Phạm Linh Chi (quê Thanh Hóa) và nhóm bạn đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h nhưng phải ngồi chờ hơn 2 giờ vì chuyến bay bị delay. Ảnh: Hoàng Đại. |
“Bố mẹ tôi lo con gái hay quên, gần như lần nào gọi điện về nhà, họ lại nhắc tôi nhớ đặt vé sớm", Thu Hằng (25 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nói với Zing.
Lần đầu đi làm xa, lần đầu mua vé về nhà ăn Tết, giá vé chặng Hằng muốn đặt dao động 5-10 triệu đồng/khứ hồi, tùy loại ghế và giờ khởi hành. Cô không nghĩ giá vé máy bay tận trước Tết hơn 3 tháng lại đắt đỏ như vậy.
Hằng tham khảo thêm đồng nghiệp và bạn bè - những người đã nhiều năm công tác xa nhà và có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị về quê ăn Tết. Một số người khuyên nên mua vé càng sớm càng tốt, một số khác cho rằng giá vé sát Tết sẽ “hạ nhiệt”, tương tự 1-2 năm trước.
Loay hoay mua vé
Ban đầu, cô chọn phương án 2, chờ tới đầu năm 2023 mới đặt vé với hy vọng giá sẽ giảm một chút. Nhưng đến giữa tháng 11, khi thấy giá vé ngày một tăng và những chuyến bay giờ đẹp chỉ còn rất ít ghế trống, Hằng quyết định chi 4 triệu đồng mua vé khứ hồi, khởi hành từ TP.HCM vào ngày 12/1. Cô cho biết nếu di chuyển chỉ muộn hơn 1 ngày, mức giá sẽ tăng thêm.
“Rất may, công việc cho phép làm từ xa nên tôi có thể đi sớm, về muộn”, cô chia sẻ.
Thu Hằng cho biết bạn cùng phòng của cô, người bắt đầu nghỉ Tết từ 19/1 và phải trở lại TP.HCM vào ngày 29/1, tốn hơn 7 triệu đồng cho chặng bay tương tự.
Quang phải thay đổi kế hoạch về quê vì tình hình thời tiết. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, vì nhà ở đảo Lý Sơn, ngoài chi phí, Dương Quang (22 tuổi) cần phải tính toán kỹ lưỡng cả về mặt thời gian di chuyển.
Năm nay, ngay khi nhận được lịch nghỉ Tết, Quang lập tức mua vé xe. Anh chi 1,25 triệu đồng mua vé giường nằm cao cấp, khởi hành vào ngày 17/1 từ TP.HCM tới Quảng Ngãi.
Sau đó, anh dự định lên xe trung chuyển để tới bến tàu, từ đó đi tàu thủy ra đảo. Trung bình, Dương Quang mất gần 2 ngày di chuyển để trở về nhà.
Thế nhưng, theo dự báo, thời tiết sẽ trở gió lớn và biển động mạnh kể từ ngày 17/1. Do đó, mọi tàu bè sẽ ngưng hoạt động cho tới khi có thông báo mới.
Dương Quang lập tức gọi điện cho nhà xe để nhờ hỗ trợ đổi hoặc hoàn trả. May mắn là nhà xe tạo điều kiện, cho nam sinh viên đổi vé sang ngày 14/1. Tuy nhiên, họ chỉ có thể đổi sang xe giường nằm loại thường và xếp anh vào vị trí cuối xe.
“Vé cũ đắt và nhiều tiện ích hơn so với vé mới. Thế nhưng, do cần phải về quê sớm, tôi vui vẻ chấp nhận sự thay đổi này”, anh chia sẻ.
Dương Quang nhận thấy giá vé xe khách năm nay tương đối cao, tăng giá theo từng ngày. Gần đây, khi tham khảo giá giữa hai ngày 14 và 15/1, anh cho biết có nhà xe báo giá chênh lệch gần 1 triệu đồng.
Sau 4 năm xa nhà, Dương Quang rút kinh nghiệm, thường sẽ mua vé lập tức ngay khi xác định ngày khởi hành và có thể mua online để tiết kiệm thời gian.
Ngoài hai yếu tố phương tiện và giá cả, anh còn quan tâm đến chính sách đổi trả vé, nhằm lường trước những sự cố bất ngờ. Sự cẩn trọng này không chỉ giúp anh đổi vé trong dịp Tết lần này, mà còn cả thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát.
“Đây có lẽ là Tết cuối cùng tôi có thể về sớm, đổi lịch đột ngột như vậy. Kể từ năm tới, tôi sẽ đi làm toàn thời gian và nghỉ lễ theo lịch công ty. Nhưng tôi sẽ cố gắng mua vé sớm nhất để tránh tình trạng giá cao và hết chỗ”, anh chia sẻ.
Nhiều người lo ngại cận Tết sân bay sẽ rất đông đúc nên chủ động về quê sớm. Các gia đình ra sân bay với đống hành lý lỉnh kỉnh. Ảnh: Hoàng Đại. |
Để phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp thêm tổng số slot là 150 chuyến/ngày, trong đó các khung giờ tối muộn và đêm là 98 chuyến/ngày. Tuy nhiên vé Tết trong giai đoạn 15/1-26/1 (24 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) vẫn neo ở mức cao đến rất cao.
Trên trang đặt vé trực tuyến cho chuyến bay ngày 15-20/1, giá vé đã bao gồm thuế, phí, chặng TP.HCM - Hà Nội không thấp hơn 3 triệu đồng/chiều. Mức giá này tương tự tại các chặng từ TP.HCM đến một số tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Giá vé tàu Tết năm nay cũng tăng 1-6% so với năm ngoái. Đối với chiều TP.HCM đi Hà Nội, giá vé cao nhất ở giường nằm tầng 1 là 2,7 triệu đồng, trong khi ghế ngồi cứng có máy lạnh giá thấp nhất là 1,3 triệu đồng.
Chấp nhận bay đêm, vé đắt
Là năm đầu tiên chuyển công tác từ Hà Nội vào TP.HCM, Ngọc Thanh (sinh năm 1997, quê Hà Tĩnh) khá loay hoay trong việc mua vé máy bay về nhà ăn Tết.
Giữa tháng 12/2022, Thanh mới bắt đầu tìm đặt vé và quyết định bỏ ra 3,4 triệu đồng cho vé một chiều chặng TP.HCM - Vinh ngày 17/1, chuyến 22h. Mức giá này chưa bao gồm hành lý ký gửi, chỉ được xách tay 7 kg. Chưa kể, từ sân bay Vinh về nhà Thanh khoảng 80 km, cô cần chi thêm 800.000 đồng cho tiền taxi.
“Tôi không nghĩ giá vé máy bay tăng cao như vậy. Chiều trở lại TP.HCM tôi mua sau, hy vọng qua Tết giá sẽ hạ nhiệt một chút”.
Đến gần ngày nghỉ Tết, Phong mới có thể bắt đầu đặt vé xe khách về Nghệ An. Ảnh: NVCC. |
Trước đây, khi còn làm việc ở Hà Nội, Thanh chỉ tốn 210.000 đồng cho vé xe khách về nhà với 7 tiếng di chuyển, cao điểm Tết thì tăng lên 300.000 đồng.
Tuy nhiên lần này, cô không chọn đây là phương tiện di chuyển nữa vì sẽ mất khoảng 1 ngày đêm, rất mệt mỏi, cũng sợ tình trạng nhồi nhét khách.
“Vì vậy, tôi chấp nhận bỏ ra số tiền gấp 10 lần, bay chuyến muộn để có thể nhanh chóng về nhà”. Cũng vì chi phí đi lại đội lên, Thanh phải trích một phần tiền thưởng Tết để lo liệu, cắt bớt các khoản chi vào mua sắm.
Vì tính chất công việc, mọi năm, Văn Phong (sinh năm 1998, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) không thể đặt vé xe về nhà ở Nghệ An quá sớm cho đến khi chắc chắn lịch nghỉ.
Có năm cháy vé, Phong phải lên các hội nhóm trên Facebook tìm người nhượng lại hoặc lái xe máy về cùng bạn.
"Kể cả mua được vé thì hành trình cũng khá mệt mỏi vì phải chen chúc, giá tăng hơn 100.000-150.000 đồng so với ngày thường. Chưa kể, bình thường xe sẽ đưa về tận nhà nhưng ngày Tết đông nên sẽ khó khăn trong việc này hơn nhưng biết sao được, cuối năm mà, đành chấp nhận".
Còn với Trung Hiếu (sinh năm 1995, kiến trúc sư, blogger), dù đã cẩn thận săn vé từ cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng, anh vẫn đành ngậm ngùi bỏ ra hơn 3 triệu đồng cho vé máy bay một chiều từ TP.HCM về Hà Nội, chuyến 22h. Đây cũng là lần đầu tiên Hiếu mua vé nội địa với mức giá đắt tới vậy, gấp đôi ngày thường.
Dù tìm mua từ sớm song Hiếu vẫn phải bỏ số tiền không nhỏ cho vé máy bay về nghỉ Tết. Ảnh: NVCC. |
“Tôi cũng xác định và để dành trước một khoản cho việc này nhưng chỉ được khoảng 70%, không ngờ đắt đỏ như vậy”.
Quyết định vào TP.HCM làm việc được 8 tháng nay, chàng trai Hà Nội khá mong ngóng Tết bởi nhớ gia đình. Để có thể sớm về nhà, anh để dành ngày nghỉ phép dùng cho dịp này.
“Vì làm việc ở xa, thời gian qua, tôi ít khi có dịp về thăm nhà nên có thể coi đây như đợt nghỉ dài hơi nhất. Dù sao thì sau cả năm làm việc, việc có thể đoàn viên bên người thân là quan trọng nhất, chuyện tài chính hay một số yếu tố khác thì có thể co kéo và chấp nhận”, Hiếu chia sẻ.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.