Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

'Đồng điều chỉnh' là thuật ngữ mới trong nuôi dạy con cái

Phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng đang ngày càng phổ biến, và một thuật ngữ mới xuất hiện. Đó là 'co-regulation' (đồng điều chỉnh).

Việc đồng điều chỉnh cảm xúc với con giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc khi lớn lên. Ảnh: Pexels.

Vậy đồng điều chỉnh là gì? Nói đơn giản, đó là quá trình người lớn giúp trẻ tự trấn an cảm xúc của mình trong những tình huống căng thẳng.

Hãy tưởng tượng một đứa trẻ đang "nổi giận" ở siêu thị. Thay vì quát mắng, phương pháp nuôi dạy con nhẹ nhàng khuyên người chăm sóc nên đồng điều chỉnh. Tức là thể hiện sự đồng cảm và bình tĩnh với trẻ.

Việc đồng điều chỉnh cảm xúc với con giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc khi lớn lên.

Theo các nhà tâm lý học trẻ em, những trẻ biết điều hòa cảm xúc tốt hơn thường có khả năng phục hồi mạnh mẽ và phát triển tốt trong môi trường căng thẳng.

Lý do đồng điều chỉnh sẽ hiệu quả

Chia sẻ với CNBC Make It, nhà tâm lý học trẻ em Mona Delahooke cho biết đồng điều chỉnh là phương pháp hiệu quả hơn nhiều so với việc quát mắng trẻ em.

"Trẻ chưa phát triển hoàn thiện 'mạch' tự điều chỉnh cảm xúc. Khả năng chấp nhận thất vọng, điều bất ngờ và tự trấn an là một quá trình phát triển lâu dài mà hầu hết trẻ em chưa có cho đến khi lớn hơn", bà Delahooke nói.

Ví dụ, khi trẻ nổi giận vì không được gọi món tráng miệng ở nhà hàng, điều đó có vẻ như chúng đang vô ơn hoặc hư đốn. Nhưng thực tế, trẻ chưa có kỹ năng để đối phó với sự thất vọng.

Trái ngược với nuôi dạy con nhẹ nhàng, các phương pháp nuôi dạy nghiêm khắc cho rằng trẻ em cư xử không đúng là do chúng cố tình làm vậy.

"Phương pháp nuôi dạy truyền thống bỏ qua sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ", TS Delahooke cho hay.

nuoi day con cai anh 1

Trước khi mong đợi con tự điều hòa cảm xúc, cha mẹ cần biết kiềm chế chính mình. Ảnh: Pexels.

Cách để đồng điều chỉnh

Bắt đầu từ sự bình tĩnh của bố mẹ

Trước khi mong đợi con tự điều chỉnh cảm xúc, cha mẹ cần biết kiềm chế chính mình, theo tiến sĩ tâm lý phát triển Aliza Pressman, đồng sáng lập Trung tâm nuôi dạy con Mount Sinai (Mỹ).

TS Pressman giải thích trẻ em thường "vay mượn" hệ thần kinh của cha mẹ. Cho dù bạn có kiểm soát hành vi của mình hay không, con cũng sẽ học theo bạn.

Vì vậy, trước khi phản ứng với tình huống khiến bạn khó chịu, hãy hít thở sâu, sau đó đưa ra phản hồi một cách bình tĩnh và cân nhắc.

"Miễn là con bạn không bị gấu đuổi, bạn hoàn toàn có thể dừng lại và quyết định cách phản hồi của mình. Bằng cách làm như vậy, bạn đang giúp con rèn luyện khả năng tự điều hòa cảm xúc", TS Pressman nói.

Giữ giọng điệu nhẹ nhàng

Khi con bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, đừng lớn tiếng hay tỏ ra tức giận. Điều này thường khiến tình hình thêm căng thẳng.

"Thay vì bỏ đi hoặc trách mắng con vì phản ứng của chúng, bạn hãy dành vài phút để cùng con điều chỉnh bằng giọng điệu, biểu cảm khuôn mặt và cảm xúc của chính mình. Hãy cho con thấy sự nhẹ nhàng và quan tâm", TS Delahooke khuyên.

Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng giọng điệu nhẹ dàng hoặc làm dịu nét mặt để con thấy tâm trạng của bạn đang ổn định.

Thừa nhận cảm xúc của trẻ

Khi trẻ bộc lộ cảm xúc tiêu cực, việc thấu hiểu và đặt tên cho cảm xúc của trẻ là bước đầu tiên giúp chúng tự điều chỉnh.

"Khi sự thất vọng được thấu hiểu và bạn an ủi chúng bằng cảm xúc, phản ứng căng thẳng về thể chất và tinh thần của trẻ sẽ giảm", TS Delahooke cho biết.

Tuy nhiên, phụ huynh cần nhớ mục tiêu của đồng điều chỉnh là giúp trẻ bình tĩnh thay vì chiều theo mọi yêu cầu của chúng. Điều đó có nghĩa là phụ huynh có thể đồng cảm với cảm xúc của trẻ, nhưng vẫn phải giữ quy tắc.

Ví dụ, bạn có thể nói "Món tráng miệng rất ngon. Mẹ biết con muốn ăn nó nhưng tối nay chúng ta sẽ không ăn", hoặc "Con biết thức dậy đi học rất khó và con đang mệt, nhưng con cần phải ra khỏi giường".

"Bạn có thể kiên định, đặt ra giới hạn và quy tắc, đồng thời mang lại cho trẻ sự an toàn về mặt cảm xúc", TS Delahooke nói.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

6 điều trẻ có EQ cao thường làm

Chuyên gia nuôi dạy con cái Reem Raouda - người đã nghiên cứu hành vi của hơn 200 trẻ em - chỉ ra 6 điều trẻ có EQ cao thường làm, theo CNBC.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm