Người bố dượng trong Marriage Hell bị chỉ trích vì có hành vi không phù hợp với con riêng của vợ. Ảnh: MBC. |
Một tập trong chương trình thực tế Marriage Hell của đài MBC phát sóng ngày 19/12 vừa qua đã trở thành tâm điểm tranh cãi tại Hàn Quốc vì chiếu cảnh bố dượng đụng chạm cơ thể con gái riêng 7 tuổi của vợ.
Trước máy quay, người cha dượng chơi đùa bằng cách ôm, cù lét và dùng tay chọc vào mông cô bé, giả vờ làm bác sĩ tiêm thuốc. Dù cô bé phản đối, tỏ ý không thoải mái, người này vẫn không dừng lại.
Chương trình này vốn bị nhiều khán giả la ó khi phát sóng các hình ảnh cho thấy kiểu quan hệ độc hại, thậm chí bạo lực song khiến chúng trông bớt nghiêm trọng. Đối với nhiều người xem, hành động được xem như quấy rối tình dục trẻ em này là giọt nước tràn ly. Dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ và khó tin khi ê-kíp có thể ghi lại những hình ảnh này và phát sóng trên truyền hình, theo Korea JoongAng Daily.
Nhiều người cũng chỉ trích Oh Eun Young, bác sĩ tâm lý chủ trì chương trình, cố vấn cho các gia đình, đã giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc khi mô tả người cha là "cô đơn" và đứa con là "nhạy cảm".
Sau khi nhận được hơn 3.600 lời phàn nàn từ người xem, Oh cho biết toàn bộ phần tư vấn, nhận xét của mình không được đưa đầy đủ trong tập phát sóng do qua chỉnh sửa. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra vụ việc và Marriage Hell cũng thông báo tạm ngưng phát sóng 2 tuần.
Tuy nhiên, Marriage Hell không phải chương trình cá biệt trên sóng truyền hình Hàn Quốc bình thường hóa bạo lực gia đình cũng như không bảo vệ được những đứa trẻ có liên quan.
Ảnh hưởng tới trẻ em
Các chương trình thực tế như Teenage Parents của đài MBN, We cha-cha-cha của tvN, Between Marriage and Divorce của Tving hay We Got Divorced 2 của TV Chosun đều xoay quanh những mối quan hệ độc hại.
Con cái của những cặp đôi trong chương trình thường chứng kiến cảnh cha mẹ bạo lực, chửi bới nhau và hình ảnh các em được ghi hình lại. Để quay được những khoảnh khắc kịch tính, các thành viên tổ sản xuất hầu như không can thiệp ngăn chặn vụ đánh nhau hoặc đưa bọn trẻ ra khỏi hiện trường.
Trong vụ việc mới nhất ở Marriage Hell, người xem sốc khi không có nhân viên nào can thiệp hay gọi chính quyền khi đứa trẻ lên tiếng chống lại hành vi quấy rối.
Dù bé gái tỏ ra phản đối, người bố dượng không dừng lại hành vi động chạm. Ảnh: MBC. |
"Việc không ai nhận thấy vấn đề gì trong quá trình quay phim hoặc biên tập cho thấy các nhà sản xuất ưu tiên việc gây giật gân đến mức không nhận ra tội ác đối với trẻ em. Nội dung kịch tính đúng là hút view nhưng phải có sự chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng. Mọi người đang phẫn nộ", Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, nói.
Các diễn viên nhí đóng phim điện ảnh hoặc truyền hình đều nhận được sự bảo vệ từ các điều luật hoặc ít nhất có quy định riêng trên trường quay. Một số hình ảnh gây lo ngại có thể được thay thế bằng đồ họa máy tính và các diễn viên nhí được tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, chưa có luật hay bộ quy tắc nào dành cho trẻ em tham gia các chương trình thực tế về hôn nhân. Các em hoàn toàn tiếp xúc với các mối quan hệ rắc rối, xung đột của cha mẹ trong khi máy quay của các chương trình "quan sát thực tế" này làm đúng nhiệm vụ: quan sát.
Vấn đề bị xem nhẹ
Hầu hết chương trình thực tế về hôn nhân đều có một nhóm gồm những người nổi tiếng và chuyên gia cùng tham gia bình luận khi xem đoạn phim. Lời khuyên của họ thường giảm nhẹ hành vi lạm dụng hoặc cố gắng hiểu kẻ bạo hành.
Ví dụ như người cha dượng trong Marriage Hell ban đầu được mô tả là "cô đơn" và "đáng được thương hại". Hồi tháng 10, chương trình này cũng bị cáo buộc mô tả người chồng có hành vi bạo hành bằng lời nói và vũ lực đơn giản là đang "chiến đấu với chứng trầm cảm".
Một tập khác của Marriage Hell vào tháng 9 có cảnh một phụ nữ bị chồng đánh khi mang thai. Chương trình tập trung vào việc hòa giải và duy trì hôn nhân hơn là nêu bật mức độ nghiêm trọng của việc bị bạn đời bạo hành.
Dàn khách mời, cố vấn chương trình Marriage Hell của đài MBC. Ảnh: MBC. |
Các hành vi như bạo hành tâm lý hoặc tấn công bằng lời nói thậm chí còn bị coi nhẹ nhiều hơn. Chương trình We Got Divorced 2 của TV Chosun từng khuyến khích các cặp đôi ly hôn tái hợp "vì lợi ích của con cái" dù mối quan hệ rõ ràng có vẻ không ổn.
Thái độ này nhất quán với luật bạo lực gia đình ở Hàn Quốc, trong đó khuyến khích "khôi phục hòa bình và sự ổn định trong các gia đình" thay vì buộc kẻ bạo hành phải chịu trách nhiệm.
"Để đối phó với tỷ lệ sinh thấp hiện nay ở Hàn Quốc, có một bầu không khí chung trong xã hội là khuyến khích các gia đình ở bên nhau càng nhiều càng tốt. Chúng tôi thấy điều đó trong các chính sách và thấy các chương trình truyền hình tán thành bầu không khí đó", Lee Hyun-jae nhà triết học nữ quyền, giáo sư tại Đại học Seoul, cho biết.
Các chương trình thực tế về hôn nhân cũng vấp phải phản ứng dữ dội vì bình thường hóa mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên và người lớn - miễn là sau đó họ sinh con và kết hôn.
Tham gia chương trình Teenage Parents của đài MBN từng có một cặp vợ chồng, trong đó người vợ sinh con khi mới 18 tuổi còn chồng 28 tuổi. Chương trình không đưa ra lời chỉ trích nào đối với mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên và người trưởng thành mà thay vào đó yêu cầu người xem "không đưa ra thành kiến với gia đình này".
Marriage Hell cũng bị cáo buộc coi nhẹ nỗ lực rõ ràng của người cha dượng trong việc lạm dụng đứa trẻ 7 tuổi khi mô tả hành vi tiếp xúc cơ thể không phù hợp là biểu hiện yêu thương bị hiểu lầm.
Mối nguy tiềm ẩn
Các chuyên gia chỉ ra rằng trong xã hội Hàn Quốc, các thành viên trong gia đình gặp khó khăn trong việc tố cáo hành vi bạo hành với chính quyền do xã hội thường xem đây là vấn đề riêng tư. Chuyên gia cảnh báo rằng thông điệp các chương trình thực tế về hôn nhân đưa ra có thể khiến quan niệm này tồn tại mãi mãi.
"Mục đích của những chương trình này là chân thực nhất có thể, đó cũng là lý do các khán giả dành nhiều sự quan tâm. Nhưng chương trình cũng chiếu cảnh lạm dụng và coi nó như không có gì nghiêm trọng. Các gia đình đang trải qua tình trạng tương tự có thể xem điều đó và nghĩ: 'Chắc gia đình nào cũng vậy'. Việc gieo rắc suy nghĩ này rất nguy hiểm", giáo sư Lim nói.
Chương trình Teenage Parents phát sóng cảnh cặp vợ chồng đánh nhau. Ảnh: MBN. |
Giáo sư Lee cho rằng sự tức giận của công chúng đối với Marriage Hell là bước đầu tiên để nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, nhưng sự phẫn nộ không nên chỉ tập trung vào nhà sản xuất hay bác sĩ tâm lý Oh.
"Dư luận hiện quá tập trung vào việc lên án những cá nhân liên quan nhưng chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, chỉ đơn thuần chỉ trích bác sĩ Oh không thực sự giải quyết được gì".
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.