Hai trong ba ngày lễ này, Nhã Vy (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đều ngồi ở quán cà phê từ sáng đến chiều với chiếc laptop.
Từ nay đến Tết Âm lịch, nhóm của Vy còn 4-5 dự án cần phải chạy. Công việc và deadline dồn dập không cho phép cô nghỉ xả hơi trong thời gian này.
"Tôi chỉ dành tối 31 để đi đón giao thừa cùng bạn bè ở phố đi bộ. Còn những ngày khác đều làm việc, ngày thì làm ở nhà, hôm thì ra cà phê ngồi cùng đồng nghiệp", nữ nhân viên văn phòng nói với Zing.
Từ khi ra trường, gắn bó với ngành truyền thông tới nay, Vy cũng đã quen với chuyện làm việc xuyên lễ. Kể cả Tết Âm lịch, dù về quê hay đi du lịch, cô đều phải mang theo laptop phòng khi có việc đột xuất.
"Tôi cũng quen dần với những tin nhắn, cuộc gọi của sếp, đồng nghiệp vào cuối tuần, ngày nghỉ. Tôi chấp nhận đó là một phần của ngành nghề, của giai đoạn này", Vy chia sẻ.
Giống với Vy, nhiều người trẻ khác cũng dành 2-3 ngày nghỉ trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch để sắp xếp, hoàn thành các công việc còn dang dở. Với nhiều ngành nghề, giai đoạn này còn là mùa cao điểm chạy deadline, nên không tránh được việc mang việc về nhà, "cày cuốc" xuyên lễ.
Chạy deadline ở quán cà phê
Trong những ngày đầu năm mới, các quán cà phê làm việc, mở cửa 24h trên đường Pasteur, Lý Tự Trọng (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3), Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) luôn đông khách, đặc biệt vào buổi tối.
Bên cạnh những nhóm bạn bè, gia đình ngồi tán gẫu, còn có rất nhiều người trẻ mang theo laptop, sổ sách đến để học bài, làm việc. Không khí chạy deadline thậm chí còn sôi động hơn ngày thường.
Chiều 2/1, nhóm của Võ Duyên (27 tuổi) phải chạy xe qua 3 quán cà phê ở quận Bình Thạnh mới tìm được nơi có đủ chỗ cho cả hội.
"Chúng tôi đi đông người và đều mang theo laptop làm việc nên cần chỗ rộng và có ổ điện đầy đủ một chút nên hơi khó tìm quán. Tôi khá bất ngờ khi dù là ngày lễ, nhiều quán cà phê cho sinh viên, dân freelancer vẫn rất đông đúc", Duyên cho hay.
Võ Duyên làm việc ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Gia Trí. |
Cuối cùng, nhóm bạn tìm được một quán khá rộng trên đường Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, vì đây không phải không gian chuyên phục vụ cho người làm việc nên khá ồn ào, mở nhạc lớn và cũng không thể ngồi quá lâu.
"Ngồi tầm hai tiếng thì chúng tôi quyết định ra về, cảm giác làm việc ở nhà còn hiệu quả hơn".
Trong khi đó, Hồng Đào (24 tuổi, quận Tân Bình), chuyên viên lập trình, cùng chiếc laptop đã có mặt tại quán cà phê từ lúc quán mới mở của vào buổi sáng nên không gặp tình trạng quá tải khách. Sau khi gọi đồ uống, cô mở máy tính và bắt đầu ca trực kéo dài 8 tiếng.
Đào cho biết nhiều dự án đang trong giai đoạn nước rút, cần hoàn thành trước Tết Nguyên đán nên cô đành trì hoãn kỳ nghỉ năm mới. Sợ làm việc ở nhà dễ bị phân tâm, nữ nhân viên văn phòng chọn địa điểm có không gian sáng sủa, đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh để xử lý các hạng mục còn dang dở.
“Cũng hơi buồn khi phải đi làm ngày đầu năm nhưng đây là đặc thù công việc nên tôi đã quen với điều này. Theo lịch OT (overtime: làm ngoài giờ), tôi sẽ hỗ trợ hết cả 3 ngày. Tuy bận rộn, tôi vẫn cố gắng dành chút thời gian sau giờ trực để gặp gỡ bạn bè. Còn du lịch và các kế hoạch cá nhân thì chắc dời đến Tết Âm lịch tính sau”, Đào chia sẻ.
Hồng Đào đến quán cà phê làm việc trong kỳ nghỉ năm mới. |
Tương tự, Trúc Quyên (28 tuổi), làm việc trong ngành FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), cũng tranh thủ ngày nghỉ Tết Dương lịch để hoàn thành những hạng mục quan trọng. Cô mang theo 2 máy tính cá nhân đến quán cà phê “ruột”: laptop chính để xử lý nhiệm vụ trên công ty, cái còn lại thì giải quyết công việc tự do.
Quyên cho hay đặc thù của ngành FMCG sẽ bận rộn vào giáp Tết. Thời điểm cuối năm Âm lịch, khối lượng đầu việc dồn cho cô tăng 30-50%.
“Tôi phân chia mục nào cần làm gấp thì làm trong hôm nay, về nhà vẫn theo dõi, kiểm soát các quy trình. Tôi mới chuyển qua lĩnh vực này trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chạy đua với deadline xuyên Tết. May mắn là tối 31/12, tôi vẫn có chút thời gian để họp mặt bạn bè và cùng countdown”, Quyên nói.
Cô dự định xử lý hết những việc cần thiết trong 2 ngày nghỉ đầu, dành hôm còn lại để xả hơi trước khi quay lại văn phòng.
Trúc Quyên mang laptop đến quán cà phê hoàn thành công việc. |
Khung giờ đông đúc
Đặng Tường, nhân viên của tiệm cà phê Hoff Coffee Brewers (trên đường Lý Tự Trọng, quận 1), cho biết quán đã đón nhiều lượt khách từ sáng sớm. Tuy nhiên, số lượng giảm so với ngày bình thường vì mọi người tập trung đi chơi lễ ở những địa điểm nổi tiếng.
Đặc biệt, trong mùa lễ hội, quán tung ra các món mix với rượu whiskey để chào đón Giáng sinh và năm mới 2023. Địa điểm này có 3 không gian chính, tuy nhiên khách làm việc tập trung ở tầng trệt, nơi có 2 dãy bàn lớn.
“Để tạo không gian thoải mái, chúng tôi thường mở nhạc jazz nhẹ nhàng. Có lẽ vì thế mà đa số khách đến đây đều là người trẻ và dân văn phòng, freelancer. Quán không phụ thu trong ngày lễ, vẫn duy trì giá cả như hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi không mở cửa xuyên Tết Âm lịch, chỉ hoạt động đến 19/1”, Tường nói.
Các quán cà phê làm việc khá đông đúc trong những ngày lễ. |
Minh Hiếu, quản lý của quán Là Việt (trên đường Hai Bà Trưng, quận 3), cũng ghi nhận xu hướng người trẻ chạy deadline xuyên Tết như những tiệm cà phê khác.
“Quán tôi trong ngày đầu năm vắng khách hơn bình thường. Do phần lớn mọi người đều đến đây để học và làm việc, những ngày trong tuần, giờ hành chính sẽ đông hơn. Khoảng 9h-11h là khung giờ khách đến tấp nập nhất”, Hiếu nói.
Nữ quản lý nói thêm để khách thoải mái khi sử dụng không gian, dịch vụ, quán cung cấp nhiều ổ điện, nước lọc miễn phí và chú trọng vào đồ uống.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.