Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện hy hữu trong vụ án tiến sĩ dạy làm giàu

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, nhiều lần bị trả hồ sơ và đặc biệt có người bị xác định là bị hại, nhưng không thừa nhận chuyện mình bị lừa.

Ngày 24/5, TAND TP Hà Nội thêm một lần tuyên phạt ông Phạm Thanh Hải (SN 1966), chủ trang mạng "hoclamgiau", nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm, nhiều lần bị trả hồ sơ và đặc biệt có người bị xác định là bị hại, nhưng không thừa nhận chuyện mình bị lừa.

Thời điểm tháng 5/2018, với cáo buộc lừa 508 bị hại số tiền hơn 400 tỷ đồng, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải án tù chung thân.

Tại phiên tòa đó, nhiều người được triệu tập đến tòa với tư cách người bị hại đã không nhận họ là bị hại và cho rằng bị cáo Hải không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Và trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa, dưới cái nắng chói chang của mùa hè, người ta thấy hình ảnh nhiều người cao tuổi ngồi ở vỉa hè ngoài cổng tòa, ôm những tấm biển ghi dòng chữ: "Doanh nhân Phạm Thanh Hải không lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chúng tôi"; "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự"; "Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho doanh nhân Phạm Thanh Hải"...

Những hình ảnh trên được lặp lại ở phiên tòa diễn ra hồi tháng 4 vừa rồi.

Tien si day lam giau anh 1

Phiên tòa xét xử vụ tiến sĩ dạy học làm giàu. Ảnh: CTV.

Thời điểm tháng 5/2018, cáo buộc cho rằng có nhiều người bị hại từng từ chối làm việc, không hợp tác với cơ quan điều tra (CQĐT), có đơn đề nghị cho ông Hải được tại ngoại...

Tuy nhiên, sau đó họ đã đến CQĐT trình báo và khai: Trong quá trình ông Hải bị tạm giam, họ được vợ của bị cáo và những cá nhân tự xưng là đại diện nhà đầu tư đề nghị ký tên vào đơn đề nghị, hứa hẹn ông Hải tại ngoại sẽ được trả tiền, sau đó kích động, lôi kéo họ và nhiều người khác đến tụ tập tại các trụ sở cơ quan Nhà nước...

Tuy nhiên, sau khi biết được bản chất sự việc, họ đã đến CQĐT khai báo toàn bộ sự việc, đề nghị làm rõ và xử lý ông Hải theo quy định của pháp luật.

Đến tháng 5/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Hải ra xét xử phúc thẩm. Khi đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, nhằm làm rõ số người bị hại, số tiền thiệt hại và người liên quan…

Cáo buộc lần này xác định năm 2008, ông Hải tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang “học làm giàu”, tự giới thiệu là tiến sĩ, có tài đầu tư, kinh doanh. Còn Công ty IDT triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây macca nhằm thu hút nhà đầu tư.

Để chứng minh tính khả thi các dự án, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Đồng thời, nhà đầu tư được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối 2-10%/hợp đồng.

Trong gần một năm (10/2014-10/2015), bị cáo đã huy động hơn 2.725 tỷ đồng. Số tiền thu được, ông Hải không quản lý thu, chi theo sổ sách. Đến khi các khoản tiền gốc, lãi, chi phí “phình lên”, bị cáo mất khả năng thanh toán.

Quá trình kêu gọi đầu tư, ông Hải nhận thức được các dự án chưa thể phát sinh lãi suất nhưng do phải trả tiền gốc, lãi đến hạn quá lớn nên buộc phải huy động để lấy tiền người sau trả cho người trước.

CQĐT đã ghi lời khai của 574 bị hại, trong đó có 294 người yêu cầu bồi thường. Có nhiều trường hợp từ chối đến làm việc, hoặc có người đã mất, chuyển nơi công tác… Cơ quan tố tụng xác định số tiền Hải chiếm đoạt là hơn 576 tỷ đồng.

Với 2.000 cá nhân chưa đến cơ quan làm việc, công an tách tài liệu để làm rõ sau.

Phiên tòa lần này, bị cáo Hải tiếp tục khẳng định không lừa đảo, chỉ muốn lan tỏa ước mơ và những bài học kinh doanh. Các dự án mình đầu tư, theo bị cáo đều có khả năng sinh lãi nhiều tỉ USD.

Theo đánh giá của đại diện VKS, hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo chưa thực sự thành khẩn. Kết quả điều tra xác định ông Hải dùng 99 tỷ đồng góp vào 9 dự án nhưng hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như quảng cáo.

Bản án sơ thẩm lần này cho rằng trong số 574 bị hại được CQĐT xác định danh tính, có 31 người không yêu cầu bị cáo bồi thường dân sự. Do đó, HĐXX tuyên ông Phạm Thanh Hải phải khắc phục dân sự cho 543 người với số tiền tổng cộng hơn 572 tỷ đồng.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

https://vietnamnet.vn/chuyen-hi-huu-trong-vu-an-tien-si-day-lam-giau-2138410.html

T.Nhung/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm