Người xếp hàng bên ngoài một quán ăn đạt sao Michelin ở Bangkok. |
Ăn uống tại các quán ăn đường phố nổi tiếng ở Bangkok không phải là trải nghiệm dành cho người thiếu kiên nhẫn. Hàng dài du khách xếp hàng chờ đợi đã quay trở lại hậu đại dịch với xu hướng "du lịch trả thù", khi Thái Lan nới lỏng quy định nhập cảnh, theo The Straits Times.
Tại Jay Fai, quán ăn đạt sao Michelin ở gần Cung điện Hoàng gia Thái Lan, việc chờ đợi hàng giờ là điều bắt buộc nếu muốn thử món trứng tráng thịt cua nổi tiếng.
Thực khách thường phải chờ khoảng 2 tiếng đồng hồ để có bàn và đợi thêm một giờ nữa để đầu bếp Supinya Junsuta, người đã ngoài 70 tuổi và được biết đến nhiều hơn với biệt danh Jay Fai, chế biến từng món ăn.
"Tôi đến đó lúc 9h30 và đã có một hàng dài đứng đợi. Nhưng vì đồ ăn trông rất hấp dẫn, tôi vẫn muốn thử", Geoffrey Lee, 27 tuổi, du khách Singapore, cho biết. Anh đã đợi khoảng 7 giờ để dùng bữa tại quán ăn này.
Những người không muốn chờ đợi vẫn có một lựa chọn khác: Tìm đến Chonthicha Finkemeier, 42 tuổi, một người làm nghề "xếp hàng chuyên nghiệp".
Khi du khách trở lại, dịch vụ xếp hàng thuê cũng nở rộ ở Bangkok. Loại hình dịch vụ được cung cấp bởi các cá nhân và công ty chuyên dụng, ban đầu chỉ quen thuộc với người dân địa phương, nhưng giờ đây cũng trở nên phổ biến đối với khách du lịch.
Tính toán cẩn thận
Tháng 12, Thái Lan đạt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Mặc dù con số này không đáng kể so với 40 triệu lượt khách vào năm 2019, cột mốc này báo hiệu sự phục hồi ổn định của ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19.
Chonthicha làm công việc xếp hàng tại một số quán ăn nổi tiếng với khách du lịch. Nhưng các yêu cầu tìm chỗ ở Jay Fai phổ biến hơn cả.
Quán ăn Jay Fai nổi tiếng với khách du lịch. |
"Bạn phải hiểu cách hoạt động của dòng người xếp hàng, mất bao lâu để có chỗ ngồi", Chonthicha, người có công việc toàn thời gian là nhân viên hướng dẫn khách sạn, cho biết.
Cô giúp khách hàng, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, xếp hàng trước hàng tiếng đồng hồ, nhưng biết cách canh giờ rất chuẩn, sao cho luôn giành được bàn ngay trước giờ ăn mà khách yêu cầu. Mỗi lượt xếp hàng thuê, người phụ nữ này thu phí dịch vụ 700 baht (khoảng 20 USD).
"Tôi đếm số người đứng trước mình. Nếu đến quá sớm, tôi sẽ để người khác lên trước. Tôi phải tính toán cẩn thận, ví dụ nếu khách muốn ăn lúc 11h, tôi sẽ bắt đầu xếp hàng lúc 6-7h", Chonthicha cho biết.
Khách hàng của cô đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Brazil, Singapore và Philippines. Khi lần đầu tiên bắt đầu công việc này hồi tháng 8, cô có 5 khách thuê. Con số tăng lên hơn 30 vào tháng 12, mùa du lịch cao điểm của Thái Lan.
Không phải ai cũng thích
Ở khu phố đêm Khao San của Bangkok, cũng có khá nhiều người xếp hàng thuê. Những người này đa phần là phụ nữ lớn tuổi, đứng đợi bên ngoài các quán bar hoặc club nổi tiếng.
Pachsu Titarapas, 32 tuổi, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ xếp hàng thuê Book a Table, cho biết công ty anh hiện có khoảng 80 người xếp hàng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu gia tăng của du khách trong mùa cao điểm. Nhiều người trong số này là phụ nữ lớn tuổi.
"Lúc đầu, một số quán bar, club không thích người lớn tuổi xếp hàng bên ngoài. Nhưng sau khi truyền thông Thái Lan đăng câu chuyện về chúng tôi, những nơi này trở nên thu hút hơn. Bây giờ, họ rất vui khi có các dì ở đó", anh nói.
Pachsu bắt đầu kinh doanh vào năm 2020, nhưng phải đóng cửa do đại dịch. Công ty hoạt động trở lại vào tháng 6, khi Thái Lan dần mở cửa với du khách.
"Vào tháng 6, chúng tôi chỉ có khoảng 10-20 lượt khách vào mỗi cuối tuần. Nhưng hiện tại, chúng tôi nhận gần 100 lượt yêu cầu vào tối thứ 6 và thứ 7", anh nói.
Thực khách có thể phải chờ hàng tiếng đồng hồ để vào dùng bữa ở một quán ăn nổi tiếng tại Bangkok. |
Khái niệm xếp hàng thuê không quá mới ở Thái Lan và không chỉ phổ biến trong ngành du lịch. "Nhưng bây giờ nhiều du khách biết đến dịch vụ này hơn. Họ có thể dành thời gian ở nơi khác thay vì bị mắc kẹt trước quán ăn 2-3 giờ", Pachsu nói.
Pachsu cũng hợp tác với nhiều hàng quán nổi tiếng và tin rằng dịch vụ xếp hàng thuê giúp đôi bên, cả quán ăn và khách du lịch, cùng có lợi.
Nhưng không phải tất cả chủ nhà hàng đều nghĩ như vậy. Ông Pitak Termpaisit, 72 tuổi, chủ quán Here Hai nổi tiếng với món cơm chiên đầy ắp thịt cua, nói rằng thật không công bằng cho những khách hàng khác phải tự mình xếp hàng.
"Chúng tôi chỉ là một nhà hàng nhỏ và không thích khách hàng ỷ vào người xếp hàng thuê, rồi thường tới muộn. Nó ảnh hưởng tới những khách hàng khác", ông nói.
Chủ nhà hàng này chỉ thích mọi người xếp hàng theo "cách đơn giản".
Để tránh làm phiền các chủ quán ăn, Chonthicha liên tục nhắc nhở khách hàng của mình phải có mặt ít nhất 30 phút trước khung giờ đã thỏa thuận.
"Thời gian là cố định. Họ không thể đến muộn. Nhà hàng biết tôi làm gì, họ tôn trọng tôi và tôi cũng tôn trọng họ. Tôi không muốn gây rắc rối cho mọi người" cô nói.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.