Ngày 16/5, các diễn đàn dành cho giới trẻ liên tục chia sẻ clip quay cảnh một người dùng tay lần lượt chạm, sờ soạng vòng một của nhiều bạn nữ ngay trong lớp học. Đoạn video này được đăng kèm dòng chú thích: "Cuối năm rồi. Dành cho nhau chút kỷ niệm đi".
Hành động quá phản cảm
Trong clip dài gần một phút thu hút gần 600.000 lượt xem, người thực hiện hành vi trên không lộ mặt nên nhiều dân mạng không biết rõ đó là nam hay nữ.
Dựa vào hình xăm khá lớn trên đôi bàn tay ngăm đen, một số người nhận định đây là nam giới. Tuy nhiên, không ít dân mạng phát hiện tất cả cô gái đều chỉ dùng tay gạt nhẹ hay thậm chí cười khi bị sàm sỡ. Bởi vậy, họ đoán chủ nhân hành động này có thể là nữ.
Phần lớn ý kiến cho rằng dù mang giới tính nào, việc động chạm vòng một của con gái rất phản cảm, thiếu văn hóa, nhất là khi được thực hiện ở chốn học đường.
Nguyễn Tú Nam (sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân) bày tỏ: "Khi quấy rối tình dục công khai được cổ súy, bảo sao số vụ hiếp dâm ngày càng nhiều".
Nguyễn Sương (25 tuổi, Hà Tĩnh) cho rằng đây là trò đùa quá trớn. Người sàm sỡ bạn dù là gái hay trai thì cũng rất vô duyên, không nghĩ đến cảm nhận của người xung quanh, ảnh hưởng xấu tới lớp học.
Nhiều dân mạng bức xúc, cho rằng dù là trò đùa thì hành động trong clip vẫn quá phản cảm, không thể chấp nhận. |
Tuy nhiên, các nạn nhân cũng đáng trách khi không phản ứng lại. Bởi im lặng đồng nghĩa với việc ngầm ủng hộ cho những hành vi thiếu văn hóa như vậy tiếp diễn.
"Hành động không thể chấp nhận được dù lý do là gì đi nữa! Mình nghĩ có rất nhiều cách để học sinh tạo ra kỷ niệm, nhớ về nhau. Còn cách này chỉ là lấy cớ để sàm sỡ con gái mà thôi. Việc đưa clip lên mạng xã hội là biểu hiện của việc sống ảo trong giới trẻ", Nguyễn Thơm (23 tuổi, Hưng Yên) nói.
Trần Y Ly (Hà Nội) bức xúc trước một số ít ý kiến cho rằng hành động trên thể hiện lối sống "thoáng" giống giới trẻ nước ngoài và có thể chấp nhận được.
"Nghĩ thoáng không bao gồm xâm phạm thân thể người khác. Nếu chịu khó tìm hiểu sách báo, thay vì xem qua những kênh không chính thống thì bạn sẽ biết hành động quấy rối như vậy ở Nhật sẽ bị phạt", cô gái nhắn nhủ tới một số dân mạng.
Khó chấp nhận trong môi trường giáo dục
Cô Đoàn Thị Liên - giáo viên THPT ở Hà Nam - nhận định hành động của những bạn trong clip không nằm ở lỗi giáo dục của gia đình hay nhà trường mà ở nhận thức cá nhân về thân thể.
Học sinh cấp 2 hay cấp 3 đều được thầy, cô giáo dục về nét thuần phong mỹ tục, văn hóa và ý thức cơ thể. Hành động trên biểu hiện sự nhận thức kém về nhiều vấn đề.
"Thứ nhất, hành vi này cho thấy sự thiếu ý thức tôn trọng, coi thường chính bản thân. Thứ hai là ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, sự trong sáng trong môi trường học tập.
Thứ ba là biểu hiện sự thiếu nhận thức của các bạn học sinh về vấn đề giới tính. Cuối cùng là tâm lý thích làm những chuyện khác người mà không lường trước được hậu quả", cô Liên phân tích.
Theo nữ giáo viên, nếu gặp trường hợp tương tự, trước tiên cô sẽ nhắc nhở đó là hành động mất lịch sự, rồi chỉ cho học trò thấy về giới tính, có những nơi trên cơ thể không để cho người khác tự do động chạm.
Đó là cách tôn trọng giá trị bản thân và buộc người khác phải tôn trọng mình. Bởi dễ dàng, buông thả thì giá trị đó càng giảm.
Bức ảnh 4-5 nam sinh trêu một bạn nữ bằng cách nắm tay, nắm chân và giả vờ thả ra lan can của trường từng khiến người xem phẫn nộ. |
Ngoài ra, cô Liên muốn học trò nhận thấy đây là hành động thiếu văn hóa, nhất là trong trường học - nơi các em được thầy cô giáo dục về cả tri thức, kỹ năng sống và được tuyên truyền về đạo đức văn hóa.
Việc giáo dục cho các em biết khi làm gì cũng cần suy nghĩ, hành động đó sẽ gây ra hậu quả như thế nào là điều rất cần thiết.
Cô Lại Thị Bích Loan - giáo viên THPT ở TP.HCM - cũng đồng tình với ý kiến cho rằng dù người thực hiện hành động sờ soạng bạn trong lớp là nam hay nữ thì cũng quá thiếu văn hóa, phản cảm và khó chấp nhận.
"Không thể lấy thân thể ra làm trò đùa. Môi trường giáo dục không cho phép những trò đùa của học sinh trở thành quá lố và phản cảm", cô Loan nhận xét.
Nữ giáo viên cũng nhận định học sinh giờ thiếu nhiều kỹ năng sống do cha mẹ mải kiếm tiền, không quan tâm đến con cái, để cho các em tự do, sống theo bản năng.
Bên cạnh đó, lượng kiến thức được đưa vào mỗi tiết học ở trường quá nhiều, thầy cô khó có thời gian ghép phần giáo dục kỹ năng sống.
"Học sinh được nhà trường giáo dục chủ yếu về kiến thức văn hóa, không được chỉ bảo đầy đủ cách hành xử với người khác. Đôi khi, các bạn có hành động như vậy không phải vì muốn thể hiện, mà do chưa nhận thức đầy đủ", tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) bày tỏ.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Thu Hương, nhà báo Hoàng Minh Trí từng cho rằng một số bạn trẻ có hành động chưa thật sự văn minh nơi công cộng là do thiếu sót về mặt nhận thức. Họ chưa hẳn là người vô văn hóa hay vô ý thức như mọi người nói.
Một số người hành động như bản năng, bởi họ không được chỉ bảo, chưa nhận thức đầy đủ về văn minh, lịch sự.
Mạng xã hội từng lan truyền nhiều hình ảnh, trò đùa của tuổi học trò gây tranh cãi tương tự.
Tháng 9/2016, clip ghi lại cảnh nhóm học sinh dùng ảnh bạn trong iPad, cầm hoa nhựa, bình hoa giả làm bát hương, cắm bút chì, thước kẻ thay thẻ hương, khóc lóc, diễn như đang tổ chức đám tang cho bạn trong ngày sinh nhật, khiến nhiều người bức xúc.
Mạng xã hội cũng xuất hiện clip nhóm bạn trẻ tay bưng đĩa thịt gà luộc, cầm thẻ hương, quỳ gối, chắp tay khấn, trên nền nhạc bài hát Chúc mừng sinh nhật vào tháng 4/2016.
Trước đó, bức ảnh 4-5 nam sinh trêu một bạn nữ bằng cách nắm tay, nắm chân và giả vờ thả ra lan can của trường cũng gây phẫn nộ. Bởi chỉ cần một cái giãy giụa, một tiếng gọi bất ngờ làm giật mình, cô gái có thể rơi xuống đất.
Tháng 3/2011, clip dài hơn một phút ghi lại cảnh hai thiếu nữ đùa nghịch, tụt quần một bạn nam. Họ bắt chàng trai ngồi xuống ghế, vô tư cởi áo rồi quần trong sự reo hò "cởi áo đi", "cởi nốt quần đi" của nhiều thành viên trong lớp.