Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa. Ảnh: H.V. |
Chiều 25/4, TAND TP Hà Nội khép lại phiên xử bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế - IDT) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài bản án chung thân, Hải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại tổng số tiền 572 tỷ đồng.
“Vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Hành vi của bị cáo Hải đã đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế, gây hoang mang, bất bình cho dư luận”. HĐXX nhận định.
Bị cáo là người có nhận thức, nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối về các dự án thực tế chưa đi vào hoạt động để kêu gọi góp vốn kinh doanh, đầu tư. Do tin tưởng thông tin Hải đưa ra, các bị hại đã đưa cho bị cáo tổng cộng hơn 2.725 tỷ đồng. Trong số đó, Hải chỉ dùng một phần nhỏ để đầu tư và đến nay vẫn chưa sinh lời. HĐXX xác định phần lớn số tiền huy động được Hải sử dụng để trả lãi hợp đồng, cho vay, chi tiêu và gửi ngân hàng.
Trong số 574 bị hại, 31 người không yêu cầu bị cáo bồi thường, do đó Hải chỉ phải khắc phục hậu quả cho 543 người với số tiền hơn 572 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, năm 2007, ông Hải thành lập Công ty IDT hoạt động kinh doanh nhưng không có hiệu quả. Từ năm 2008, do cần tiền, Hải bắt đầu huy động vốn cho cá nhân ông ta thông qua các hoạt động núp danh nghĩa IDT.
Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh, có tài đầu tư, kinh doanh. Hải lập trang web “hoclamgiau.vn”, bắt đầu tổ chức các hội thảo. Hải đưa thông tin gian đối Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây Macca.
Thành phần hội đồng xét xử. Ảnh: H.V. |
Để chứng minh tính khả thi của các dự án cũng như để thu hút nhiều người góp vốn, Hải dùng thủ đoạn đưa ra các hợp đồng với lãi suất huy động cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Hải khuyến khích nhà đầu tư mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi 2-10% tiền thưởng kết nối.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015, Hải huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ từ 2.574 nhà đầu tư. Khi có tiền, Hải sử dụng vào mục đích cá nhân chủ yếu là cho vay cá nhân, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí cho các cuộc hội thảo… để tiếp tục huy động vốn. Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án, còn lại chi tiêu cá nhân.
Cụ thể, Hải sử dụng như sau: tiền chi lãi hợp đồng hơn 1.198 tỷ đồng; chi thưởng hơn 40 tỷ đồng; chi phí hội thảo, văn phòng, du lịch hơn 55 tỷ đồng; cho vay cá nhân hơn 38 tỷ đồng. Bị cáo chỉ đầu tư khoảng 99 tỷ đồng vào các dự án của 9 công ty nhưng đều hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như quảng cáo.
Căn cứ tài liệu thu thập được, nhà chức trách xác định Hải đã chiếm đoạt 576 tỷ đồng của 574 bị hại. Hải không còn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư này.
Trước đó, Hải từng bị tuyên án tù chung thân trong phiên sơ thẩm diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Nhưng đến phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số bị hại. Tại phiên xét xử lần thứ hai, số bị hại được xác định tăng từ 508 người lên 574 người.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…