Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Clip ngâm bài thơ 'Tổ quốc nhìn từ biển' rung động trái tim

Tác giả bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" được đưa vào đề văn trường THPT Chu Văn An là cựu học sinh của ngôi trường này. Ngày 15/5, ông đã có buổi gặp với cô giáo ra đề thi.

Ngày 15/5, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng cô giáo Trịnh Thu Tuyết. Chủ nhân của bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển đã trực tiếp đọc lại những vần thơ khi đau thương, lúc hào hùng của mình.

Ngày 12/5, cô Trịnh Thu Tuyết ra đề thi với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc dành cho học sinh lớp 12 D1 - trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Cô Tuyết đã sử dụng bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển và câu nói của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong toàn bộ đề thi của mình.

Vụ TQ đặt giàn khoan trái phép xuất hiện trong đề Văn lớp 12

Sáng 12/5/2014, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết ra đề thi với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc dành cho học sinh lớp 12 D1 - trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

 

Chủ nhân của tác phẩm trong đề thi - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (nguyên phóng viên báo Thanh Niên) cũng là học sinh lớp chuyên Văn đầu tiên của trường (khoá 1967-1970).

Ông chia sẻ: “Trong tháng 5 nóng bỏng của năm 2014, bài thơ được nhắc đến trong đề văn dành cho những công dân tuổi 18 khiến tôi cảm động. Tôi gọi ngay cho bạn bè để liên lạc cùng cô giáo Trịnh Thu Tuyết. Ngày hôm nay, khi gặp gỡ, cô Tuyết cũng chắp bút lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đầy ý nghĩa: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí sau quân hành" là "Lớp anh trước, lớp em sau/ Đã thành tri kỷ sau câu thơ này”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong buổi gặp  gỡ cô giáo Trịnh Thu Tuyết.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong buổi gặp gỡ cô giáo Trịnh Thu Tuyết.

Sắp tới, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sẽ có buổi giao lưu về thơ và tình yêu đất nước cùng học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Tổ quốc nhìn từ biển được nhà thơ sáng tác năm 2009, và  sau đó tác phẩm đã làm rung động hàng triệu trái tim người Việt.

Về kỷ niệm sâu sắc nhất gắn liền với bài thơ, tác giả tâm sự: “Trong một đêm thơ nhạc Tổ quốc nhìn từ biển được truyền hình trực tiếp, tôi xúc động khi ngồi giao lưu cùng các bạn trẻ, trong đó có con gái của Thiếu úy Trần Văn Phương đã hi sinh tại đá Gạc Ma năm 1988. Trước lúc hi sinh anh vẫn ôm hình lá cờ Tổ quốc. Tôi có nói với cô bé rằng, sự hi sinh của người chiến sĩ hải quân hôm đó là khởi nguồn của những câu thơ ngày nay:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

 

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

 

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

 

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

 

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi".

Quyên Quyên

Clip: Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm