngày 29/11 chiếm tới hơn 56% tổng số người dương tính với nCoV của thành phố.

Dịch Covid-19

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm