Khi có tư duy phát triển, trẻ sẽ tin rằng khả năng học hỏi của mình là không giới hạn. Ảnh: Pexels. |
TS Mary C. Murphy là giáo sư khoa học tâm lý và não bộ tại Đại học Indiana. Bà cũng là giám đốc sáng lập Trường hè về đa dạng tại Trung tâm nghiên cứu nâng cao về khoa học hành vi thuộc Đại học Stanford.
Viết trên CNBC Make It, TS Murphy cho rằng phụ huynh không phải lúc nào cũng biết cách hỗ trợ hiệu quả nhất cho sự phát triển của con cái và giúp chúng thông minh hơn.
Tuy nhiên, tin tốt là rất nhiều lời khuyên hữu ích có thể được tóm gọn trong một mục tiêu duy nhất: Giúp trẻ em áp dụng tư duy phát triển thường xuyên nhất có thể.
Khi có tư duy phát triển, chúng ta sẽ tin rằng khả năng học hỏi của mình là không giới hạn. Ngược lại, với tư duy cố định, chúng ta sẽ tin rằng mình được sinh ra với những tài năng và điểm mạnh nhất định hoặc không có, và không thể làm gì để thay đổi điều đó.
Tất cả chúng ta đều có cả 2 kiểu tư duy và chuyển đổi giữa chúng tùy theo tình huống. Vì vậy, cách tốt nhất để giúp trẻ em thành công là khuyến khích chúng sử dụng tư duy phát triển thường xuyên hơn. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể cải thiện đáng kể thái độ, sự gắn kết và hiệu suất của trẻ.
TS Murphy chỉ ra 5 cách phụ huynh có thể sử dụng để giúp con có tư duy phát triển.
Chia sẻ những câu chuyện về lòng kiên trì
Thỉnh thoảng, trẻ em cảm thấy xấu hổ về những thất bại hoặc khó khăn của mình vì chúng tin rằng mọi thứ đều dễ dàng với người lớn. Kể chuyện là một trong những cách truyền tải bài học hiệu quả nhất, cha mẹ có thể sử dụng những câu chuyện để cho trẻ thấy điều đó không đúng và dạy chúng về tư duy phát triển.
Con gái một người bạn của TS Murphy có tính cách khá cầu toàn. Nếu không nắm bắt ngay kiến thức mới ở trường, cô bé sẽ nản chí. Vì vậy, mẹ của cô bé (một nhà văn) đã chia sẻ với con gái rằng cô ấy phải trải qua nhiều bản nháp khác nhau cho mỗi dự án, liên tục sửa đổi và cải thiện tác phẩm. Con gái cô ấy rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi biết rằng chính mẹ mình cũng phải chăm chỉ làm việc.
Theo TS Murphy, những câu chuyện kiểu này giúp trẻ em bình thường hóa những khó khăn và cho chúng thấy rằng việc thực hiện những thứ đáng giá thường đi kèm với một chút nỗ lực, đặc biệt là ở giai đoạn bắt đầu.
Chia sẻ về những sai lầm của bạn
Khi mang tư duy phát triển, chúng ta không ngại mắc sai lầm vì không tin rằng sai lầm phản ánh năng lực vốn có của mình. Ngược lại, chúng ta coi những sai sót là cơ hội học hỏi.
TS Murphy từng rất ấn tượng với công cụ mà một giáo viên sử dụng để khuyến khích tư duy phát triển trong lớp học. Theo đó, giáo viên treo lên tường một tấm bảng lớn với tiêu đề "Những sai lầm yêu thích của tôi". Mỗi học sinh sẽ chia sẻ một sai lầm mà các em đã mắc phải và cách nó thúc đẩy quá trình học tập.
Phụ huynh cũng có thể thực hiện một hoạt động tương tự tại bàn ăn tối - yêu cầu các thành viên chia sẻ một sai lầm gần đây, cảm xúc của họ khi đó và bài học rút ra.
Đây có thể là những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ, nơi cả gia đình có thể cười về những sai lầm của mình, hoặc là cơ hội để kể lại những khoảnh khắc dễ tổn thương.
Thông qua những cuộc trò chuyện này, mỗi thành viên có thể chấp nhận những sai lầm và tận dụng những bài học quý giá mà chúng mang lại.
Để xây dựng tư duy phát triển cho trẻ, phụ huynh có thể cởi mở chia sẻ về những sai lầm của mình, kể cho con nghe những câu chuyện về lòng kiên trì... Ảnh: Pexels. |
Nhắc nhở con về những thành quả đã đạt được
Trẻ em thường tập trung quá mức vào thất bại hoặc khó khăn hiện tại khiến chúng quên đi những thành công đã đạt được trong quá khứ.
Nếu trẻ đang cảm thấy nản chí, phụ huynh hãy nhắc nhở chúng về chặng đường đã đi và những trở ngại chúng đã vượt qua để có được thành tích. Ví dụ: "Con có nhớ lúc gặp khó khăn khi học đọc không? Bây giờ, con đã có thể đọc hết cả một quyển sách dày rồi đấy!".
Bạn cũng có thể lấy ra một số bài tập cũ, ảnh hoặc video để minh họa cách những điều từng là thách thức với con giờ đây đã trở nên dễ dàng.
TS Murphy cho biết nhiều trẻ em thích được nhắc nhở về bản thân khi còn nhỏ và cách chúng phát triển theo thời gian. Cuộc trò chuyện này cũng thể hiện sự trân trọng của bạn đối với con.
Hỏi con xem chúng cần hỗ trợ gì
Việc hỏi thăm con có thể giúp phụ huynh khám phá xem có lĩnh vực nào con cần sự hỗ trợ, cho dù đó là việc trợ giúp thực tế hay lời động viên tinh thần. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi: "Con đang gặp khó khăn gì trong thời gian hiện tại?".
Lưu ý rằng cách diễn đạt này bình thường hóa ý tưởng rằng bất cứ lúc nào, mỗi người chúng ta đều đang vật lộn với điều gì đó. Bạn thậm chí có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện bằng cách chia sẻ điều bạn đang gặp khó khăn, sau đó hỏi con bạn đang đối mặt với điều gì.
Giúp trẻ em khai thác tư duy phát triển không đơn thuần là khuyến khích chúng kiên trì hay cố gắng hơn. Đó còn là việc cha mẹ đảm bảo rằng chúng có các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để thành công.
Làm cho nó vui vẻ
Theo TS Murphy, nuôi dưỡng tư duy phát triển cho cả gia đình là một nỗ lực chung, nhưng không nhất thiết phải cứng nhắc hay nặng nề.
Ví dụ, một hoạt động vừa vui nhộn vừa hiệu quả là kêu gọi cả gia đình cùng nhau nghĩ ra một khẩu hiệu, chẳng hạn như "Chúng ta yêu thích học hỏi" hoặc "Hướng tới sự phát triển".
Khi chúng ta coi việc học hỏi và phát triển là những điều thú vị, chúng ta sẽ có nhiều khả năng muốn nỗ lực để đạt được điều đó.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.