Tại lễ bế mạc giải, tôi có dịp trò chuyện cùng thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thị Hà. Chị là con thứ hai trong gia đình bốn chị em ở thị trấn Quốc Oai (Hà Nội). Bố là giảng viên Khoa Bắn súng, trường Sỹ quan Lục quân I nên từ nhỏ, Phạm Thị Hà đã thích học bắn súng.
Học hết cấp 3 (năm 2004), Hà dự tuyển vào Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn thuộc Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu. Tại đây, Hà được huấn luyện học súng ngắn K54 và một năm sau thì chuyển sang học bắn súng NK3.
Những ngày đầu theo nghề bắn súng, nhiều lúc Hà cũng nản vì phải tập luyện thường xuyên, bất kể thời tiết nắng mưa đều phải phơi mình ở thao trường. Thời gian tập luyện của cô và đồng đội, sáng tập từ 7-11h30, chiều từ 13-17h chưa kể tới mỗi tuần có 2 buổi rèn thể lực, tập chạy, tập tạ.
“Lúc mới tập bắn súng, mình liên tục bị ù tai bởi âm thanh của đạn nổ và bị viêm họng, mờ mắt vì hít khói thuốc súng. Nhưng luyện tập nhiều mình cũng quen. Trung bình mỗi ngày tập luyện trên thao trường, mình và đồng đội bắn đến vài trăm viên đạn”, chị Hà nhớ lại.
Thiếu úy Phạm Thị Hà (phải) cùng đồng đội. |
Có sẵn năng khiếu, lại không ngừng khổ luyện nên tháng 9/2004, chị Hà vinh dự được là 1 trong 5 thành viên đại diện cho quân đội nước nhà đi tham dự Giải bắn súng quân dụng quân đội các nước ASEAN tổ chức ở Indonesia.
Lần đầu du đấu, chị Hà rất khó khăn trong giao tiếp và ăn uống vì Indonesia là đất nước Hồi giáo. Tuy vậy, năm đó chị cùng đồng đội đã giành huy chương đồng. Từ đó, hằng năm chị là một trong những ứng viên sáng giá của đội tuyển bắn súng quân đội Việt Nam tham dự AARM.
Những hy sinh thầm lặng
Chị Hà bén duyên với một sỹ quan tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn. Lúc mới vào trung tâm, chị Hà được giảng viên trẻ là Trung úy Ngô Anh Tuấn (sinh năm 1978) hướng dẫn, huấn luyện. Hai thầy trò ngày càng thân thiết và yêu nhau lúc nào không hay. Hai người kết hôn năm 2007, giờ đã có một bé gái 5 tuổi, bé trai 2 tuổi.
Vợ chồng đều là sĩ quan quân đội, lại công tác cùng đơn vị nên rất thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Nhưng với gia đình thì khác, trước khi cưới, chị Hà cùng chồng đã làm công tác tư tưởng cho hai bên nội, ngoại vì vợ chồng sẽ phải thường xuyên vắng nhà để luyện tập và công tác.
Trước mỗi giải đấu, chị Hà cùng các xạ thủ quân đội được gọi vào trước ngày thi đấu 2 tuần và trong thời gian này, tất cả đều tập trung huấn luyện, không được rời trại. Mọi việc gia đình, con cái, vợ chồng chị Hà đành nhờ ông bà nội, ngoại quán xuyến. Chị Hà cho biết, có lần chuẩn bị cho giải đấu tổ chức ở Malaysia, khi ấy cô con gái đầu lòng mới 11 tháng, chị đã phải cai sữa để đi thi đấu.
Thao trường khổ luyện vất vả nên chị cũng không có nhiều thời gian lo việc gia đình, nhất là con cái. Với xạ thủ sỹ quan trẻ, cô chỉ mong đến dịp cuối tuần để được về bên con, bên gia đình.
“Thời gian ở bên con không nhiều nên rất sợ con không nhớ mặt mẹ, khi về phải dành nhiều thì giờ để chơi với các con. Hơn nữa, bố mẹ chuyển công tác liên tục nên phải mang con theo, chỉ riêng việc làm thủ tục nhập học cho con cũng đã mệt rồi”, chị Hà bộc bạch.
Sau giải đấu, chị Hà cùng đồng đội được nghỉ 20 ngày. Thời gian này chị dành tất thời gian để gần gũi các con. Nói về gia đình và tương lai, chị Hà trăn trở: “Có lúc mình nghĩ đến chuyện nghỉ công tác để chăm lo cho con cái vì ông bà nội, ngoại đang ngày một yếu không thể giúp vợ chồng mình mãi được. Với phụ nữ, dù thành công đến đâu gia đình vẫn là quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, chị Hà vẫn quyết tâm, nếu được tham dự giải đấu năm sau, sẽ cố gắng để đổi màu huy chương.
Đại úy Phạm Văn Việt, Huấn luyện viên phó Đoàn bắn súng quân dụng, Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn nói: “Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thị Hà là vận động viên bắn súng tài năng, đạt nhiều thành tích tại các giải đấu trong khu vực. Suốt quá trình tập luyện, đồng chí Hà rất chịu khó, chăm chỉ và có ý thức cao, luôn chấp hành nghiêm mọi quy chế, quy định của đơn vị và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.