Chuyện tìm mẹ cảm động của nữ sinh trường Báo chí
“Trong đầu em hình ảnh mẹ chỉ là những mảnh ghép mờ ảo của một đứa bé lên ba. Năm 7 tuổi em được gặp lại mẹ một lần nữa nhưng lúc đó em không biết đó là mẹ mình” - Kim Ngân chia sẻ.
Những lời chia sẻ của em đứt gãy bởi những giọt nước mắt và sự trầm tư trên khuôn mặt khả ái, thông minh. Gần hai mươi năm nay, cô bé ấy luôn khắc khoải trong lòng ước mong tìm mẹ.
Bức ảnh sinh nhật 3 tuổi của Ngân, có đầy đủ bố mẹ |
Những mảnh vỡ của tuổi thơ
Cô bé ấy giờ đã là nữ sinh năm cuối của trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cù Thị Kim Ngân sinh ra và lớn lên tại thôn Cẩm Đội, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ.
Cô nhớ lại tuổi thơ bất hạnh của mình:“Trong ký ức của em vẫn còn đọng lại những hình ảnh cuối cùng của tuổi thơ khi em còn có cả cha và mẹ. Ngày ấy, cả gia đình vẫn ngồi quây quần ấm cúng bên mâm cơm. Buổi tiệc sinh nhật khi em tròn 3 tuổi, có bánh ba tầng, có những người bạn hàng xóm tới nô đùa náo nhiệt trong căn nhà nhỏ. Rồi hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”, những cuộc cãi vã liên tục xảy ra. Em chỉ biết ngồi trong góc phòng mà khóc, gào xin bố mẹ đừng mắng nhau nữa”.
Nhớ về những ngày đó, mắt em đỏ hoe. Sau sinh nhật đầy ắp kỷ niệm đó, gia đình Ngân lục đục rồi bố mẹ ly hôn. Ngân về ở với bà từ đó. Được ít hôm, mẹ em bỏ em và bà ngoại ra đi. Cô bé Ngân ngơ ngác không hiểu điều gì, tối đến lại khóc ngặt vì nhớ mẹ.
Sau lần mẹ ra đi, bố cũng chuyển về quê sinh sống để mặc Kim Ngân sống với bà ngoại. Mặc dù bà ngoại hết lòng thương yêu cô, chăm sóc cho cô để bù đắp cho những mất mát của đứa cháu tội nghiệp nhưng tình thương yêu đó dường như chưa đủ để khỏa lấp sự thèm khát tình mẫu tử.
Khi bắt đầu đi học, Ngân mới nhận ra nhiều điều trong cuộc sống, muốn tìm hiểu, muốn chia sẻ nhưng không biết chia sẻ với bà như thế nào. Ngày đó, để giúp đỡ phần nào cho bà, Ngân trốn bà làm các hàng thủ công lưu niệm để bán. Có những hôm em làm đến khuya mà mệt quá ngủ quên lúc nào không biết. Ngoài ra Ngân còn làm đại lý phân phối báo cho khu vực Việt Trì, rồi vừa học vừa gia sư cho các bạn cùng lớp.
Đầu năm học cấp hai, đám thanh niên hư hỏng trong làng thường ném đá vào nhà, làm hỏng cửa. Có lần hai bà cháu đang ăn cơm tối, có người ác ý ném đá vào tường rào, vào cổng. Không biết phải làm gì, người bà tội nghiệp chỉ biết ôm cháu khóc. Uất ức vì bị trai làng bắt nạt, không muốn để bà phải lo sợ, cô bé Ngân nghĩ cách để bảo vệ bà.
“Em giấu bà đi học võ. Đó là năm em học lớp 6, cứ chiều tan học là em lại đến trung tâm học võ. Không có tiền đóng học, em bắt đầu làm hàng handmade (hàng lưu niệm thủ công) để bán. Sau đó đám trai làng hư hỏng không dám đụng đến nhà em nữa. Giờ em là đai đen taekwondo”, Ngân chia cho biết.
Cù Thị Kim Ngân |
Khắc khoải ước mong gặp mẹ
Mặc dù đang phải đối mặt với bạo bệnh nhưng bà Nguyễn Thị Mùi, bà ngoại cuả Ngân không giấu được tự hào khi kể về đứa cháu yêu của mình. Bà Mùi cho biết: “Nó là một đứa ngoan, có ý chí và rất thương bà. Ngày còn học phổ thông nó đạp xe hơn 20 km để đi học. Dù vất vả nhưng chưa một lần nó than thở. Ngày nhận giấy báo đại học, hai bà cháu ôm nhau khóc. Có lẽ đó là giây phút hai bà cháu hạnh phúc nhất. Từ ngày xuống Hà Nội học, biết bà khó khăn, nó tự đi làm thêm để lấy tiền đóng học”.
Khi Ngân đi học đại học cũng là lúc bà ngoại già yếu đi nhiều. Cô phải làm rất nhiều công việc khác nhau từ việc đi tiếp thị, bán hàng, dạy thêm… để kiếm tiền ăn học và gửi về cho bà. Đến năm học thứ 3, Ngân đã tự mua được xe máy để đi làm.
Nhớ lại những ngày đầu xuống Hà Nội học, Ngân bùi ngùi: “Đi học xa nhà mới thấm thía hơn nỗi khổ của đứa bé không cha không mẹ ở cái mảnh đất bon chen này. Nhiều nhìn bạn bè được bố mẹ gọi điện thoại hỏi han, em thấy tủi thân. Còn mình phải tự lo tất cả, tự quyết định mọi việc. Nhưng cũng vì thế mà em nghĩ luôn phải cố gắng, phải phấn đấu”.
Lê Thị Oanh Nga, mẹ của bé Ngân |
Dù phải dồn sức đi làm để trang trải tiền học, tiền trọ, nhưng thành tích học tập của Ngân rất đáng nể. Năm 2009 cô được nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên, giải thưởng dành cho những học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. “Lúc biết được giải Hoa trạng nguyên em vui lắm. Em nghĩ đến bà và cảm ơn bà đã nuôi dưỡng em rồi chợt nghĩ đến mẹ, giá mà lúc đó em có mẹ bên cạnh”.
Theo lời bà ngoại, năm Ngân lên 7 tuổi bà đã tìm được địa chỉ của mẹ em ở TP.HCM. Vì muốn đứa cháu được sống trong tình yêu thương của mẹ nên hai bà cháu gom góp tiền bạc lặn lội vào tận nơi để tìm mẹ về. Nhưng cuộc gặp sau bao nhiêu năm xa cách đó đã không thể đưa người mẹ trở về với em.
Sau này, khi nhớ lại kỷ niệm đó, Ngân rưng rưng nước mắt: “Có lẽ lúc đó em còn quá bé nên chẳng nhớ đã có một người mẹ. Khi về nhà mẹ, em cứ khóc đòi về với bà vì sợ bà sẽ bỏ em ở lại. Em sẽ chẳng bao giờ được gặp bà nữa. Lúc đó mẹ đã ôm em vào lòng và khóc thật nhiều. Giờ thì em thấy hối hận vì đã chẳng ở bên mẹ lâu hơn. Để bây giờ em khó có được cơ hội đó”.
Gạt đi những giọt nước mắt, Ngân nghẹn ngào chia sẻ: “Em chỉ muốn được như bao bạn khác, có cha có mẹ, có một gia đình bình thường, không cần giàu sang. Bà em vừa mổ vì bị ung thư dạ dày, sức khỏe của bà ngày càng suy sụp, bà chỉ mong được nhìn thấy người con gái duy nhất quay trở về và gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Cũng đã gần hai mươi năm nay em mong mẹ về để gọi hai tiếng đó. Qua thông tin này, em cũng mong mẹ em biết để trở về với em và gia đình”.
Theo Người Đưa Tin