Văn hóa truyền thống của Trung Quốc vốn kiêng kỵ chia sẻ chuyện trong nhà, đặc biệt là các bê bối, ra ngoài. Họ có riêng một thành ngữ để khuyên răn, nhắc nhở nhau hạn chế “vạch áo cho người xem lưng”.
Do đó, See You Again, chương trình thực tế xoay quanh chuyện ly hôn, đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt truyền thông tại xứ tỷ dân.
Nội dung của show này khá đơn giản. Ba đôi vợ chồng nổi tiếng đang gặp trục trặc với mối quan hệ được mời tham gia kỳ nghỉ kéo dài 18 ngày, trước khi đưa ra quyết định tiếp theo với cuộc hôn nhân, Sixth Tone đưa tin.
Các cặp tham gia đang trong tình trạng khác nhau: cân nhắc, đang hòa giải sau khi nộp đơn ly hôn và ly thân. Qua diễn biến tâm lý và hành động của họ, khán giả có thêm những góc nhìn mới về cuộc sống hôn nhân và tác động của đổ vỡ lên tâm lý người trong cuộc.
Phao cứu sinh cho tinh thần
Sức hút của See You Again trước hết đến từ việc khai thác nỗi buồn thầm kín của người nổi tiếng. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của show chắc chắn nằm ở cách khai thác thẳng thắn về xung đột gia đình.
Trong mùa đầu tiên, đơn vị sản xuất mời chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học và nhà báo nhiều kinh nghiệm để trò chuyện, bàn bạc chuyên sâu về khúc mắc hôn nhân của người chơi.
Chủ đề thảo luận xoay quanh những vấn đề lớn, dễ ảnh hưởng mối quan hệ như kỳ vọng kém thực tế, xung đột nuôi dạy con và phân chia trách nhiệm vợ - chồng không cân đối.
Hai nhân vật tham gia chương trình dành thời gian để trao đổi về những khúc mắc trong hôn nhân. Ảnh: Weibo. |
Chương trình còn phản ánh một vấn đề gây nhức nhối của các cặp vợ chồng Trung Quốc. Khi xung đột xảy ra, họ không dám tìm đến tư vấn, trị liệu tâm lý hôn nhân chuyên nghiệp dù hiểu phương án này sẽ có ích. Nỗi sợ bị nhìn thấu, đánh giá tệ khiến họ chần chừ và chấp nhận chung sống với khúc mắc.
Thay vào đó, nhóm này lại ưu tiên các đơn vị cung cấp dịch vụ hôn nhân bảo thủ. Tại đây, khách hàng, chủ yếu là nữ giới, chi tiền để nhận lời khuyên “giành lại hạnh phúc gia đình”.
Tuy nhiên, hôn nhân là chuyện của hai người, nên mọi thứ vẫn không có tiến triển khi chỉ được giải quyết từ một phía. Họ dễ dàng bỏ ra số tiền lên đến 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.500 USD) chỉ để chuốc lấy nỗi thất vọng.
Dù tỷ lệ ly hôn có xu hướng tăng cao, quyết định ly hôn vẫn nặng nề với nhiều người vợ xứ tỷ dân. Vướng bận con nhỏ, không có thu nhập cao, họ thường nín nhịn nhằm duy trì cuộc hôn nhân.
Mặt khác, các “nhà tư vấn” kém chất lượng thường xuyên hướng dẫn khách hàng cách cải thiện giao tiếp, hoặc tăng sức hấp dẫn trong tình dục. Thậm chí, họ còn được định hướng đánh ghen khi đối phương ngoại tình.
“Những bà nội trợ toàn thời gian luôn nghĩ mình không thể rời bỏ chồng, bất kể anh ta tồi tệ, phụ bạc đến đâu. Sự bảo thủ trong tư tưởng khiến họ mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình. Do đó, chương trình như See You Again xuất hiện và trở thành chiếc phao cứu sinh tinh thần”, Liu Haiping, giảng viên nghiên cứu văn hóa và giới tính tại Đại học Công nghệ Thâm Quyến, nhận định.
Động lực gỡ rối hôn nhân
Nhận được nhiều lời khen ngợi vì mô tả chân thực, cởi mở về những tranh chấp trong hôn nhân, song show truyền hình vẫn không thực sự xử lý được gốc rễ vấn đề.
Bên cạnh đó, dưới nhiều quy định phát sóng nghiêm ngặt, mức độ phản ánh đời sống của chương trình còn hạn chế. Chẳng hạn, bạo lực gia đình, ép buộc sinh con nối dõi vốn là vấn đề nóng hổi, song lại chưa bao giờ được đề cập.
Song, See You Again vẫn được xem là cú huých, góp phần thay đổi phần nào tư tưởng hôn nhân cổ hủ tại xứ tỷ dân.
See You Again được xem như phao cứu sinh tinh thần của nhiều phụ nữ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Mark Ralston/AFP. |
“Ít nhất, chúng tôi đã tạo điều kiện cho vài người nổi tiếng trao đổi thẳng thắn với bạn đời, nhìn sâu hơn vào góc khuất hôn nhân. Đồng thời, họ cũng được chuyên gia tâm lý lắng nghe, hỗ trợ thay vì phải nhận lời khuyên nhẫn nhịn như trước giờ”, nhà sản xuất Liu Le nói trong một cuộc phỏng vấn.
Thực tế, chương trình như See You Again vẫn nặng tính giải trí và không có ý nghĩa tham vấn tâm lý chuyên nghiệp.
Song, nó vẫn cung cấp những ví dụ tích cực, ủng hộ các đôi vợ chồng tại xứ tỷ dân bày tỏ cảm xúc, cùng nhau vượt qua khó khăn trong hôn nhân. Bên cạnh đó, họ cũng có động lực để sử dụng dịch vụ trị liệu gia đình chuyên nghiệp, thay vì tiếp tục chịu đựng nỗi buồn vì tư tưởng văn hóa cổ hủ.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.