Bao nhiều nghề không chọn…
Năm 1993, tốt nghiệp khoa Địa, ĐH Sư phạm Hà Nội, cô giáo trẻ Đặng Thị Bích Thảo về dạy tại trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội. Nhưng một lần chở cô ruột đến thăm người bạn, con đường của cô đã rẽ sang hướng khác khi đã xin thử sức ở trường tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm), một trường dạy trẻ khuyết tật.
Khi đến nhận lớp, dù đã được dọn đường tinh thần nhưng cô vẫn sốc. Sốc vì không ngờ học trò của mình lại là những đứa trẻ bị khuyết tật nặng nề đến thế. Ngày làm việc đầu tiên kết thúc trong cảm giác buồn.
Cô Đặng Thị Bích Thảo kiên trì, tận tụy với học trò. Ảnh: Tiền Phong. |
Tâm sự với thầy tổ trưởng là tiến sĩ tâm lý học Đinh Đoàn, cô nhận được lời động viên khích lệ. Điều thực sự khiến cô gắn bó với công việc này đến nay đó chính là một buổi tan học, đưa học sinh ra cổng, cô Thảo bắt gặp bà của học sinh Phạm Xuân Hưng. Bà đã đến nắm tay cô và nói: “Các cô trẻ thế đã dạy các cháu như thế này. Tôi rất biết ơn các cô, tôi như được sống lại lần nữa”.
Hỏi về hoàn cảnh của Hưng, cô mới biết, em sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Một lần, bố Hưng lấy thanh gỗ đánh mẹ em, cú ra đòn đó em hứng trọn vào đầu. Hôn mê 10 ngày, tỉnh lại, em hoàn toàn không còn khả năng nhận thức.
Bất hạnh hơn, sau lần đó, mẹ em bỏ đi biệt tích, bố đi bước nữa, Hưng ở với bà nội. Hoàn cảnh của nam sinh này đã giúp cô Thảo có thêm động lực để gắn bó với nghề, để có cơ hội giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh.
Trong khi đó, cô Lê Thị Chiến, nhóm lớp giáo dục đặc biệt, thành phố Hòa Bình, lại có lựa chọn từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô chọn Khoa Giáo dục đặc biệt của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ra trường, về thành phố Hòa Bình, cô thấy trẻ khuyết tật ở đây chỉ được đến trường khi còn độ tuổi mầm non, lớn hơn, các em gần như không được đến trường, nhất là những em khuyết tật trí tuệ.
Chính vì vậy, cô Chiến đã mở lớp để trao thêm cho các em khuyết tật cơ hội được sống, được hòa nhập với cộng đồng. Lớp học đầu tiên của cô có 5 học sinh đặc biệt. Các em gần bằng cả tuổi cô.
Tiến bộ của trò tính bằng thập kỷ
Ngày mới vào, không chỉ dạy mà việc vệ sinh cá nhân của học sinh, cô Thảo cũng phải lo từ A đến Z. Đến giờ, có em viết chữ đẹp không khác học sinh bình thường, đã có những kỹ năng cơ bản. Thậm chí có em đã giúp được bố mẹ việc nhà.
Ví dụ, ở trường chỉ được tiếp xúc và xử lý những trường hợp trẻ lên cơn động kinh. Lần đầu tiên thấy một học sinh lớn gần bằng mình động kinh, ban đầu cũng sợ, nhưng nhờ kỹ năng đã học nên đã xử lý được. Chuyện cô giáo bị học trò “tẩn” thường xuyên như cơm bữa. Nhưng dần dần, những khó khăn đó cũng qua đi.
Hiện ở lớp có một học sinh tự kỷ gắn bó với cô Chiến suốt từ năm 2007 đến nay. Lúc đầu mới đến, Nam (tên cậu bé) không nói, cô nói cũng không hiểu và có hành động bất thường. Có khi đang ngồi trong lớp, Nam khóc rất to hoặc làm đau các bạn.
Tuy nhiên, sau 8 năm gắn bó, giờ Nam không còn những hành vi bất thường. Em đã nói được và đặc biệt rất có năng khiếu âm nhạc, rất thích hát karaoke. Bài hát chỉ cần nghe một hai lần là Nam đánh đàn được. Chính vì vậy, cô Chiến cho biết, lớp có một đàn organ chỉ để phục vụ Nam.
“Mỗi lần nhìn thấy học sinh tiến bộ thật sự vui” – cô Chiến cười rơm rớm nước mắt. Là nhóm lớp tư thục, nhưng có bạn hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô Chiến cũng giảm học phí 50%.
Dạy trẻ khuyết tật cái khó nhất là những ngày đầu làm quen với trẻ. Nhiều trẻ không hợp tác hoặc hành hung cô giáo là chuyện bình thường. Thậm chí, cả lúc trẻ đã “thuần” thì những khi trái gió trở trời, cô giáo bỗng nhiên được lĩnh những cú đấm hay cái tát như trời giáng cũng không có gì lạ.
“Dạy trẻ khuyết tật, tiến bộ của các em không thể đo bằng ngày, tháng, năm mà bằng thập kỷ. Lớp hiện có 8 bạn gắn bó lưu niên với cô như Hoàng Giang, Minh Hiền. Các bạn đều học ở đây từ 8 năm đến trên 10 năm” – cô Thảo chia sẻ.
|