Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia tư vấn cách tối ưu hóa lộ trình học trung học ở New Zealand

Là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới, New Zealand trở thành “bệ phóng tương lai” mà nhiều du học sinh lựa chọn theo đuổi ngay từ bậc trung học.

Trong 3 năm vừa qua, New Zealand luôn được xếp vào top 3 quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số giáo dục hướng đến tương lai (tổ chức Economist Intelligence Unit xếp hạng). Với chương trình học tiên tiến cùng bản sắc văn hóa đa dạng, thiên nhiên tươi đẹp, quốc gia thanh bình nằm ở phía nam bán cầu trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn các du học sinh toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Bệ phóng cho những công dân toàn cầu

Trong bối cảnh công nghệ trở thành công cụ kết nối toàn cầu và dần trở nên vượt trội, mỗi cá nhân cần phải liên tục trau dồi kỹ năng để trở nên phù hợp với nhu cầu của thời đại mới. Nắm bắt được xu hướng đó, giáo dục New Zealand từ lâu đã hướng đến đào tạo nhân lực cho tương lai, phát triển không chỉ nền tảng học thuật mà còn cả những kỹ năng cần có để giải quyết vấn đề.

Du hoc New Zealand anh 1

Môi trường học tập đa dạng tại New Zealand mang đến cho du học sinh cả kiến thức lẫn trải nghiệm phong phú.

Chia sẻ về triết lý giáo dục của New Zealand, bà Lisa Futschek - Tổng giám đốc khối Quốc tế của Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) - cho hay bên cạnh những chứng chỉ hay bằng cấp được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, chương trình giáo dục ở New Zealand còn chuẩn bị cho người học năng lực thích nghi với đa dạng môi trường làm việc.

“Từ các kỹ năng mềm như tư duy đổi mới sáng tạo, làm việc nhóm đến việc luôn tìm cách giải quyết vấn đề… là những giá trị mà giáo dục New Zealand muốn tích lũy cho học sinh, sinh viên trong suốt thời gian học tập”, bà Futschek nhấn mạnh.

Bên cạnh xây dựng các kỹ năng tương lai, nền giáo dục New Zealand còn hướng đến hình thành tinh thần học tập suốt đời cho người học.

Lựa chọn đặt chân đến New Zealand theo đuổi tri thức, du học sinh không chỉ mang về cho mình kiến thức, kinh nghiệm học tập hay kỹ năng mà còn nhiều trải nghiệm đặc sắc, phong phú.

New Zealand - điểm đến du học chất lượng cho học sinh trung học

Trong những năm gần đây, xu hướng du học từ bậc trung học dần trở nên phổ biến hơn khi các bạn trẻ sớm tự lập và sẵn sàng phát triển ở môi trường mới, đặc biệt ở quốc gia yên bình với nền văn hóa đa dạng bản sắc như New Zealand.

Du hoc New Zealand anh 2

Du học sinh quốc tế nhận được hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các cơ sở học tập tại New Zealand.

Từ năm 2019, Chính phủ New Zealand triển khai chương trình Học bổng Chính phủ New Zealand bậc Trung học (NZSS) dành riêng cho học sinh Việt Nam. Chương trình học bổng hướng đến hỗ trợ và khuyến khích các học sinh tài năng của Việt Nam khám phá nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới tại New Zealand.

Năm 2023, học bổng NZSS được tái khởi động với 45 suất trị giá 50% học phí năm học đầu tiên từ các trường trung học chất lượng tại New Zealand. Nhờ cách tiếp cận mới mẻ, cho phép học sinh thể hiện cá tính, sức sáng tạo, học bổng NZSS trở thành mục tiêu theo đuổi của nhiều bạn trẻ.

Để tìm hiểu kỹ hơn về học bổng NZSS, phụ huynh và học sinh có thể theo dõi buổi tư vấn trực tuyến “Nắm bắt cơ hội du học New Zealand bằng Học bổng Chính phủ ngay từ bậc Trung học” do Zing News phối hợp với Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) tổ chức vào 10h ngày 23/2.

Du hoc New Zealand anh 3

Buổi tư vấn trực tuyến có sự góp mặt của nhiều chuyên gia giúp giải đáp thắc mắc cho phụ huynh, học sinh.

Buổi tư vấn có sự tham gia của cô Bành Phạm Ngọc Vân - Giám đốc Thị trường Việt Nam của Cơ quan Giáo dục New Zealand, cô Võ Thị Mỹ Dung - Giám đốc chương trình sau Đại học tại Học viện academyEX và cô Lù Thị Hồng Nhâm - Tổng giám đốc công ty Tư vấn du học Đức Anh.

Tại buổi tư vấn, các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du học, giáo dục quốc tế sẽ giúp giải đáp những thắc mắc về quy trình ứng tuyển, cơ hội nhận học bổng cũng như chia sẻ thêm các thông tin hữu ích về môi trường học tập tại New Zealand.

Du hoc New Zealand anh 4

Chuyên gia tham gia tư vấn trực tuyến:

- Chị Bành Phạm Ngọc Vân - Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ)

- Chị Võ Thị Mỹ Dung - Giám đốc chương trình sau Đại học tại Học viện academyEX

- Chị Lù Thị Hồng Nhâm - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn du học Đức Anh

  • 2023-02-21 11:15+0700
Đặt câu hỏi

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn Trà My Lê hỏi:

    Học bổng này khi nào hết hạn đăng ký ạ? Để đăng ký, con cần chuẩn bị những hồ sơ gì?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Học bổng đã mở đăng ký từ tháng 1 và hạn chót đăng ký là ngày 5/4. 

    Để đăng ký em cần chuẩn bị:

    Bản scan kết quả học tập năm học 2021-2022 và học kì 1 năm học 2022-2023 có xác nhận của trường hoặc công chứng của chính quyền địa phương.

    Bản scan chứng chỉ IELTS 5.5/ PTE 36/ TOEFL iBT 46/ Duolingo 85 hoặc các chứng chỉ thể hiện trình độ tiếng Anh tương đương khác.

    Video không quá 1,5 phút nói rõ lý do em xứng đáng được chọn để trao học bổng (nội dung gồm giới thiệu bản thân, trình bày kỹ năng mà học sinh mong muốn được học tập/cải thiện tại New Zealand, nền giáo dục tại New Zealand sẽ giúp học sinh chuẩn bị cho tương lai ra sao, lý do học sinh là ứng cử viên phù hợp cho học bổng NZSS 2023 và học sinh sẽ thích ứng với môi trường học tập mới như thế nào)

    Để thêm thông tin chi tiết, em có thể tham khảo tại đây.

    Du hoc New Zealand anh 5

  • Bạn Mỹ Hà hỏi:

    Hệ THPT của New Zealand gồm mấy năm và chương trình học có tương đương như ở Việt Nam không?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Hệ THPT của Zealand là từ lớp 9 đến lớp 13. Học sinh New Zealand đã bắt đầu đi học từ lúc 5 tuổi. Chương trình học tương đương với Việt Nam, nên du học sinh Việt Nam sang New Zealand đa số đều bắt kịp chương trình học.

  • Bạn Quan nguyen hỏi:

    Khi lựa chọn trường, phụ huynh cần chú ý những yếu tố nào để có thể tìm ra ngôi trường phù hợp cho con?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Khi lựa chọn trường, phụ huynh cần chú ý những yếu tố nào để có thể tìm ra ngôi trường phù hợp cho con?

    Dựa vào nhiều yếu tố: Chất lương giáo dục, vị trí và các hoạt động của nhà trường. 

    Về chất lượng giáo dục, New Zealand có Education Review Office thường ra báo cáo đánh giá trường, phụ huynh có thể xem để lựa chọn.

    Về vị trí, tùy thành phố sẽ có đặc điểm về dân cư, môi trường, thời tiết khí hậu khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng bạn.

    Phụ huynh nên xem năng khiếu và định hướng của con để lựa chọn trường phù hợp cho con. 

  • Bạn Hoàng Lam hỏi:

    Năm trước em từng xin học bổng du học trực tiếp ở một trường trung học tại New Zealand nhưng không đậu. Đợt này em muốn nộp một trường khác thì có ảnh hưởng gì không?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Em vẫn có thể nộp đơn ứng tuyển cho học bổng NZSS. Cơ hội trúng tuyển của các bạn ứng viên NZSS là như nhau, dựa vào tiêu chí như kết quả học tập GPA, trình độ tiếng Anh được thể hiện qua các chứng chỉ quốc tế, video thể hiện định hướng và sự nổi bật của bản thân.

    Việc em từng xin học bổng nhưng không đậu không hề ảnh hưởng đến quá trình và kết quả xét tuyển học bổng này. 

    Các bạn học sinh nộp hồ sơ ứng tuyển NZSS sẽ có 2 nguyện vọng khi chọn trường. Ngoài ra, với ứng viên xuất sắc nhưng không được chọn trao học bổng NZSS đợt này, các trường ở New Zealand sẽ cân nhắc trao học bổng riêng của trường.  

    Du hoc New Zealand anh 6

  • Bạn Thanh Tâm hỏi:

    Xin hỏi chứng minh tài chính đi du học New Zealand phải cần bao nhiêu trở lên vậy?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Chứng minh tài chính du học New Zealand cần hội tụ đủ 3 yếu tố: Sổ tiết kệm, thu nhập và tài sản.

    Đầu tiên là sổ tiết kiệm, cần đủ tiền ăn, ở, học trong một năm, gồm: Khoảng 17.000 NZD; 15.000-16.000 NZD; 3.000 NZD mỗi năm. Lưu ý, sổ tiết kiệm phải gửi trước 6 tháng so với ngày nộp visa.

    Thu nhập bình quân phải đảm bảo 40-50 triệu đồng mỗi tháng. Đây là thu nhập sạch, thể hiện qua thuế (thuế TNCN, thuế công ty...).

    Tài sản hiện có của gia đình nên tối thiểu tầm 5 tỷ đồng, gồm nhà, đất, ôtô, sổ tiết kiệm, cổ phiếu... Vì một năm học tập ở New Zealand hết khoảng 500-600 triệu đồng. Học sinh đi từ phổ thông (du học dài hạn), tài chính cần đầy đặn.

  • Bạn Giang Nguyễn hỏi:

    Thưa chị Ngọc Vân, để đăng ký học bổng Chính phủ New Zealand bậc trung học NZSS, học sinh phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc nào?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Để đăng ký học bổng, học sinh cần đáp ứng điều kiện có quốc tịch Việt Nam, đang theo học lớp 8, 9 và 10 tại một trường trung học ở Việt Nam. Học sinh cần đạt điểm trung bình học tập từ 8 trở lên hoặc thành tích tương đương ở các chương trình sử dụng thang điểm khác; IELTS đạt từ 5,5 trở lên hoặc PTE 36/ TOEFL iBT 46/ Duolingo 85 hoặc các chứng chỉ thể hiện trình độ tiếng Anh tương đương khác.

    Bạn có thể xem thêm thông tin chi tiết tại đây.

  • Bạn Nguyen Thi Nghia hỏi:

    Trường hợp phụ huynh không giỏi tiếng Anh thì phụ huynh có thể trao đổi với nhà trường như thế nào để biết tình hình học của con mình?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Phụ huynh nên thông báo với nhà trường từ trước để được hỗ trợ tốt hơn. 

    Một số trường có hỗ trợ thông tin bằng ngôn ngữ khác để phụ huynh theo dõi. Thậm chí, một số trường cũng có thể mời thông dịch viên hỗ trợ để quá trình trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường được thông suốt, hiệu quả hơn. 

    Du hoc New Zealand anh 7

  • Bạn Tuấn Kha hỏi:

    Chào chị, em đang học lớp 8 và dự định du học New Zealand. Tuy nhiên, trước đó em từng rớt visa New Zealand, không biết việc này có ảnh hưởng gì không ạ?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Xin visa du học New Zealand sau khi từng trượt là việc làm không dễ, do khi từ chối visa, Cục Di trú New Zealand đã xem xét hồ sơ học sinh trên tất cả phương diện: Cá nhân học sinh, năng lực học tập, đạo đức, hoàn cảnh gia đình, tài chính gia đình, tính phù hợp của việc du học...

    Cho nên, bạn chỉ nên xin lại visa khi bạn cảm thấy rất chắc chắn rằng hồ sơ hiện nay có những điểm mới và tích cực so với hồ sơ cũ; hoặc trong hồ sơ cũ có những yếu tố mà bạn chưa giải thích kỹ càng, dẫn đến Đại sứ quán New Zealand có thể hiểu nhầm.

    Chúng tôi vẫn khuyến khích bạn nên nộp lại vì đây là cơ hội của bạn. Bên cạnh đó, bạn nên chọn làm việc với những công ty tư vấn du học rất có kinh nghiệm, để họ kiểm tra giúp hồ sơ kỹ nhất có thể.

  • Bạn Trương Thị Lanh hỏi:

    Con tôi chỉ mới xong học kỳ 1 lớp 8 nhưng muốn nộp học bổng Trung học tại New Zealand. Vậy điều kiện nhập học, chi phí học, lộ trình học như thế nào? Tôi muốn đi theo giám hộ cho cháu có được không?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Chào chị,

    Con chị học xong học kỳ 1 lớp 8 là đã đủ điều kiện nộp học bổng trung học của New Zealand.

    Về điều kiện nộp hồ sơ, chị có thể tham khảo tại đây.

    Về chi phí, học bổng NZSS hỗ trợ 50% học phí trong năm học đầu tiên. Do đó, gia đình học sinh cần có sự chuẩn bị về tài chính đủ để chi trả cho phần học phí còn lại, cũng như chi phí sinh hoạt trong thời gian học ở New Zealand. Học phí trung bình một năm học ở trường phổ thông công lập tại New Zealand sẽ rơi vào khoảng 15.500-22.000 NZD.

    Về lộ trình học, kết quả xét tuyển học bổng NZSS sẽ được thông báo vào tháng 5. Theo đó, các bạn trúng tuyển NZSS nhập học vào kỳ học thứ 3 (bắt đầu khoảng ngày 17/7) tại New Zealand. Nếu cần thiết, sau khi có kết quả trúng tuyển, chị có thể xin phép cho cháu nhập học vào kỳ học đầu tiên của năm 2024. 

    Chị có thể xin visa giám hộ (Guardian visa). Mỗi gia đình chỉ được một người giám hộ đi theo chăm sóc học sinh trong quá trình du học. Người giám hộ phải sống chung và chăm sóc cho học sinh. 

    Chị có thể tham khảo thêm về visa giám hộ tại website của Cục Di trú New Zealand.

    Du hoc New Zealand anh 8

  • Bạn Dung Vũ hỏi:

    Có lớp bổ túc tiếng Anh cho các con không ạ?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Thường các trường trung học tùy vào năng lực học sinh mà có lớp bổ túc phù hợp, giúp các em không bị bỡ ngỡ khi ở môi trường nói tiếng Anh xuyên suốt. 

    Lớp bổ túc đã được thiết kế để hỗ trợ kỹ năng học thuật. Ngoài ra, các trường tại New Zealand có thêm nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh giao lưu, tăng cường khả năng tiếng Anh. 

  • Bạn Mai Trang hỏi:

    Em dự định đăng ký trường Avondale College ở Auckland. Nếu có người thân bảo lãnh tài chính ở ngay tại Auckland thì có được đại sứ quán New Zealand chấp nhận không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Về nguyên tắc, người thân tại New Zealand có quyền bảo lãnh cho du học sinh. Tuy nhiên, Cục Di trú New Zealand cần xem xét mối quan hệ của người thân với gia đình học sinh; năng lực tài chính thực sự của người muốn bảo lãnh; tư cách, nhân cách của người đứng ra bảo lãnh; việc bảo lãnh cho học sinh tại Việt Nam có hợp lý hay không.

    Phụ huynh tại Việt Nam được mong đợi là chủ động lo về tài chính ở mức cao nhất có thể thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào người ở New Zealand.

    Du hoc New Zealand anh 9

  • Bạn Nguyễn Hồng Phúc hỏi:

    Em muốn hỏi học bổng NZSS có ưu tiên các thành tích hoạt động ngoại khóa không? Có cách nào để hồ sơ ứng tuyển của em vượt trội hơn không?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Học bổng NZSS sẽ được xét tuyển dựa trên 3 tiêu chí chính: Kết quả học tập GPA, trình độ tiếng Anh và nội dung, chất lượng video thể hiện bản thân. Để hồ sơ vượt trội, em có thể cân nhắc đầu tư cho video. 

    Ngoài ra, các trường cũng chú ý đến sở thích, sự quan tâm, định hướng của mỗi cá nhân học sinh. Vì vậy, nếu có tham gia hoạt động ngoại khóa, đạt thành tích trong các kỳ thi học thuật, em vẫn nên đính kèm trong bộ hồ sơ nộp học bổng NZSS.

    Trong trường hợp các thí sinh NZSS có GPA và trình độ tiếng Anh tương đồng nhau, video, hoạt động ngoại khóa, thành tích học thuật sẽ là lợi thế của thí sinh. 

    Ngoài ra, em cũng có thể cân nhắc chọn các trường nằm ở khu vực ngoài Auckland và Wellington để tăng khả năng đạt học bổng cho mình. Do các trường ở 2 thành phố này thường có tỷ lệ chọi cao hơn. 

  • Bạn Ngọc Thảo hỏi:

    Hiện vùng nào có đông du học sinh Việt nhất? Tôi muốn con theo học ở cộng đồng nhiều người Việt để có thể hỗ trợ nhau.

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Vùng đông dân Việt Nam nhất là: Auckland, Wellington và Otago. Ngoài ra, các khu vực khác cũng có không ít người Việt như Canterbury, Chistchurch, Waikato... Cộng đồng người Việt tại New Zealand khá lành, dân trí cao, hỗ trợ nhau tốt và hỗ trợ du học sinh Việt Nam rất tốt.

  • Bạn Bich Ly Tran hỏi:

    Khi học sinh đi du học tại New Zealand, các em sẽ được cung cấp chỗ ở như thế nào? Các em sống cùng với người bản xứ hay sẽ chung sống với các bạn tại ký túc xá?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Các bạn có thể ở ký túc xá (boarding school), nhưng không phải trường nào cũng có ký túc xá cho học sinh. New Zealand có chương trình homestay - sống cùng người bản xứ để học sinh được tiếp xúc và nâng cao khả năng ngoại ngữ trong môi trường quốc tế. Trường trung học sẽ liên kết với các host để đảm bảo chất lượng sinh hoạt, ăn ở, để học sinh có môi trường học tập và phát triển tốt nhất. 

    Du hoc New Zealand anh 10

  • Bạn Yến Nhi hỏi:

    Em muốn nộp một lúc 2 trường có được không ạ? Xin chị chia sẻ thêm về mức độ cạnh tranh giữa các trường ạ.

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Khi ứng tuyển cho học bổng NZSS, các ứng viên sẽ được lựa chọn 2 nguyện vọng trường để ứng tuyển. Lưu ý, bạn chỉ được chọn một trường tại khu vực Auckland.

    Không thành công với 2 nguyện vọng ban đầu, học sinh vẫn có cơ hội nhận được học bổng từ một trường khác nếu trường đó vẫn còn suất sau vòng xét tuyển đầu tiên.

    Ngoài ra, các trường ở New Zealand sẽ cân nhắc trao học bổng riêng cho ứng viên xuất sắc nhưng không được chọn trao học bổng NZSS đợt này.

    Học sinh chọn các trường ở Auckland sẽ có tỷ lệ chọi cao hơn. Vì vậy, bạn cần cân nhắc chọn trường phù hợp tại các khu vực ngoài Auckland để tăng cơ hội nhận học bổng. 

  • Bạn Minh Khang hỏi:

    Cho em hỏi nếu không dư dả về tài chính thì nên nộp học bổng ở khu vực nào ạ? Chính phủ New Zealand có tạo điều kiện cho học sinh làm thêm để có thu nhập trang trải học phí và sinh hoạt không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Nếu không dư dả về tài chính, bạn nên tránh các thành phố Auckland, Wellington... bởi đây là những thành phố lớn, được coi là có sinh hoạt phí cao nhất New Zealand.

    Chính phủ New Zealand cho phép làm thêm khi bạn học từ lớp 12 trở lên. Trước đó, bạn không được phép làm thêm.

    Nếu du học mà phải dựa vào làm thêm tại New Zealand để trang trải học phí và sinh hoạt phí, thì du học khó khả thi. Trước hết, học sinh chỉ được phép làm 20 giờ mỗi tuần nên tiền lương chỉ có thể đủ trang trải những sinh hoạt cá nhân chứ không thể đủ trang trải học phí.

    Bên cạnh đó, làm thêm nhiều dẫn đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến học tập, có thể dẫn đến trượt môn, học lại. Tiền làm thêm khi ấy chưa chắc đã đủ để trả học phí học lại. Do đó, bạn và gia đình cần cân đối kỹ năng lực tài chính để du học.

  • Bạn Tuyet Nguyen Thi hỏi:

    Cho tôi hỏi các trường dành riêng cho nữ sinh sẽ có khác biệt thế nào so với các trường có cả nam sinh và nữ sinh?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Riêng về các môn năng khiếu, trường nữ có thể sẽ có nhiều môn học được nữ sinh yêu thích hơn. Tuy nhiên, tất cả trường, dù là trường nữ sinh, hay trường có cả nam lẫn nữ đều phải theo chương trình khung của Bộ Giáo dục để đảm bảo chất lượng học tập. 

  • Bạn Văn Hậu hỏi:

    Em muốn theo đuổi ngành sáng tạo, nhờ chị tư vấn thêm giúp em các trường chuyên sâu về ngành này với ạ.

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Em có thể vào trang danh sách trường trên website chính thức của học bổng NZSS.

    Mỗi trường có một trang riêng, trong đó nêu rõ đặc điểm nổi bật cũng như các thông tin về cơ sở vật chất, hỗ trợ cho học sinh quốc tế...  Dựa trên đó, em dễ dàng chọn trường có lợi thế hoặc tập trung phát triển học sinh trong khối ngành sáng tạo phù hợp với mình.

    Du hoc New Zealand anh 11

  • Bạn Thanh Mai hỏi:

    Nếu con tôi xin được học bổng NZSS nhưng sổ tiết kiệm chưa đủ thời gian 6 tháng thì có cách nào chứng minh tài chính nhanh nhất không chị?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Quy định là quy định, không thể thay đổi. Vì vậy, bạn chỉ có thể gửi sớm nhất có thể và sau đó đăng ký nhập học tại New Zealand vào thời điểm thích hợp. Chắc chắn, bạn chỉ nên nộp hồ sơ xin visa khi sổ tiết kiệm đủ 6 tháng.

  • Bạn Minh Duc Vo hỏi:

    Con của tôi có theo học một vài lớp năng khiếu âm nhạc tại Việt Nam, cụ thể là lớp đàn piano và múa đương đại, không biết khi theo học tại New Zealand, con tôi có thể tiếp tục theo đuổi các môn năng khiếu này hay không? Việc theo học các môn này sẽ được tính phí như thế nào?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Môn đàn (âm nhạc) thường các trường tại New Zealand đều có, còn môn múa đương đại thì không phải trường nào cũng dạy. Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu và cân nhắc trường học phù hợp với định hướng của con.

    Trường có thể mở lớp nếu nhu cầu học sinh lớn, hoặc các bạn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê năng khiếu khi tham gia các CLB, hội nhóm hoặc hoạt động ngoại khóa khi học tại trường. 

    Về chi phí học môn năng khiếu cũng tùy thuộc vào quy định từng trường khác nhau nên khó có thể đưa ra mức chi phí cụ thể.

    Du hoc New Zealand anh 12

  • Bạn Le Anh Khiet hỏi:

    Cộng đồng du học sinh Việt tại New Zealand có thường xuyên gặp gỡ và có hoạt động gì không? Nếu con tôi mới qua đó bỡ ngỡ thì có được hỗ trợ không?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Khi đã sang New Zealand, nhà trường sẽ hỗ trợ rất nhiều để học sinh hòa nhập với môi trường quốc tế. Do đó, dù học sinh mới cũng sẽ không bị bỡ ngỡ hay khó khăn nhiều vì luôn có sự hỗ trợ từ nhà trường, nhà host lẫn bạn bè quốc tế lẫn bạn bè Việt Nam.

    Bên cạnh đó, khi tham gia học bổng NZSS và kết nối với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại New Zealand, các bạn cũng sẽ tạo ra một mạng lưới hỗ trợ tốt hơn.

  • Bạn Nga Nguyen hỏi:

    Nếu con tôi trúng tuyển, bé sẽ đi học ngay từ năm 15 tuổi. Vậy việc hỗ trợ chăm sóc và hướng dẫn cho các bé (giai đoạn dậy thì) sẽ được thực hiện như thế nào? Tôi có thể cùng đăng ký đi theo để ở gần hỗ trợ cháu được không?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Phụ huynh có thể xin VISA theo để hỗ trợ học sinh. 

    Về vấn đề dậy thì, các trường đều có bộ phận chuyên trách hướng dẫn và giáo dục giới tính để hỗ trợ các bé trong giai đoạn này. Các em sẽ được hỗ trợ về vệ sinh, chăm sóc cơ thể cũng như giáo dục giới tính để bảo vệ bản thân an toàn trước các mối quan hệ bạn bè trong quá trình học. 

  • Bạn Văn Kiệt hỏi:

    Tôi thấy danh sách 45 trường trung học cấp học bổng NZSS 2023 có chia thành trường công và trường công tích hợp. Vậy cho hỏi 2 trường này khác nhau như thế nào?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Trường công là trường nhận ngân sách từ Chính phủ và giảng dạy chương trình phổ thông quốc gia của New Zealand (NCEA).

    Các trường công tích hợp trước đây là trường tư, sau đó chuyển đổi thành trường công và cũng nhận ngân sách từ Nhà nước. Tuy nhiên, các trường công tích hợp thường có điểm đặc biệt riêng, chẳng hạn như có triết lý giáo dục riêng hoặc các trường về tôn giáo. 

    Trường công và trường công tích hợp đều có chất lượng tốt và phải tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng cũng như chăm sóc học sinh quốc tế của Chính phủ New Zealand.

    Du hoc New Zealand anh 13

  • Bạn Thùy Linh hỏi:

    Không biết ở vùng ngoại ô thì chất lượng cuộc sống và chi phí sinh hoạt có chênh lệch nhiều so với khu vực trung tâm không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Quan niệm về chất lượng cuộc sống của mỗi người rất khác nhau. Hiện nay, nhiều người ở các thành phố đang "bỏ phố về rừng". Chắc chắn, ở thành phố sẽ đông người hơn, ồn ào hơn, bụi hơn, tiện cho các hoạt động vui chơi, giải trí, tụ tập du học sinh hơn.

    Tuy nhiên, ở các khu thành phố nhỏ hoặc ngoại ô, chất lượng không khí tốt hơn, có đủ sự bình yên để học sinh tập trung học tập và làm những gì mình thích, ít bị lôi kéo, cám dỗ bởi những thứ không cần thiết, nhận được nhiều hỗ trợ từ cộng đồng do các cộng đồng dân cư nhỏ thường thân thiện hơn.

    Chị cần trao đổi để con hiểu và quyết định bản thân thích nơi nào hơn. Thường học phổ thông nên chọn các thành phố nhỏ hơn, yên tĩnh.

    Hai con gái tôi đều học ở thành phố loại 2 (thành phố nhỏ) khi các con học ở phổ thông và chuyển lên thành phố lớn khi lên đại học để có thêm trải nghiệm. Các bạn rất hài lòng với lựa chọn của mình và tận dụng được tối đa cơ hội cũng như hỗ trợ từ cộng đồng, nhà trường.

    Du hoc New Zealand anh 14

  • Bạn Hong Van Ly hỏi:

    Bé nhà mình đang tìm hiểu trường ở Đảo Nam của New Zealand và thấy có Southland Girls High School khá phù hợp. Nhờ chuyên gia tư vấn về chương trình đào tạo NCEA và Cambridge ở trường này. Du học sinh Việt Nam thì nên lựa chọn chương trình nào?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Hai chương trình NCEA và Cambridge đều được công nhận quốc tế về chất lượng giáo dục và giảng dạy. Cụ thể, NCEA được công nhận nhiều ở các khu vực như New Zealand, Australia, Anh. Còn Cambridge thì có tính quốc tế nhiều hơn. 

    Do đó, nếu phụ huynh có định hướng bậc đại học và sau đại học cho con phát triển tiếp tục ở New Zealand, Australia hoặc Anh thì chương trình NCEA đã phù hợp. Còn nếu gia đình có định hướng để con phát triển bậc giáo dục cao hơn ở các quốc gia khác như Mỹ, Canada... thì chương trình Cambridge sẽ phù hợp hơn.

  • Bạn Nguyễn Thị Thu Hằng hỏi:

    Nhờ chị Ngọc Vân chia sẻ thêm giúp em cơ hội chuyển tiếp vào các trường đại học sau khi học xong cấp 3 ở New Zealand.

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Trong quá trình học cấp 3 ở New Zealand, các thầy cô phụ trách học sinh quốc tế sẽ có trách nhiệm cố vấn trong lựa chọn các môn học phù hợp với ngành mà học sinh định học ở đại học.

    Ngoài ra, các trường đại học New Zealand cũng tổ chức hoạt động hướng nghiệp ngay tại trường trung học để tư vấn cụ thể cho học sinh. 

    Các trường đại học cũng có học bổng dành riêng cho học sinh tốt nghiệp trung học ở New Zealand. Như vậy, nếu học trung học ở New Zealand, em có thể ứng tuyển cho các học bổng này mà không cần cạnh tranh với học sinh quốc tế bên ngoài New Zealand. 

    Chứng chỉ phổ thông NCEA được công nhận rộng rãi nên học sinh sau khi hoàn thành bậc trung học ở New Zealand hoàn toàn có thể nhập học hoặc ứng tuyển học bổng du học đại học tại các nước khác. Thực tế, nhiều học sinh Việt Nam hoàn tất bậc trung học tại New Zealand đã giành học bổng vào các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

  • Bạn Võ Lê Huy hỏi:

    Con tôi muốn theo đuổi ngành kiến trúc. Vậy nếu lựa chọn đi du học ở New Zealand, cháu có thế bồi dưỡng các kỹ năng về mỹ thuật như thế nào? Đâu sẽ là định hướng phù hợp ở bậc trung học cho cháu?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Ở trường trung học, khoảng từ lớp 11 học sinh đã được tư vấn hướng nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng cho bậc đại học. 

    Ngoài ra, chương trình học của New Zealand cũng có nhiều môn tự chọn để đáp ứng được nhu cầu của học sinh, giúp các em phát huy khả năng sáng tạo của mình. 

  • Bạn Kiều Loan hỏi:

    Được biết, học bổng sẽ hỗ trợ 50% học phí cho năm đầu tiên, vậy tôi nên dự trù chi phí như thế nào đến khi con hoàn thành bậc phổ thông, cả về học phí và sinh hoạt phí. Hiện con tôi học lớp 9 ở Việt Nam.

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Dự trù chi phí du học phổ thông tại New Zealand được tính theo công thức:

    (Sinh hoạt phí và tiêu vặt + Học phí + Vé máy bay 2 chiều) x số năm học tại New Zealand.

    Trong đó, sinh hoạt phí và tiêu vặt phí 20.000 NZD; học phí 15.000-19.000 NZD/năm; vé máy bay 2 chiều 2.000-3.000 NZD/năm.

    Cách tính tương tự được áp dụng khi con học lên đại học, ngoại trừ học phí đại học sẽ khoảng 30.000-50.000 NZD/năm tùy ngành.

    Du hoc New Zealand anh 15

  • Bạn Trung Nguyen hỏi:

    Tôi đang có dự định cho con đi học trung học ở New Zealand nhưng không biết chất lượng trường công và trường tư có sự chênh lệch nhiều hay không?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Ở New Zealand, trường học được kiểm định chất lượng.

    Trường công có ngân sách từ Chính phủ nên một số vấn đề về đầu tư, cơ sở vật chất không linh động bằng trường tư. Trường tư thì có tiền từ nguồn học phí nên linh hoạt hơn về cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa...

    Trường tư hay trường công đều được đánh giá đảm bảo chất lượng cho học sinh theo học. 

  • Bạn Tường Linh hỏi:

    Tôi muốn hỏi học bổng NZSS có hỗ trợ lưu trú không?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Chào bạn, 

    Học bổng NZSS hỗ trợ 50% học phí trong năm học đầu tiên và không hỗ trợ lưu trú. Chi phí lưu trú theo hình thức homestay (ở chung với gia đình bản địa), trung bình khoảng 300-350 NZD/tuần tùy theo từng khu vực. Thời gian thực học trung bình khoảng 40 tuần, cộng thêm khoảng nghỉ giữa kỳ, gia đình cần chuẩn bị chi phí lưu trú khoảng 50 tuần. Như vậy, chi phí sinh hoạt trung bình khoảng 17.000 NZD/năm (khoảng 255 triệu đồng/năm).

    Do đó, gia đình học sinh cần có sự chuẩn bị về tài chính đủ để chi trả cho phần học phí còn lại và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tại New Zealand.

    Du hoc New Zealand anh 16

  • Bạn Việt Anh hỏi:

    Trường hợp có người thân vướng nợ xấu của ngân hàng, việc chứng minh tài chính để xin visa đi du học của con tôi có bị ảnh hưởng không? Nếu có, tôi phải làm gì để giải quyết vấn đề này?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Nếu người thân bạn nhắc đến là bố hoặc mẹ của học sinh thì bạn cần rất rạch ròi nợ xấu này có ảnh hưởng trực tiếp đến khoản tiền bạn dự trù cho con du học hay không.

    Trong trường hợp ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đến nguồn tiền cho con du học, hồ sơ xin visa của bạn sẽ bất lợi.

    Trong trường hợp bạn có thể rạch ròi được và đảm bảo nguồn tiền cho con du học là an toàn, Cục Di trú New Zealand vẫn có thể cấp visa cho con bạn du học.

    Bạn nên trao đổi với công ty tư vấn du học có kinh nghiệm để hình dung rõ hơn những việc bạn cần làm, hoặc tình trạng cụ thể về nợ xấu và các ảnh hưởng của nó đến việc du học cho con bạn. Từ đó, ta có thể xác định nên làm hồ sơ du học tại thời điểm nào.

  • Bạn Ánh Hồng hỏi:

    Con tôi năm nay lớp 9 chuyên Anh. Điểm trung bình học kỳ vừa rồi của cháu là 9,5. Tuy nhiên, hiện tại cháu chưa thi IELTS chính thức. Vậy cháu có đủ điều kiện tham gia xin học bổng và có được thi IELTS bổ sung không?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Điểm trung bình 9,5 là lợi thế để con chị ứng tuyển học bổng NZSS. Cháu có thể đăng ký thi IELTS hoặc TOEFL ngay từ bây giờ và dùng kết quả (bản mềm) để ứng tuyển học bổng. Khi có bản cứng, chị có thể scan và nộp bổ sung về địa chỉ email: vietnam@enz.govt.nz.

    Nếu thời gian quá cận không kịp thi IELTS, chị có thể cho bé thi Duolingo và đảm bảo kết quả thi từ 85 điểm trở lên. Trong trường hợp không kịp dự thi bất kỳ chứng chỉ nào kể trên, chị có thể nộp bảng điểm chuyên Anh của bé hoặc thành tích trong các kỳ thi tiếng Anh (nếu có) để chứng minh khả năng tiếng Anh của bé.

    Du hoc New Zealand anh 17

  • Bạn Vũ Nguyễn Nguyên Vũ hỏi:

    Học sinh trung học tại New Zealand có được phép làm thêm không ạ? Nếu có, em có thể làm những công việc gì và thu nhập của những công việc này khoảng bao nhiêu ạ?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Học sinh được phép đi làm từ năm học lớp 12, quy định là 20 giờ/tuần. Loại công việc thường là lao động chân tay ở nhà hàng, khách sạn...

    Một số học sinh có tiếng Anh tốt có thể tìm được các công việc hỗ trợ như lễ tân, thư ký... Mức thu nhập tùy vào công việc bạn làm, dao động khoảng 18-26 NZD/giờ.

    Một số học sinh xuất sắc có thể tìm việc gia sư, đặc biệt ngành Toán, Lý, Hóa, Khoa học... mức thu nhập sẽ tốt hơn nhiều, khoảng 30-45 NZD/giờ. Bạn lưu ý không nên làm quá 20 giờ và cần nộp thuế thu nhập khi làm thêm.

  • Bạn Lan Chi hỏi:

    Tôi khá lo lắng về vấn đề sốc văn hóa của học sinh khi đi du học, nhất là khi con trai tôi còn nhỏ. Chuyện này có thường xảy ra không và chị có thể cho tôi xin lời khuyên, nên làm gì để trang bị cho con khả năng hòa nhập và ổn định sớm khi sang New Zealand?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Sốc văn hóa là chuyện khá bình thường vì 2 quốc gia có nhiều điều khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh không cần quá lo lắng. Phụ huynh có thể cùng con tìm hiểu kỹ về môi trường học tập, sinh hoạt ở nước bản địa từ sớm để chuẩn bị tinh thần cũng như các kỹ năng cần thiết, hoặc giao lưu, hỏi thăm thêm các bạn du học sinh đã có kinh nghiệm để dễ dàng hòa nhập hơn.

    Đặc biệt, New Zealand nổi tiếng là quốc gia có môi trường thân thiện, đa dạng văn hóa và chủng tộc nên họ cũng rất cởi mở các du học sinh quốc tế. Bộ phận quản lý và chăm sóc học sinh quốc tế cũng lo lắng rất kỹ cho học sinh, từ cải thiện kỹ năng ngoại ngữ đến giúp học sinh hòa hợp nhanh với gia đình bản xứ cũng như bạn bè quốc tế.

    Do đó, phụ huynh không cần quá lo lắng về vấn đề văn hóa vì học sinh sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ hết mình từ nhà trường cũng như người dân, bạn bè.

    Du hoc New Zealand anh 18

  • Bạn Thế Anh Trần hỏi:

    Tôi nghe nói nhiều về việc học sinh ở Việt Nam dù có điểm tiếng Anh cao nhưng khi đi du học lại khớp và mất nhiều thời gian để hòa nhập. Ở Việt Nam, tôi có thể tìm kiếm các trung tâm, lớp học nào dạy bổ túc tiếng Anh cấp tốc cho học sinh trung học, đặc biệt là giao tiếp không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Sốc văn hóa là vấn đề 99% du học sinh gặp phải. Để giảm bớt sốc văn hóa, Công ty Đức Anh thường khuyến khích các học sinh tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, trại hè trong nước và nước ngoài.

    Công ty Đức Anh có khóa học "Learning how to lean". Khóa học này chỉ dẫn cho học sinh cách để hòa nhập về văn hóa, cuộc sống và đặc biệt là học tập ở các trường đại học nước ngoài. Phản hồi của các học sinh, sinh viên tham gia khóa học rất tốt.

    Nhờ khóa học này, các học sinh mạnh dạn, tự tin trong việc sống và học tập ở nước ngoài. Không có cách nào khác là bản thân học sinh phải chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị trước khi ra nước ngoài. Phụ huynh học sinh, công ty tư vấn du học phải đồng hành cùng học sinh rất chặt chẽ trong 3 tháng đầu để hướng dẫn khi cần.

  • Bạn Quỳnh Phương hỏi:

    Con tôi năm nay học lớp 10 ở Việt Nam, nên đăng ký xin học bổng và đăng ký học vào học kỳ nào thì thuận lợi nhất về mặt thời gian cho cháu ạ?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Con chị đang học lớp 10 là đã đủ điều kiện nộp học bổng NZSS. Kết quả xét tuyển học bổng NZSS sẽ được thông báo vào tháng 5. Theo đó, các bạn trúng tuyển NZSS nhập học vào kỳ học thứ 3 (bắt đầu khoảng ngày 17/7) tại New Zealand. Khi đó, con chị sẽ học 2 học kỳ của lớp 11 tại New Zealand và chuyển lên lớp 12 vào đầu năm 2024.  

    Du hoc New Zealand anh 19

  • Bạn Bùi Huy Quang hỏi:

    Cô có thể chia sẻ cách các vị phụ huynh thường làm để đồng hành từ xa trong quá trình học tập của con? Tôi khá lo lắng khi để cháu một mình và nhắn tin hay gọi điện đôi khi không nắm bắt được đầy đủ về đời sống của con. Không biết nhà trường có thường xuyên trao đổi tình hình với phụ huynh không ạ?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Mỗi gia đình có một cách riêng để giữ liên lạc và cập nhật thông tin, chia sẻ cùng con cái. Tuy nhiên, chị có thể tham khảo cách Công ty Tư vấn Du học Đức Anh làm.

    Cụ thể, phụ huynh và học sinh được yêu cầu giữ liên lạc chặt chẽ với Công ty Đức Anh. Khi có bất cứ vấn đề gì, học sinh sẽ trao đổi song song với công ty và gia đình. Công ty sẽ có nhân viên chuyên trách để hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề.

    Các trường cũng giữ liên lạc thường xuyên với học sinh, phụ huynh và Công ty Đức Anh. Khi có vấn đề với học sinh, nhà trường cũng sẽ thông báo song song đến cả Công ty Đức Anh.

    Trong nhiều trường hợp, công ty chủ động liên hệ với phụ huynh và học sinh để hỗ trợ. Chúng tôi cũng yêu cầu các học sinh tự gửi kết quả học tập đến công ty. Như vậy, công ty có thể kịp thời động viên, chia sẻ với học sinh. 

    Ngày thường, học sinh cũng được khuyến khích trao đổi cùng tư vấn viên, nhân viên công ty cũng chủ động chia sẻ thông tin và đồng hành, đặc biệt vào các kỳ ôn hay thi hết học kỳ, hỏi thăm điểm và động viên.

    Tóm lại, để chia sẻ tốt nhất với du học sinh xa nhà, phụ huynh và Công ty Đức Anh phải làm bạn và là bạn thân thiết với học sinh. Thay vì nhấn mạnh vào các khuyết điểm hay sai sót, chúng ta cần giải thích sự việc, chỉ cách các học sinh giải quyết vấn đề; tránh chỉ trích, phê bình nghiêm khắc, đẩy học sinh ra xa, để học sinh cảm thấy ngại chia sẻ...

    Chỉ có vậy, các thông tin từ nhỏ đến lớn mới thông suốt giữa các bên và học sinh trẻ tuổi cảm thấy luôn có gia đình, công ty du học và nhà trường ở bên để hỗ trợ, nhằm giúp học sinh tự tin học tập và sinh sống trong môi trường của mình.

  • Bạn Le van son hỏi:

    Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về bộ quy chế bảo trợ học sinh và sinh viên quốc tế của New Zealand. Cụ thể, con tôi đi học thì sẽ được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi ở những khía cạnh nào? Nếu cháu cần được giúp đỡ thì sẽ liên hệ với ai ngoài thầy cô hay bạn bè ở trường?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Bộ phận quản lý về chất lượng của New Zealand quy định nhà trường phải có các quy định để đảm bảo chất lượng sinh hoạt và giáo dục của du học sinh quốc tế. Cụ thể, trường học phải đảm bảo hỗ trợ tối đa cho học sinh ở 3 mảng: Học tập - sinh hoạt cuộc sống và tinh thần. 

    Trường cũng sẽ thông tin cho học sinh biết từ đầu những ai hoặc tổ chức để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển của các em.

    Bộ phận quản lý chất lượng giáo dục cũng sẽ thường xuyên kiểm tra để chắc chắn rằng nhà trường tuân thủ quy định và đã thông tin các quyền lợi này cho học sinh quốc tế. Do đó, du học sinh và phụ huynh có thể an tâm về chất lượng giáo dục tại New Zealand. 

  • Bạn Thu Hằng hỏi:

    Về chỗ ở, hầu hết các trường đều lựa chọn hình thức homestay. Vậy chi phí thuê homestay là bao nhiêu? Làm sao để tôi có thể kết nối với các chủ nhà để có thể kết nối với các chủ nhà để nắm được tình hình của con?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Tôi đồng ý là khi học phổ thông nên ở homestay. Các homestay tại New Zealand được nhà trường lựa chọn kỹ càng. Trong đó, đặc biệt kiểm tra về điều kiện cơ sở vật chất, phòng ở và nhân cách, tính cách của gia chủ.

    Khi chọn nhà ở, phụ huynh và học sinh sẽ điền những thông tin về mong muốn về gia chủ, trường sẽ cố gắng khớp mong muốn của bạn với gia chủ phù hợp nhất (thường đáp ứng khoảng 70-80% yêu cầu của học sinh). Sau đó, trường sẽ gửi thông tin về gia chủ và nhà ở cho phụ huynh, học sinh.

    Phụ huynh và học sinh được khuyến khích gửi email hoặc gọi điện cho gia chủ trước để làm quen và chuẩn bị tốt. Gia chủ thường cũng ra sân bay đón học sinh và đưa về nhà, hướng dẫn học sinh từ A đến Z những việc: Làm quen với khu vực, đi lại, ngân hàng, siêu thị... và đưa học sinh đến trường trong ngày đầu tiên nhập học.

    Gia chủ homestay sẽ giúp phụ huynh quản lý học sinh trong suốt quá trình ở cùng với gia chủ, báo cho nhà trường, công ty tư vấn du học và gia đình khi học sinh có vấn đề; hỗ trợ học sinh xử lý các vấn đề xảy ra trong suốt quá trình ở cùng gia chủ.

    Tóm lại, homestay như gia đình thứ hai của học sinh mà ở đó, học sinh ăn, ở, học tập, sinh hoạt, tham gia các hoạt động như một thành viên của gia đình. Chi phí homestay thường khoảng 350-400 NZD/tuần và trả theo tháng hoặc kỳ tùy quy định của trường.

    Du hoc New Zealand anh 20

  • Bạn Phạm Lê Ngọc Vân hỏi:

    Trong trường hợp con tôi ở nhà của người dân bản địa, làm cách nào để tôi biết được đó là địa chỉ an toàn cho con mình lưu trú?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Trường học có bộ phận chăm sóc học sinh quốc tế, bộ phận này cũng liên lạc với host để kiểm tra (thường mỗi tháng một lần) thường xuyên để đảm bảo chất lượng môi trường sống cho học sinh.

    Chỉ những homestay đạt chuẩn chất lượng, trường học mới giới thiệu cho phụ huynh gửi gắm con em ở cùng. Do đó, phụ huynh nên thông qua nhà trường để đảm bảo địa chỉ nhà homestay an toàn cho con lưu trú. 

  • Bạn Hoa Minh Lê hỏi:

    Trong quá trình học tập của con, nếu muốn sang New Zealand thăm con, tôi có được Chính phủ hoặc nhà trường hỗ trợ về nơi ở hoặc chi phí thuê nhà ở, khách sạn cho người thân không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Bạn hoàn toàn có thể sang thăm con, song các chi phí đều sẽ do bạn tự chi trả. Hầu như không có Chính phủ nào hỗ trợ phụ huynh học sinh các chi phí như bạn mong muốn, khi mục đích thăm con xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Bạn có thể tạm hình dung các chi phí cần cho một chuyến thăm con gồm: Vé máy bay 2 chiều (2.000-3.000 NZD), khách sạn (100-300 NZD/đêm) và các chi phí khác.

  • Bạn Ngân Bích hỏi:

    Các trường trung học ở New Zealand có thế mạnh đào tạo khối ngành nào, thưa chị Ngọc Vân?

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Về chương trình học, các trường trung học ở New Zealand sẽ giảng dạy chương trình chuẩn quốc gia (NCEA). Một số trường giảng dạy thêm chương trình Cambridge hoặc IB.

    Ngoài ra, một số trường sẽ có thế mạnh, đào sâu phát triển các lĩnh vực trọng tâm như văn hóa - nghệ thuật, các chương trình STEM, chương trình giúp xây dựng nghị lực, kỹ năng sống, chương trình hướng tới phát triển công dân toàn cầu. 

    Bạn có thể vào trang danh sách trường của học bổng NZSS để tìm hiểu thêm đặc điểm nổi bật từng trường tại đây

    Du hoc New Zealand anh 21

  • Bạn Trần Linh Chi hỏi:

    Em muốn hỏi chương trình học cấp 3 ở New Zealand có gì khác so với Việt Nam?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Chương trình học cấp 3 tại New Zealand có hơi khác so với ở Việt Nam.

    Ví dụ, cấu trúc ở Việt Nam là 9-12, ở New Zealand là lớp 9-13. Trong đó, 9-10 là lớp Junior, lớp 11-13 là Senior. 

    Học cấp 3 ở New Zealand theo dạng tích lũy tín chỉ, các em được chọn môn học bắt buộc và môn tự chọn. 

    Khi bắt đầu lớp 11, học sinh đã có định hướng nghề nghiệp để chọn tín chỉ phù hợp. 

    Các bạn ở New Zealand cũng có những môn chính bắt buộc: Văn - Toán - Khoa học xã hội - Khoa học tự nhiên. 

    Ngoài ra, các bạn sẽ được học những môn khác mà chương trình Việt Nam không có như Công nghệ thực phẩm, Xác suất thống kê, Kinh doanh, Truyền thông số, tự chọn ngoại ngữ (Trung Quốc, Nhật, Tây Ban Nha, Đức...)

  • Bạn Hoang Thuy hỏi:

    Nếu tôi ở xa thì họp phụ huynh như thế nào?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    New Zealand cũng có họp phụ huynh như ở Việt Nam.

    Nếu phụ huynh ở xa, bộ phận chuyên trách học sinh quốc tế sẽ liên lạc để họp mặt trực tuyến quá Google meet, Skype, đảm bảo phụ huynh ở nhà vẫn theo dõi được con em học tập sát sao.

  • Bạn Hải Sơn hỏi:

    Giữa homestay và ký túc xá thì hình thức nào sẽ tiết kiệm chi phí hơn?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Phí homestay rẻ hơn ký túc xá. Phụ huynh cần 15.000-17.000 NZD/năm cho con ở homestay, trong khi cần từ 22.000-25.000 NZD/năm cho con ở ký túc xá.

  • Bạn Ngoc Tran Le hỏi:

    Cho con đi học xa, tôi thấy khó lo lắng do không có ba mẹ ở bên bảo ban. Sợ con ham chơi lại học tập không tập trung được. Làm sao mình vẫn có thể theo sát được quá trình học tập cũng như kết quả học tập của con trong từng học kỳ?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Ở New Zealand, những trường có học sinh quốc tế đều có quy chuẩn hỗ trợ học sinh quốc tế về học thuật, cuộc sống sinh hoạt của học sinh. 

    Do đó, các trường sẽ có bộ phận chuyên quản lý học sinh quốc tế để liên lạc với phụ huynh ở nước nhà, hoặc liên hệ với nhà host để đảm bảo học sinh thường xuyên đến lớp. 

    Trường cũng có trang website để phụ huynh theo dõi kết quả học tập của học sinh từ xa.

  • Bạn Nguyễn Thị Phượng hỏi:

    Theo tôi biết, học bổng ENZ có giá trị khoảng 50% học phí, gia đình tôi không quá mạnh về tài chính. Nhờ cô tư vấn khu vực có sinh hoạt phí phù hợp.

    Chị Bành Phạm Ngọc Vân

    Chị có thể cân nhắc các khu vực như Canterbury, Otago, Waikato, Manawatu... Các khu vực này cũng có nhiều người Việt sinh sống, chi phí sinh hoạt hợp lý hơn. 

    Du hoc New Zealand anh 22

  • Bạn Tuấn Anh hỏi:

    Trường hợp con tôi đạt học bổng, Chính phủ New Zealand có chính sách hỗ trợ gì cho cha mẹ hoặc người giám hộ không?

    Chị Lù Thị Hồng Nhâm

    Về cơ bản, Chính phủ không hỗ trợ vì học bổng tập trung dành cho du học sinh. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đến New Zealand với tư cách người giám hộ cho con, phụ huynh có thể đi làm bán thời gian trong khi con đang đi học. Visa giám hộ được Cục Di trú New Zealand xét công bằng và hỗ trợ.

  • Bạn Hoàng Võ hỏi:

    Học phí 1 năm của các trường trung học ở Auckland khoảng bao nhiêu? Nếu muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường có phải chi trả thêm chi phí không?

    Chị Võ Thị Mỹ Dung

    Học phí và chi phí tham gia hoạt động ngoại khóa có thể khác nhau từng trường và tùy hoạt động cụ thể.

    Trường công 13.000 -14.000 NZD, trường tư đắt hơn nhiều và tùy thuộc vào hoạt động ngoại khóa. Ví dụ, có trường đóng 2.000 NZD bao gồm hết mọi hoạt động, hoặc có trường khác chỉ cần đóng chi phí phát sinh với từng hoạt động mà học sinh tham gia.

Giang Cơ Thụy

Bạn có thể quan tâm