Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lý do con cả thường kiếm được nhiều tiền hơn con thứ

Một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) mới đây cho thấy anh chị lớn có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn em ruột.

Nghiên cứu chỉ ra việc thường xuyên ốm vặt còn có thể tác động đến thu nhập sau này của trẻ. Ảnh: Pexels.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra con cả thường có thu nhập cao hơn và đạt kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với em ruột. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất về những yếu tố then chốt thúc đẩy xu hướng này.

Lý do bất ngờ

Trong một nghiên cứu mới được NBER công bố vào tháng 2/2024, các tác giả đã tìm ra một yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển của những đứa trẻ là con thứ: Chúng có nhiều khả năng mắc bệnh khi còn nhỏ.

Sau khi phân tích dữ liệu về anh chị em sinh thứ nhất và thứ 2 sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1981 đến năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện con thứ có xác suất nhập viện do các bệnh về đường hô hấp trong năm đầu tiên cao gấp 2-3 lần so với anh chị cả.

Sự chênh lệch này lớn nhất khi người con thứ 2 sinh vào mùa thu đông (thời điểm các bệnh về đường hô hấp thường gia tăng) và khi khoảng cách tuổi giữa các anh chị em gần nhau.

"Chúng tôi tin rằng những mô hình này được giải thích bởi thực tế, trẻ sơ sinh có anh chị em lớn sẽ tiếp xúc với nhiều virus hơn do anh chị lớn thường đi nhà trẻ và dễ dàng mắc bệnh rồi mang về nhà", TS N. Meltem Daysal, tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Copenhagen, chia sẻ với Business Insider.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt, việc thường xuyên ốm vặt còn có thể tác động đến thu nhập sau này của trẻ. Nghiên cứu phân tích thu nhập của những người sinh từ năm 1981 đến 1989 tại Đan Mạch cho thấy trung bình những người em có mức lương thấp hơn 2,4% so với anh chị cả cùng độ tuổi khi cả hai đều đang đi làm.

"Trẻ em tiếp xúc nhiều với virus thời thơ ấu có mức thu nhập thấp hơn khi trưởng thành. Chúng tôi cho rằng cơ chế chính lý giải điều này là các bệnh về đường hô hấp nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến suy giảm phát triển não bộ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần", TS Daysal nhấn mạnh kết quả nghiên cứu.

TS Daysal nói thêm rằng con thứ sống ở những khu vực có tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh về đường hô hấp cao có nhiều khả năng cần sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần khi trưởng thành.

Nghiên cứu của họ cũng chỉ ra sự chênh lệch về sức khỏe thời thơ ấu lý giải khoảng 50% khoảng cách thu nhập giữa con thứ và con đầu lòng.

nuoi con anh 1

Nghiên cứu mới hiện vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Ảnh: Pexels.

Những yếu tố khác khiến con cả có lợi thế

TS Daysal cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu trên nhiều quốc gia và trong nhiều bối cảnh khác nhau đều củng cố quan điểm con cả thường có trình độ học vấn và thành công về kinh tế cao hơn em ruột.

Ví dụ, một nghiên cứu về nam giới Na Uy được công bố vào năm 2007 cho thấy điểm IQ trung bình giữa con trai cả và con trai thứ 2 chênh lệch khoảng 3 điểm. Điều này dẫn đến sự khác biệt khoảng 2% về thu nhập hàng năm.

Tương tự, khảo sát của Career Builder với những người trưởng thành tại Mỹ từ năm 2011 cho thấy con cả có khả năng cao nhất nhận được mức lương 6 con số.

"Con cả thường học hành giỏi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng tôi cũng thấy có một xu hướng giảm dần theo thứ tự sinh. Nghĩa là con thứ 2 có kết quả học tập và thu nhập thấp hơn con đầu, con thứ 3 lại thấp hơn nữa", giáo sư kinh tế Sandra Black tại Đại học Columbia, người đã nghiên cứu về vấn đề này, chia sẻ với Marketplace vào năm 2018.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại không đồng tình với kết quả trên. Chẳng hạn, một bài nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy sự khác biệt về IQ và tính cách giữa các anh chị em ruột thực sự rất nhỏ.

Tỷ lệ mắc bệnh về đường hô hấp cao hơn ở trẻ sơ sinh không phải là lý do duy nhất được các chuyên gia đưa ra để giải thích sự khác biệt trong thành tích giữa các anh chị em.

Thứ nhất, có khả năng cha mẹ ít đầu tư hơn vào việc nuôi dạy con cái sau khi sinh con đầu lòng - điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ về sau.

Một nghiên cứu trên nam giới Thụy Điển được công bố vào năm 2017 cho thấy so với con cả, trẻ em sinh sau thường dành ít hơn gần một giờ/tuần để làm bài tập về nhà, ít đọc sách hơn nhiều và dành nhiều thời gian hơn để xem TV hoặc chơi máy tính.

Cha mẹ cũng báo cáo rằng họ dành ít thời gian hơn để thảo luận về bài tập ở trường với những đứa con sinh sau.

"Chúng tôi cho rằng những kết quả này cho thấy cha mẹ đầu tư ít hơn cho những đứa con sinh sau. Ví dụ, cha mẹ ít nghiêm khắc và ít giám sát con cái hơn", các tác giả nghiên cứu viết.

Một lý do khác được đưa ra là con đầu có thể hưởng lợi từ việc giúp đỡ những đứa em của mình.

Trong cuốn sách Tiềm năng ẩn giấu xuất bản năm 2023, nhà tâm lý học tổ chức Adam Grant đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy có một có xu hướng đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với những đứa trẻ có em. Ông cho rằng điều này có thể một phần là do "hiệu ứng gia sư".

"Nếu bạn là con cả trong một gia đình đông anh chị em, bạn sẽ học hỏi thông qua việc dạy dỗ các em. Điều thú vị là những lợi ích này bắt đầu xuất hiện khi trẻ khoảng 12 tuổi, khi anh chị lớn có nhiều kiến thức hơn để dạy và người em sẵn sàng tiếp thu hơn", Grant viết.

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự khác biệt về mặt sinh học giữa các anh chị em không thể giải thích cho sự chênh lệch kết quả.

Grant dẫn chứng một nghiên cứu trên 240.000 thanh thiếu niên Na Uy, cho thấy con thứ có anh chị cả qua đời thời sơ sinh thậm chí còn có điểm kiểm tra IQ cao hơn so với những trẻ em sinh sau có anh chị cả.

Điều này cho thấy bất kỳ lợi thế nào của con cả đều do môi trường nuôi dưỡng chứ không phải yếu tố di truyền.

"Chúng ta có thể loại trừ các nguyên nhân về sinh học và tiền sản", Grant viết.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

7 cách để giảm bớt áp lực khi nuôi dạy con

Thay vì cảm thấy căng thẳng, tội lỗi bởi luôn kiệt sức và không đủ năng lượng dành cho trẻ, bạn hãy điều chỉnh bản thân để có những trải nghiệm hạnh phúc bên con, theo Wonderwall.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm