Hàng nghìn người trẻ dưới sân khấu nghe người dẫn chương trình giới thiệu, anh Bùi Văn Quý ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) sinh ra trong gia đình 6 anh em nhưng có 4 người nhiễm chất độc da cam. Anh chị yêu nhau bị gia đình hai bên phản đối nhưng vượt lên tất cả họ vẫn làm đám cưới và sống với nhau đến nay đã 5 năm với thành quả là cậu con trai 4 tuổi.
Những tràng vỗ tay vang lên. Chị Đoàn nghẹn ngào khi chia sẻ: “Em bị liệt tay chân, mọi việc trong gia đình một tay chồng gánh vác”. Anh Đoàn nói: “Ước mơ của tôi là mong xây xong gian nhà che nắng che mưa cho hai mẹ con”. Ở dưới sân khấu, những đôi mắt đỏ hoe, xúc động.
Vợ chồng anh Quý - chị Đoàn nhận quà của các đơn vị. |
Tuổi thơ nghị lực
Anh Quý sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Bố anh từng tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Trở về sau chiến tranh ông bị nhiễm chất độc da cam. Anh Quý khi sinh ra chỉ có một chân, thể trạng yếu. Anh đi qua tuổi thơ với nhiều tủi hờn. Nhà nghèo, anh em đứa thần kinh không bình thường, đứa dị tật.
Từ bé, bạn bè vui đùa chạy nhảy, anh thì bò lết 1 chân từ trong nhà ra đầu ngõ, người lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Đến 15 tuổi, bố anh mới chặt cây tre bổ đôi làm nạng cho anh tập đi. Đó cũng là lúc bố mẹ anh không thể làm ngơ trước ước mơ cháy bỏng đến trường của con. Anh tập tễnh đi học.
Anh kể, nhà cách trường 5 km. Để đến được trường anh dậy đi học từ 4 giờ sáng, 6 giờ mới tới trường. 5 năm tiểu học của anh qua đi như thế. Anh nhớ lại, ngày ấy mỗi lần đến trường ngoài sự mệt nhọc, anh còn bị bạn bè trêu chọc. Có thời gian tủi thân quá, anh nghỉ học một tuần nhưng rồi cô giáo đến tận nhà động viên trở lại học.
Trong cuộc sống, anh tập làm tất cả mọi việc nhà mà không cần trợ giúp. Sau này anh thừa nhận, tuổi thơ đã rèn cho anh ý chí, nghị lực để sau này khi có gia đình anh mới đủ sức gánh vác cả việc chăm vợ, nuôi con.
Tình yêu cảm hóa gia đình
Học xong cấp 3, anh đi học nghề sửa chữa xe máy, rồi học nghề may ở trung tâm Long Thành (Hòa Bình). Ở đây, anh gặp chị Đoàn và nên duyên chồng vợ. Sau bao thăng trầm của cuộc đời, anh nói: “Số phận gắn vào nhau chứ khi đó tôi vẫn được một vài cô gái lành lặn đem lòng yêu nhưng tôi từ chối để yêu vợ bây giờ”.
Chị Nguyễn Thị Đoàn nhỏ bé, chân tay bị liệt. Đã làm mẹ nhưng chị chỉ nặng khoảng 30 kg. Mỗi sáng, chị được chồng bế đặt lên xe lăn và mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều cần đến bàn tay của chồng giúp đỡ.
Anh Quý chia sẻ, khi anh chị yêu nhau, bố mẹ anh biết chuyện đã ngăn cản. Bố mẹ chị Đoàn nhất quyết không cho con gái làm đám cưới với lý do đã không chăm sóc được bản thân thì lấy chồng, sinh con ai nuôi? Anh vẫn quyết tâm cưới chị. Đám cưới của anh chị được thầy cô ở trung tâm học nghề tổ chức ấm cúng bằng bánh kẹo. Chị Đoàn khoác áo cưới lên người nước mắt rơi lã chã, khiến anh cũng khóc theo.
Cuộc sống anh chị sau ngày cưới rất khốn khó. Chị học nghề may nhưng tay cứng, thao tác chậm, có khi cả tuần không may xong cái quần, cái áo nên không có khách. Anh kiếm ít đồ nghề ra vá xe, thay lốp xe kiếm ngày mấy chục nghìn đồng đắp đổi qua ngày. Vợ có bầu rồi sinh con, mọi công việc trong nhà từ đi chợ, nấu cơm, chăm sóc con, chăm sóc mẹ… đều một tay anh lo liệu. Khổ một nỗi, với một chân tập tễnh anh làm gì cũng bấp bênh.
“Lắm hôm đi làm về mệt, tôi nghĩ và khóc một mình vì thấy mình khổ quá”, anh Quý nói. Nhưng vợ anh, chị Đoàn lại là người nhạy cảm, mặc cảm luôn nghĩ mình là phụ nữ mà những việc như bế con, ôm con vào lòng cũng không tự làm được nên hay dằn vặt bản thân. Hiểu chị, thương con, anh lại gồng lên cố gắng nuôi thêm con gà, con vịt để tăng thu nhập.
Bố mẹ anh nhà nghèo lại già cả. Cuộc sống của vợ chồng anh hiện trông chờ vào đồng trợ cấp chất độc da cam 1,2 triệu đồng/ tháng. Ông bà ngoại sau nhiều ngày giận không gặp mặt con gái vì không nghe lời thì nay thương vợ chồng anh nhiều hơn. Ông bà cho hai vợ chồng về ở gần nhà và vay tiền giúp anh dựng gian nhà nhỏ để tiện chạy qua chạy lại với hai mẹ con khi anh đi vắng. Anh Quý kể, ông ngoại còn sắm cả đồ nghề sửa xe máy cho anh mở quán nhỏ sửa chữa xe máy kiếm cơm.
Nhận được quà tặng là gói khám sức khỏe, bộ chăn ga, cặp nhẫn cưới cùng 10 triệu đồng tiền mặt, vợ chồng anh mừng lắm. Anh nói: “Số tiền đó anh đã mang đi trả nợ làm nhà, còn cặp nhẫn bên đơn vị tài trợ người ta nói lúc túng bấn thì bán đi nhưng thực tình tôi muốn giữ lại như kỷ vật. Ngày cưới tôi đã chẳng thể mua gì cho vợ rồi”.
5 năm kể từ ngày cưới, anh Quý - chị Đoàn được tặng nhiều món quà trong đó có cặp nhẫn cưới. Anh muốn giữ làm kỷ vật vợ chồng vì ngày cưới anh chưa mua được gì cho vợ.