Vợ chồng nghèo xin sữa
Cả làng Trung Đông (tức thôn 6) không ai lạ gì hoàn cảnh của vợ chồng anh Trung chị Đổng bởi gia cảnh khốn khó từ xưa đến nay. Bây giờ, có thể cuộc sống đỡ vất vả hơn nhờ anh chị được một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng và anh em bạn bè gom góp cho vay tiền mở quán bán cơm bụi, nhưng đến giờ này cái nghèo, khổ vẫn còn đeo đẳng họ.
Cưới nhau năm 1989, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, ba năm sau đó, chị Đổng tiếp tục mang thai, và lần này không chỉ một mà là 3 đứa con gái cùng chào đời. Ba cái tên Thu Thảo, Như Ngọc, Cẩm Nhung được nuôi dưỡng trong điều kiện hết sức đặc biệt vì mỗi em chỉ nặng vỏn vẹn 1,6 kg.
Các bác sĩ và y tá ái ngại, không mấy ai hy vọng cả ba cùng sống sót bởi các bé quá yếu, thêm căn bệnh nhiễm trùng rốn. Đã thế, cả ba cùng không thể mở miệng để bú sữa.
Hai chị em Thu Thảo và Cẩm Nhung (Ảnh: N.C). |
Anh Trung nuốt nước mắt kể, gia đình tưởng rơi vào tuyệt vọng. Nhưng rồi sự kỳ diệu xảy ra, cả 3 bé lay lắt, yếu mềm nhưng cuối cùng vượt qua được thời gian khắc nghiệt là 7 tháng. “Qua được 7 tháng thì gia đình cũng khánh kiệt. Nợ nần chồng chất, lúc này thực sự tui hết cách, thôi thì đến đâu hay đó”, anh Trung kể.
Theo lời chị Đổng, may được trời thương, ba đứa con gái dù không bú sữa nhưng ít bệnh tật, khỏe mạnh bình thường. “Ngày ngày ba nó đi bắt cá dưới sông về nấu, xay lên hòa cùng nước cơm, lấy thìa cạy miệng đổ vào. Cứ thế cả ba chị em nó lớn lên”. Anh Trung kể, xót con không sữa, ngày ngày chị Đổng phải đi xin sữa hàng xóm. Lâu lâu có ai cho tiền, lại để dành mua hộp sữa nội để dành, trong ba chị em đứa nào đau yếu thì mới được uống.
Cuộc sống nghèo khổ cứ trôi qua theo thời gian, may mắn cho vợ chồng anh Trung là cả ba chị em đều chăm ngoan và hiếu học. “Biết phận nghèo, nên ngoài thời gian học, cả ba chị em nó đều tất bật với việc phụ giúp cha mẹ bán quán, phụ giúp việc đồng áng. Có những khi chúng nó làm việc quá, quên cả ăn trưa, cứ thế, làm xong bụng đói đi học luôn” - chị Đổng nhớ lại.
Nỗi niềm cha ở tù, con đi thi đại học
Năm 1999, trong cơn túng thiếu, một niềm vui bất ngờ đến với gia đình anh Trung. Một nhà hảo tâm đã biếu anh 5 triệu đồng, giúp anh làm vốn thoát nghèo. Được mách nước, anh Trung dùng tiền này thuê lại một nhà nghỉ mấy phòng ở gần di tích thánh địa Mỹ Sơn để kinh doanh. Những tưởng, cuộc đời từ đây sẽ rẽ sang trang khác…
Ba chị em sinh 3 ngày còn nhỏ (Ảnh gia đình). |
Việc kinh doanh nhà nghỉ ngày càng thua lỗ, quán nước gia đình cũng vì thế mà teo tóp. Đầu năm 2013, anh Trung đến gặp chủ cũ xin thanh lý hợp đồng trả lại nhà nghỉ nhưng không được. Hạn trả là cuối năm 2013.
Cả mấy năm trời lèo tèo vài khách, nhưng khoảng tháng 3, thấy có mấy khách nam và nữ đến thuê phòng, tưởng mừng có thêm chút đồng ra vào ai hay lại là “mầm họa” của gia đình.
Hôm đó, công an ập vào bắt quả tang mấy vị khách là nam nữ mua bán dâm. Anh Trung là chủ, mang thân chịu trận. Án tù 12 tháng vừa được anh thi hành xong cách đây mấy ngày.
“Những ngày tui còn ở tù là mấy đứa con đi thi đại học. Buồn lắm nhưng cũng vững tin trong lòng, mấy đứa con mình sẽ hiểu”.
Ngày chúng tôi ghé nhà, niềm vui rạng ngời trên mặt hai chị em Thu Thảo và Cẩm Nhung. Thu Thảo đậu ĐH Khoa học Huế, khoa báo chí với số điểm cao. Cẩm Nhung cũng đậu ĐH Huế, khoa du lịch. Riêng Như Ngọc đã đi Đà Nẵng thăm nhà bà con, cũng đã nhận được tin vui từ trường ĐH Sư phạm Quảng Nam.
Thu Thảo đang tất bật lau chùi bàn ghế để đón khách ăn cơm buổi trưa, tâm sự, giọng già trước tuổi: "Biết hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, cả ba chị em luôn động viên nhau học hành. Không đua đòi chơi bời, nhịn hết những thú vui thường nhật để phụ ba mẹ. Ngày cha đi tù, tụi em cũng suy sụp, nhưng nhìn thấy mẹ khóc, lại tự dặn lòng, cả ba chị em càng phải can đảm lên".
Còn cô em út Cẩm Nhung, ngậm ngùi: "Ba chị em cùng hứa với nhau quyết tâm đỗ đại học, xem đó là món quà mừng cha ra tù trở về. Dẫu cha đi tù, nhưng với em, đó là một sự không may, tai họa rớt xuống gia đình nên với ba chị em, cha vẫn luôn là tấm gương vượt khó".
Niềm vui mới chỉ kịp lan tỏa trong gia đình anh Trung chị Đổng, âu lo lại ập tới: "Tiền đâu cho con đi học khi cả nhà còn phải chạy bữa từng ngày?".