Ở nhiều nước trên thế giới, áp lực học phí là gánh nặng đối với sinh viên nghèo. Nhiều người phải làm thêm, vay tiền để trang trải chi phí trong 4 đến 7 năm đại học.
Tuy nhiên, công việc bán thời gian thường chiếm thời gian và thu nhập thấp. Vì thế, một số sinh viên tìm đến cách kiếm tiền nhanh và dễ dàng hơn như bán thân, bán thận.
Cha nuôi "sugar daddy" và những kẻ đào mỏ
Năm 2011, xu hướng sinh viên đổi tình ấy tiền bùng nổ ở các nước phương Tây với các trang web hẹn hò qua mạng như Seekingarrangement.com, Sugardaddie.com hay Sugardaddysing.com.
Trong đó, trang Seekingarrangement.com đông khách nhất với phương châm mai mối những “cuộc gặp gỡ hai bên cùng có lợi”. Khoảng 4,5 triệu người từ 139 nước đã đăng nhập vào trang này, theo Daily Mail.
Các nữ sinh phải "làm thêm" để có thể thanh toán học phí và chi phí sinh hoạt. Ảnh minh họa. |
Brandon Wade, người sáng lập Seekingarrangement.com, cho biết, năm 2014, khoảng 1,4 triệu sinh viên trên thế giới đăng ký làm "con nuôi" qua trang web của ông.
Để có tiền, các nữ sinh trẻ sẵn sàng hẹn hò và trở thành bạn tình của những người đàn ông nhiều tuổi. Mối quan hệ bất chính được che giấu dưới cái mác cha - con nuôi.
Năm 2013, gần 300 sinh viên Đại học New York, Mỹ, đăng ký làm con nuôi "sugar baby" qua trang Seekingarrangement.com. Ở Singapore, phần lớn trong số 700 người đăng ký là sinh viên ở độ tuổi 20.
Tháng 9/2015, trang web mở phiên bản Trung Quốc và nhanh chóng thu hút hơn 10.000 thành viên với số lượng nữ nhiều gấp đôi nam, hầu hết là nữ sinh nghèo.
Trong bảng xếp hạng 20 trường có nhiều sinh viên làm "sugar baby" nhất nước Anh, Đại học Westminter đứng thứ nhất, tiếp theo là Đại học Kent. Đại học Cambridge xếp thứ ba.
Trung bình, một nữ sinh sẽ nhận khoảng 3.000 USD/tháng và quà tặng từ "sugar daddy". Số tiền đó đủ cho họ trang trải học phí và các khoản chi tiêu thường ngày.
Sinh viên các trường ở thành phố New York, Mỹ, hay các nơi giá cả đắt đỏ sẽ yêu cầu mức phí bao nuôi cao hơn, khoảng 4.000 USD. Một số nữ sinh thậm chí đòi đối tác chu cấp đến 10.000 USD/tháng, CNN cho hay.
“Anh ta cho tôi 3.000 bảng (4.700 USD) mỗi tháng. Chúng tôi ăn tối ở những nơi sang trọng, rồi vui vẻ bên nhau", Mary, sinh viên Đại học Cambridge, nói.
Samantha Sharratt, một sinh viên 29 tuổi, cho hay, cô không lên giường với tất cả các đối tác. Người tình của cô khá đa dạng, từ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đến giám đốc. Họ ra tay rất hào phóng với phí sinh hoạt hơn 6.000 USD mỗi tháng cùng những món quà xa xỉ và những chuyến du lịch tốn kém.
Khi đã chấp nhận bán thân, hầu hết các sinh viên, bao gồm cả nam lẫn nữ, không còn phải lo lắng về học phí, chi phí sinh hoạt hay các khoản nợ sau tốt nghiệp.
Seekingarrangement.com trở thành nơi trao đổi tình - tiền toàn cầu với khách hàng chủ yếu là người Mỹ, châu Âu, Australia, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.
Tình trạng đổi tình lấy tiền trong sinh viên phổ biến đến mức gần như đã hình thành quy luật: Học phí đại học càng cao, số lượng sinh viên tìm cha nuôi càng nhiều.
Bán thận, con đường khác để chi trả học phí
Hiện tượng sinh viên bán thận để trả học phí không còn xa lạ trên thế giới. Đây là giải pháp tiêu cực nhưng với nhiều người, nó là cách duy nhất để hoàn thành giấc mơ đại học.
Nhiều sinh viên bán thận để đóng học phí dưới các mác "hiến thận". |
Năm 2013, 5 sinh viên khoa Khoa học Xã hội và Chính trị, Đại học Brawijaya ở thành phố Malang, Indonesia, phải rao bán thận để đóng khoản học phí 167 USD, sau khi nhà trường bác bỏ đơn xin lùi ngày đóng học phí của họ.
Megawati và Devi Pratiwi là 2 trong số 5 sinh viên này.
Megawati cho biết, cô đã bán điện thoại và máy tính nhằm đóng tiền đúng hạn nhưng số tiền quá ít. Bố mẹ cô cũng không đủ khả năng tài chính để giúp con gái. Megawati có thể vay từ ngân hàng nhưng cô không chắc mình có thể trả nó sau khi tốt nghiệp. Bán thận là cách duy nhất để cô tiếp tục theo học ở trường.
Devi, một sinh viên năm 3, giấu bố mẹ chuyện bán thận. Điều quan trọng với cô là học cách thích nghi với cuộc sống thiếu một quả thận.
"Tôi sẵn sàng sống với một quả thận, miễn là tôi có thể tiếp tục học đại học", Devi nói.
So với hiện tượng bán dâm để kiếm tiền học phí, việc bán thận ít phổ biến hơn vì nhiều nước cấm bán nội tạng.
Năm 2011, dư luận thế giới xôn xao khi một nhà khoa học ở Anh kêu gọi sinh viên "hiến" thận để phục vụ y học và giải quyết vấn đề tiền bạc.
Sue Rabbitt Roff, nhà nghiên cứu cao cấp tại Khoa Xã hội học Y tế thuộc Đại học Dundee, Anh, từng viết bài kêu gọi Quốc hội hợp pháp hóa hoạt động bán nội tạng.
"Chúng tôi đang tạo cơ hội cho các sinh viên kiếm khoản tiền từ 20.000 đến 30.000 bảng để thanh toán học phí. Tại sao chúng ta không tạo điều kiện để họ vừa làm việc tốt vừa đáp ứng nhu cầu tiền bạc của bản thân?", bà nói.
Theo bà, bán thận giải pháp tốt, giúp người nghèo kiếm thu nhập cao. Nó cũng là cách hay để giải quyết tình trạng khoảng 3 người Anh chết trong các ca phẫu thuật ghép thận mỗi ngày.
Tuy nhiên, Robin Parker, Chủ tịch Hội Sinh viên Quốc gia ở Scotland, nói: "Mặc dù tình trạng thiếu thận diễn ra nghiêm trọng và cần được khắc phục, khuyến khích sinh viên bán thận để thoát nghèo là biện pháp lố bịch".
Tiến sĩ Calum MacKellar, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Đạo đức Sinh học Scotland cho rằng, việc "hiến thận" đổi tiền chính là biến thể của hành vi bóc lột, phá hoại phẩm giá của con người.
Mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà nhân quyền, bà Roff vẫn duy trì ý kiến. Theo bà, những người phản đối nên đặt mình vào vị trí các sinh viên nghèo để tìm hiểu nhu cầu thực sự của họ. Bà khẳng định, nhiều người sẵn sàng bán thận để đổi lấy cơ hội nhận bằng từ các trường đại học.
Tâm lý người trong cuộc
Bán thận hay bán thân có thể là giải pháp duy nhất nhưng không phải là cách tốt nhất.
Serena Cervantes, cựu sinh viên California, Mỹ, là một trong những cô gái chấp nhận hẹn hò với đàn ông bằng tuổi cha chú để đóng mức học phí 2.300 USD. Mặc dù cảm thấy ghê tởm trước hành vi đổi tình lấy tiền, cô không có ý định từ bỏ các mối quan hệ với "cha nuôi".
Cha mẹ cô không thể trả học phí giúp con gái, cô đành phải dựa vào lòng tốt của những người đàn ông già, giàu có. Nếu không có khoản thu nhập từ việc bán thân, Cervantes không thể tốt nghiệp và phải chấp nhận cuộc sống vô gia cư. Với cô, đây không phải điều gì đáng tự hào mà chỉ là một cơ chế sinh tồn.
Kimberly Mackey, nữ sinh tại một trường đại học ở phía nam nước Mỹ, nhận tiền để hẹn hò, tâm sự với những người đàn ông lớn tuổi. Cô không nghĩ mình là gái mại dâm, vì không quan hệ tình dục với họ. Mặc dù Mackey coi đây là công việc bán thời gian bình thường, cô cũng không đủ dũng cảm để kể về nó với bạn bè, người quen.
Nhiều người cũng như Mackey, họ tận hưởng sự cung phụng từ các ông "bố nuôi" nhưng che giấu mối quan hệ bất chính. Họ viện cớ làm thêm, học bổng để trả lời khi bố mẹ hỏi về tiền học phí.
Đối với việc bán thận, sinh viên phải đối mặt hàng loạt nguy cơ sức khỏe. Nhiều người cảm thấy tổn thương tinh thần khi gánh nặng học phí buộc họ phải đánh đổi bằng một bộ phận trên cơ thể.
Tuy nhiên, với những sinh viên này, gần như không còn giải pháp nào để thoát khỏi khó khăn tài chính khi theo học các trường có mức học phí đắt đỏ.
Và cho dù họ tốt nghiệp, nhiều sinh viên vẫn không thể ngừng công việc đáng xấu hổ vì nguy cơ thất nghiệp và khoản nợ tích lũy trong những năm học đại học.