Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chuyển ngành, bỏ việc lương cao sau nhiều năm đi làm

Nhận ra công việc đang làm không còn phù hợp và muốn thử sức lĩnh vực mới, nhiều nhân viên văn phòng chấp nhận bỏ ngang vị trí ổn định để làm lại từ đầu.

nguoi tre nhay viec anh 1

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Khách sạn, Ngọc Thúy (28 tuổi, Hà Nội) làm việc trong ngành này suốt 5 năm và thêm 2 năm ở vị trí nhân viên bán hàng khi dịch bùng phát.

Thế nhưng, công việc áp lực ngày càng vượt quá sức chịu đựng của Thúy, chính sách đãi ngộ từ công ty cũng không tốt. Trong khi đó, được làm việc trong ngành truyền thông vẫn luôn là mơ ước từ lâu của cô.

“28 tuổi, tôi xin nghỉ việc để làm lại từ đầu, tìm kiếm cơ hội khác, ở lĩnh vực khác. Với với bản thân tôi, đổi nghề là một quyết định liều lĩnh, nhất là khi mọi thứ đang ổn định. Dù vậy, tôi thấy mình vẫn còn đủ trẻ, đủ máu liều để thử sức, phải sống vui mới được”, Ngọc Thúy nói với Zing.

Không riêng Ngọc Thúy, nhiều người trẻ cũng muốn thử thách bản thân khi quyết định nhảy việc, chuyển sang nghề mới sau nhiều năm ổn định với một lĩnh vực chuyên môn.

Dù lo lắng khi bước vào môi trường mới, phải học hỏi những kỹ năng trước đây chưa từng tiếp xúc, tất cả đều hào hứng khi được làm thứ mình thích và tiến gần hơn đến mục tiêu cá nhân.

Bỏ việc ổn định, lương cao

Khi nghỉ việc, Thúy may mắn có được sự ủng hộ, thấu hiểu của gia đình và những người thân thiết.

Thế nhưng, hành trình mới của cô nàng 28 tuổi không hề đơn giản. Khi mới nghỉ, cô rải CV khắp nơi tìm cơ hội. Suốt nhiều tháng, cô khủng hoảng khi mọi email gửi đi không nhận được phản hồi.

Thúy biết nguyên nhân là hồ sơ của mình không hề có kinh nghiệm trong mảng truyền thông. Mọi công việc cô làm trước đó đều không liên quan tới ngành mới.

nguoi tre nhay viec anh 2

Ngọc Thúy chuyển sang ngành truyền thông sau thời gian dài làm trong ngành khách sạn. Ảnh: NVCC.

“May mắn là cuối cùng tôi cũng nhận được lời mời phỏng vấn. Hồi hộp, lo lắng, nhưng tôi tự nhủ phải thể hiện được hết những ưu điểm của bản thân và tinh thần cầu thị. Để gây ấn tượng, tôi chia sẻ về kênh video bản thân tự xây dựng, một trang cá nhân trau chuốt và những đức tính, yếu tố tôi có để đáp ứng các yêu cầu trong JD (mô tả công việc) của công ty”, cô kể.

Một ngày giữa tháng 6, Thúy hạnh phúc khi nhận tin đã trúng tuyển. Mức lương thử việc 6,5 triệu đồng được đề nghị không thể so với thu nhập 8 con số của công việc cũ nhưng cô rất hài lòng, nó cũng phù hợp với năng lực hiện tại của cô.

“Nếu bây giờ tiếp tục công việc cũ trong ngành khách sạn, có lẽ tôi cũng đủ điều kiện lên chức quản lý. Tuy nhiên, tôi đặt niềm tin vào bản thân khi quyết định chọn con đường này, dù phía trước chắc chắn có nhiều khó khăn đang chờ”, Thúy nói.

Bên cạnh đó, cô cũng biết so với những bạn trẻ đã làm nghề này từ khi mới ra trường, cô chỉ là một người nhảy ngang.

"Có thể kiến thức, kinh nghiệm ở mảng này của tôi chỉ bằng 1 bạn vừa tốt nghiệp. Tôi chấp nhận mình phải đi học và đào tạo từ đầu. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần mình lớn hơn đồng nghiệp vài tuổi, sếp có khi cũng nhỏ hơn mình", Thúy thẳng thắn.

Cách đây ít tháng, Cúc Phương (26 tuổi) nghỉ làm sale ở công ty sau 2 năm gắn bó. Từ bỏ mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng ở công ty cũ, cô chấp nhận làm marketing ở công ty thời trang hiện tại với lương cứng 3 triệu đồng cộng hoa hồng theo doanh số.

Trước đây, Phương học chuyên ngành Công nghệ May và có hơn một năm làm nhân viên phòng kỹ thuật cho công ty may mặc.

nguoi tre nhay viec anh 3

Cúc Phương mong muốn học hỏi, trải nghiệm để thực hiện mục tiêu tự kinh doanh. Ảnh: NVCC.

“Công việc marketing hiện tại đòi hỏi những kỹ năng khác xa những gì tôi từng học. Tuy nhiên, là một người cầu thị và thích thử thách bản thân ở những cái mới, tôi không ngại thay đổi. Tôi chấp nhận nhảy việc với mục đích lớn nhất là tích lũy kinh nghiệm, có thêm trải nghiệm để sau này có thể tự kinh doanh riêng”, cô nói.

Trước đây, Cúc Phương từng tập tành bán quần áo trên các sàn thương mại điện tử, chơi chứng khoán. Tuy nhiên, cô nhận ra mình vẫn còn cần học hỏi thêm rất nhiều thứ.

Áp lực nặng nhất của Phương trong thời gian đầu chuyển việc chính là chuyện tiền bạc. Ở nơi mới, cô sợ ban đầu chưa quen việc sẽ không kiếm đủ tiền để chi tiêu cá nhân.

“Đây gần như là lần 'vào đời' lại từ đầu với tôi. Ở công việc trước, mọi thứ rất tự nhiên, ra trường, tìm việc, làm quen. Khi đó, mọi thứ còn mới, tôi không nghĩ gì nhiều. Nhưng ở lần thứ hai này, tôi đã xác định mình muốn làm gì, coi như 'đập bỏ' đi các kinh nghiệm, định kiến trong đầu để học hỏi lại", Phương nói.

Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng nhảy việc thường xuyên hay quyết định đổi nghề sau nhiều năm ổn định là lựa chọn tốt cho cuộc sống và sự nghiệp của mỗi người. Dám thay đổi công việc giúp tăng cơ hội phát triển kỹ năng và có mức lương cao hơn.

Theo thống kê từ Fast Company, những người "dậm chân tại chỗ" lâu hơn 2 năm được trả mức lương thấp hơn 50%. Trong khi đó, những người thích nghi với sự thay đổi được cho có cơ hội học tập cao hơn, hiệu suất tốt hơn và thậm chí trung thành hơn.

Patty McCord, cựu giám đốc của Netflix, nói rằng thay đổi công việc là một điều tốt và những người trẻ nên lập kế hoạch thay đổi công việc khoảng 3-4 năm một lần.

Penelope Trunk, doanh nhân và tác giả cuốn The New Rules for Success, cho rằng cuộc sống thực sự “ổn định hơn” với những người thay đổi thường xuyên. Theo Trunk, nếu không có sự thay đổi khoảng 3 năm một lần có nghĩa bạn không phát triển kỹ năng, và không có bất kỳ sự ổn định nào.

"Sự thay đổi ở đây không có nghĩa là bạn phải nhảy công ty liên tục, mà còn là bạn nhận thêm việc, thay đổi mảng đang làm, đào tạo thêm nhân viên mới, hoặc có một người sếp mới", bà cho biết.

Hài lòng khi dám thay đổi

So với công việc thư ký phòng kinh doanh cho một công ty xuất nhập khẩu hiện tại, xuất phát điểm của Kiều Mai (26 tuổi, Hà Nội) có thể nói trái ngược hoàn toàn khi tốt nghiệp với tấm bằng về báo chí.

Nửa năm đầu sau khi tốt nghiệp, cô công tác trong một tòa soạn. Tuy nhiên, ngoài mức lương không mấy cạnh tranh và môi trường gò bó, cô sớm nhận ra đây có lẽ không phải công việc mình thực sự yêu thích.

Năm 2019, khi đang loay hoay, cơ hội đến với Kiều Mai khi một người chị quen biết chia sẻ về vị trí tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP.HCM. Công ty sẽ hỗ trợ đào tạo từ đầu, kể cả với người tay ngang, không hề có kinh nghiệm. Sau một hồi đắn đo, Mai quyết định thử sức.

“Thời gian đầu, mọi thứ như một chân trời mới, tôi đúng nghĩa là ‘làm lại từ con số 0’. Tôi học từ những cái nhỏ nhất, có thể đơn giản với các bạn sinh viên chuyên ngành như các hình thức thanh toán, quy trình mua bán, khai quan, học cả cách làm hợp đồng. Kiến thức duy nhất tôi sử dụng được từ đại học có lẽ là tiếng Anh”, Mai kể.

nguoi tre nhay viec anh 4

Ngày càng nhiều người trẻ sẵn sàng đổi việc để tìm được nơi phù hợp với giá trị của bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thời gian đầu, có nhiều lúc Mai chán nản. Cô thường tự hỏi: “Mình chuyển nghề là đúng hay sai?”.

Ngoài người chị quen biết, cô chỉ có 1-2 người bạn ở TP.HCM, nhưng cũng sống khác quận nên chẳng mấy khi gặp mặt. Đồ ăn, thời tiết cũng không hợp khiến cô sụt hơn 5 kg.

“Sau tất cả, từ tháng 9/2020, tôi gắn bó với công ty hiện tại và gần như hài lòng về mọi thứ ở đây, từ môi trường, đồng nghiệp đến công việc, khả năng phát triển bản thân. Giờ nghĩ lại, tôi không hối hận khi quyết định chuyển nghề và cảm thấy hợp với công việc này hơn. Tôi cảm thấy may mắn khi bản thân nhận ra, dũng cảm thay đổi sớm để tìm được hướng đi đúng cho mình”, Mai nói.

Thời kỳ đại dịch, ngày càng nhiều người lao động như Kiều Mai buộc phải thay đổi công việc để thích nghi. Họ có xu hướng cân nhắc đến nhu cầu cá nhân, mong muốn tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống lẫn công việc.

Khủng hoảng vì đại dịch như một cú hích khiến nhiều người mạnh mẽ hơn khi quyết định bỏ công việc căng thẳng, tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn với đam mê.

Theo Forbes, ngày càng nhiều nhân viên từ chối hy sinh cuộc sống cân bằng lành mạnh để đáp ứng nhu cầu của công ty. Không có gì ngạc nhiên khi họ sẵn sàng lựa chọn để tìm nơi phù hợp với giá trị của bản thân.

Trong cuộc khảo sát "Microsoft's Work Trend Index" với 30.000 người lao động ở 31 quốc gia vào tháng 12/2021, có hơn 40% trong đó cho biết cân nhắc rời bỏ công việc đang làm.

Theo báo cáo của Prudential, trong số 26% người dự định chuyển việc vì đại dịch, có 80% cho biết họ làm vậy vì lo lắng về thăng tiến trong sự nghiệp.

Cuộc khảo sát của Robert Half cũng xác nhận rằng 38% người lao động nói rằng họ cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhiều người nói rằng dù làm việc chăm chỉ, họ không có được cơ hội thăng tiến ở công việc hiện tại.

Một cuộc khảo sát của trang nghề nghiệp Joblist tiết lộ rằng hơn 30% người lao động cho biết họ sẽ bỏ một phần lương để cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, trong đó các bậc cha mẹ sẵn sàng cắt giảm 5% lương.

Theo trang web Thebalancecareers, người lao động nên xây dựng sẵn kế hoạch tìm cơ hội mới ở ngành nghề yêu thích sau khi quyết định rời bỏ công việc cũ đã gắn bó trong thời gian dài.

Ngoài cân nhắc đam mê của bản thân, đừng bỏ qua yếu tố lương thưởng và hoàn cảnh sống hiện tại để có lựa chọn phù hợp nhất.

- Xác định kỹ năng hiện tại: Liệt kê tất cả kỹ năng, khả năng của bạn và mường tượng xem có thể áp dụng chúng cho công việc mới như thế nào. Ví dụ, nếu từng làm việc trong lĩnh vực truyền hình nhưng muốn chuyển sang lĩnh vực nhân sự thì các kỹ năng giao tiếp cá nhân, khả năng giải quyết, phán đoán vấn đề hay quản lý phong thái sẽ có ích.

- Xác định kỹ năng cần có: Tham khảo mô tả công việc cho vị trí bạn muốn ở các tin tuyển dụng để xem yêu cầu là gì. Bạn có thể cần tham gia một lớp học hoặc lấy bằng cấp; chấp nhận bắt đầu với một vị trí, mức lương thấp hơn công việc cũ; hoặc trước tiên để thêm kinh nghiệm, làm đẹp CV, bạn có thể cân nhắc những vị trí tình nguyện cho phép bạn học hỏi những kỹ năng mới.

Nhiều Gen Z ảo tưởng, đòi hỏi quá cao khi đi làm

Nhiều công ty đánh giá nhân sự thế hệ mới chưa thực tế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các bạn trẻ cho rằng họ phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống nên đôi khi làm khó nhà tuyển dụng.

Ánh Hoàng - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm