Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện tình của Nhựt bán vé số

Hỏi Nhựt bán vé số nuôi vợ ở Bệnh viện Đa khoa TW TP Cần Thơ, các bác sĩ, hộ lý đều rơm rớm: “Tội nghiệp cái thằng, nhỏ tuổi mà có tình hết sức".

Ai cũng thương cảm cho họ, con mới chào đời thì vợ ngã bệnh, mọi gánh nặng đều oằn lên vai người chồng.

Người thanh niên dáng vóc gầy gò, khuôn mặt rám nắng già hơn so với tuổi 27 tên Bùi Văn Nhựt, quê ở Kế Sách (Sóc Trăng). Hơn một năm nay anh kiên trì bám trụ ở bệnh viện để mong một ngày phép mầu sẽ tới, bệnh của vợ anh được chữa khỏi.

Anh Nhựt dịu dàng chăm sóc vợ ở phòng cấp cứu.
Anh Nhựt dịu dàng chăm sóc vợ ở phòng cấp cứu.

Hạnh phúc 11 tháng 5 ngày

Nhựt kể vợ chồng anh hạnh phúc đúng nghĩa được mười một tháng năm ngày. Con gái vừa đầy tháng, vợ Nhựt, chị Trần Thị Phương Lan, phát bệnh, bụng phình trướng, sưng to không thở nổi, ăn vô ói ra hết, đi đứng rất bất tiện phải có người nâng đỡ.

Chị Lan không muốn đi bệnh viện chữa trị vì sợ con mất cữ bú mẹ, đến khi kiệt sức ngất lịm. Cứ tưởng vợ mới sinh dễ bị đầy hơi nên uống thuốc vài ngày sẽ khỏi, nhưng lúc bác sĩ ở Bệnh viện Sóc Trăng kêu làm đủ loại xét nghiệm, rút từ chị Lan ra rất nhiều dịch thì Nhựt hoảng sợ.

Hằng ngày đi vác hàng mướn nên tiền ngày nào đủ ăn ngày đó, tiền vay mượn chòm xóm chi phí cho mấy ngày ở bệnh viện cũng cạn. Bác sĩ đề nghị đưa chị Lan lên Cần Thơ tìm cơ may chữa trị khỏi bệnh, anh liều xin đưa vợ đi bằng xe từ thiện của bệnh viện, một số người tốt bụng gom cho anh được 800.000 đồng bỏ túi.

“Tui biết ơn các bác sĩ lắm, thuốc men cho vợ đều được ứng trước rồi trả tiền sau nhưng tới nay tui chưa trả được hết”, vừa tâm sự Nhựt với tay lấy từ trong khay nhựa tờ giấy nhỏ ghi số tiền tạm ứng là 6 triệu đồng cho vào túi áo. Nhựt nói bệnh viện báo tạm ứng tiền nhiều lần rồi nhưng chưa có khả năng thanh toán.

“Cưới nhau đâu có ai nghĩ tới sẽ bỏ nhau”

Mỗi ngày, đến giờ thăm nuôi vợ lúc 5 g, người chồng trẻ tranh thủ lau người, thay đồ, pha sữa bơm qua ống cho vợ, còn thời gian anh xoa bóp tay chân chị cho máu lưu thông... Cách vài ngày anh cố gắng xoay người của vợ lại ngang giường, quấn nilông lót để gội đầu cho vợ dễ chịu, anh làm rất thành thục, nhẹ nhàng.

Ngoài giờ chăm vợ, Nhựt đi khắp các quán cà phê quanh bệnh viện bán vé số nhưng không dám đi xa vì “lỡ có chuyện gì tui về không kịp”. Anh bán vé số ngày cũng được hơn 70.000 đồng, đủ tiền mua sữa cho vợ, có hôm người ta thương vừa mua vé số vừa cho thêm tiền thì dành dụm gửi về cho con, còn phần mình ăn cơm từ thiện của bệnh viện.

Chị Thu, hộ lý ở khoa hồi sức tích cực và chống độc, thường xuyên giúp Nhựt pha sữa, lấy thuốc cho chị Lan mỗi khi anh mệt ngủ mê. “Vợ Nhựt nằm hơn một năm mà da thịt còn nguyên là giỏi lắm, biết Nhựt nghèo nhưng nặng tình nặng nghĩa như vậy ai cũng thương” - chị Thu nói.

Thân nhân nuôi bệnh mới vô được người cũ rỉ tai nhau chuyện thằng Nhựt bán vé số, có người còn chưa tin: “Thật vậy sao, nó trẻ quá mà tình nghĩa dữ vậy”. Biết Nhựt bán vé số, người ta kéo tay lại kêu mua, người ba tờ, người năm tờ. Ông Năm có mẹ già nằm cùng phòng với vợ Nhựt mua cho Nhựt hơn chục tờ vé số trước khi đưa má về quê trút hơi thở cuối cùng.

Có người khuyên Nhựt nên đưa vợ về nhà để gần con được bữa nào hay bữa đó chứ ở đây hoài sao chịu xiết, Nhựt xua tay: “Cô còn tỉnh táo lắm, đem về không có thuốc đau đớn tui thấy đứt ruột, trời thương cho cổ hết bệnh, còn lỡ có chuyện gì ở đây tui cũng cam lòng, tui nhất định sẽ làm trả tiền lại cho bệnh viện”.

Đã hai lần, các bác sĩ thấy tình cảnh đáng thương nên khi bệnh tình vợ Nhựt thuyên giảm thì cho quá giang xe chuyển bệnh về nhà thăm con, và cũng giảm bớt chi phí mỗi ngày nằm viện.

Trở lại bệnh viện lần này, vợ Nhựt nằm đó thở thoi thóp bằng máy, da sạm đen, một bên cánh tay đã teo tóp, bụng to trướng, không ai tin chị chỉ mới 25 tuổi. Mỗi lần chồng chăm sóc, chị mở to mắt nhìn ngân ngấn nước. Nhựt vẫn luôn tìm những câu chuyện vui, chuyện về con gái nhỏ kể cho vợ nghe để bớt đi cơn đau thể xác.

Lúc chia tay vợ chồng Nhựt, câu nói của người thanh niên đồng quê khiến chúng tôi nhớ mãi: “Cưới nhau đâu có ai nghĩ tới sẽ bỏ nhau, nếu đổi lại là tui bệnh thì tui biết cổ cũng không bỏ tui, vợ chồng sống với nhau phải có nghĩa chớ”.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/song-va-yeu/20141220/chuyen-tinh-cua-nhut-ban-ve-so/687939.html

Theo Thùy Trang/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm