Nữ giảng viên đại học khiến mẹ lo lắng vì không có nhiều mối quan hệ xã hội. Ảnh: Weibo. |
Một người phụ nữ sống tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bỗng trở nên nổi tiếng sau khi đăng tải video ghi hình con gái của mình.
Trong clip, bà phàn nàn con chỉ biết vùi đầu vào học hành, thay vì ra ngoài tạo dựng mối quan hệ xã hội, theo South China Morning Post.
“Tới giờ ngủ rồi, con có cất tập sách đi ngay không?”, người mẹ hỏi, đồng thời khẳng định cô sẽ chẳng bao giờ gặp được ý trung nhân nếu duy trì lối sống này.
Trái với thái độ lo lắng của phụ huynh, cô gái chỉ cười xòa và tiếp tục ghi chép tài liệu.
Theo chia sẻ của người mẹ, con gái đang là giảng viên tại đại học địa phương sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Canada. Dù luôn tự hào với thành tích, sự nghiệp của con, bà vẫn lo cô sẽ cô đơn vì không còn thời gian giao lưu, gặp gỡ bạn bè.
“Con bé chỉ thích ở nhà đọc sách. Chẳng phải cuộc sống như vậy sẽ rất tẻ nhạt sao?”, bà nói trong video.
Chỉ trong thời gian ngắn, đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên Weibo, thu về hơn 8,7 triệu lượt xem cùng 3.600 bình luận. Phần lớn khán giả ủng hộ quyết định của cô gái trẻ. Tuy nhiên, không ít người xem lại đồng cảm với nỗi bận tâm của vị phụ huynh.
“Nhìn trong video, người con gái khá xinh xắn dù chưa trang điểm. Với năng lực và ngoại hình như vậy, tôi tin cô ấy sẽ tự biết cách quản lý cuộc đời mình”, một tài khoản bình luận.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên chỉ trích quan điểm của người mẹ. Chẳng qua bà chỉ đang bày tỏ tình yêu thương với con mà thôi”, người khác chia sẻ.
Những cô gái có học vấn cao, chưa kết hôn khi chạm mốc 30 tuổi tại Trung Quốc thường bị gọi là "thức ăn thừa". Ảnh: SCMP. |
Theo những tư tưởng đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, phái nữ phải là những người hiền lành, hiếu thuận và cần đặt chồng, con lên làm ưu tiên số một, sự nghiệp cá nhân không được phép quan trọng hơn, Sixth Tone đưa tin.
Minh chứng rõ nhất là cụm "thức ăn thừa" ngày càng phổ biến, gắn liền với những phụ nữ có trình độ học vấn cao nhưng vẫn chưa kết hôn khi chạm mốc 30 tuổi.
Fran Martin, phó giáo sư về nghiên cứu văn hóa tại Đại học Melbourne, tin rằng những rào cản giới tính đã thúc đẩy quyết định du học của phụ nữ xứ tỷ dân. Song, chúng vẫn còn tác động lớn đến họ sau khi trở về với bằng cấp nước ngoài.
“Dù hạnh phúc với phiên bản trưởng thành, con người mới, độc lập của các cô gái vẫn mâu thuẫn gay gắt với kỳ vọng trước giờ không đổi của cha mẹ", Martin nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.