Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

7 cách để giảm bớt áp lực khi nuôi dạy con

Thay vì cảm thấy căng thẳng, tội lỗi bởi luôn kiệt sức và không đủ năng lượng dành cho trẻ, bạn hãy điều chỉnh bản thân để có những trải nghiệm hạnh phúc bên con, theo Wonderwall.

nuoi con anh 1

1. Hãy nhớ nuôi con không có công thức chung: Mỗi gia đình khác nhau vì mỗi cha mẹ và mỗi đứa trẻ đều là những cá thể riêng biệt. Vì vậy, đừng so sánh bản thân bạn với những bậc phụ huynh khác. Bạn hãy làm những gì tốt nhất cho bạn và gia đình, đừng dằn vặt bản thân vì những quyết định trong quá khứ. Bên cạnh đó, bạn nhớ tự nhắc nhở bản thân rằng không có đứa trẻ hoàn hảo và cũng không có cha mẹ hoàn hảo. Bạn và con bạn sẽ phạm sai lầm, nhưng điều đó hoàn toàn bình thường.

nuoi con anh 2

2. Học cách tận hưởng vai trò cha mẹ: Chính những khoảnh khắc nhỏ bé mới khiến việc nuôi dạy con cái trở nên đáng giá, chẳng hạn khi bé chập chững bước đi hay thốt ra những từ đầu tiên. Vì vậy, cha mẹ hãy buông bỏ những lo âu thường trực, nuôi dưỡng lòng biết ơn và trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống.

nuoi con anh 3

3. Quan tâm tới hiện tại: Không gì khiến bạn kiệt sức hơn việc hàng ngày lo lắng về tương lai, lên kế hoạch cho đại học khi con bạn mới chỉ là một đứa trẻ. Thay vì dồn hết năng lượng vào việc vạch sẵn con đường phía trước, hãy ủng hộ con khám phá những điều con thích. Khi trẻ cảm thấy được hỗ trợ và ít áp lực hơn, chắc chắn bạn cũng sẽ cảm thấy giảm bớt căng thẳng, vì bạn biết rằng mình đang làm điều tốt nhất cho con.

nuoi con anh 4

4. Giao tiếp lành mạnh và lắng nghe tích cực: Mối quan hệ bền chặt đòi hỏi sự giao tiếp lành mạnh và tôn trọng mọi thành viên, bao gồm cả con cái. Vì vậy, bạn hãy trở thành người lắng nghe tích cực, thay vì chỉ lắng nghe để phản hồi. Giao tiếp lành mạnh giảm thiểu xung đột gia đình và giúp bạn cảm thấy hiệu quả hơn trong vai trò cha mẹ. Mọi người, kể cả trẻ em, đều muốn ý kiến của mình được đánh giá cao, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đặt những câu hỏi để tìm hiểu chính xác cảm nhận của con về vấn đề hiện tại. Bằng cách đó, việc nuôi dạy con cái trở nên toàn diện hơn, giảm bớt áp lực cho bạn và biến thành nỗ lực chung của gia đình.

nuoi con anh 5

5. Yêu thương con mọi lúc: Trẻ em lớn lên rất nhanh, và trước khi bạn nhận ra, chúng sẽ rời nhà và bắt đầu cuộc sống riêng. Vì vậy, hãy tận dụng mọi cơ hội để ôm hoặc hôn con và nói lời yêu thương với chúng. Bạn hãy nở nụ cười thật tươi và thường xuyên với con. Khi bạn mỉm cười, bạn sẽ ít căng thẳng hơn và giọng điệu của bạn cũng tự nhiên trở nên vui vẻ hơn. Khi con có thể cảm nhận nụ cười của bạn, chúng có nhiều khả năng sẽ lắng nghe bạn hơn. Điều này sẽ khiến bạn phấn khởi hơn và tạo ra bầu không khí hạnh phúc trong gia đình.

nuoi con anh 6

6. Dành thời gian cho bản thân: Căng thẳng có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe thể chất như đau đầu, mệt mỏi, trầm cảm, mất ngủ... và không ai mong muốn gặp phải những vấn đề này trong quá trình nuôi dạy con cái. Vì vậy, hãy cố gắng xây dựng kế hoạch chăm sóc bản thân trong những thời điểm căng thẳng và kiên trì thực hiện nó mỗi ngày. Bằng cách này, bạn sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó có thể kiên nhẫn, yêu thương và chăm sóc con cái một cách tốt nhất.

nuoi con anh 7

7. Giao việc nhà cho con: Để việc nhà trở nên thú vị hơn, hãy gọi chúng là "đóng góp cho gia đình" thay vì "việc vặt". Bạn cần giải thích cho con rằng tất cả thành viên trong gia đình đều cùng làm việc, vì mục tiêu xây dựng một ngôi nhà sạch sẽ và hạnh phúc. Thay vì ép buộc trẻ em làm việc nhà, chúng sẽ vui vẻ hơn khi tham gia đóng góp những việc chúng yêu thích. Khi trẻ bớt chống đối, bạn cũng sẽ bớt kiệt sức và hào hứng hơn trong việc vun đắp tổ ấm.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

'Đồng điều chỉnh' là thuật ngữ mới trong nuôi dạy con cái

Phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng đang ngày càng phổ biến, và một thuật ngữ mới xuất hiện. Đó là 'co-regulation' (đồng điều chỉnh).

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm