Clip "Đường Tăng ăn hamburger" do AI tạo ra lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. |
Các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đang tràn ngập những video tái hiện cảnh nổi tiếng trong nhiều tác phẩm kinh điển - từ cảnh Tôn Ngộ Không phóng xe máy trong Tây Du Ký cho đến cảnh Gia Cát Lượng thản nhiên ăn sầu riêng giữa một trận chiến ác liệt.
Những meme (nội dung chế) này rất phổ biến với người dùng Internet Trung Quốc, nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ. Nhưng xu hướng này không được chính quyền ủng hộ và các cơ quan quản lý đã chỉ trích video dạng này là "phỉ báng" di sản văn hóa của đất nước.
Meme có vi phạm bản quyền?
Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã ra tuyên bố vào ngày 7/12 kêu gọi chính quyền các tỉnh và nền tảng Internet trấn áp nội dung do AI tạo ra vì "làm thay đổi một cách xấu xa" văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Thông báo nêu rõ: "Những video này được tạo ra chỉ với mục đích thu hút lượt tương tác, trắng trợn xúc phạm các tác phẩm lâu đời mà không có sự kiềm chế, làm suy yếu các giá trị văn hóa truyền thống, trái ngược với bản chất cốt lõi của tác phẩm gốc và có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền".
Các công cụ tạo video đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc kể từ đầu năm 2024, khi bản dùng thử công cụ Sora mới của OpenAI gây chấn động ngành công nghệ Trung Quốc. Nó cũng thúc đẩy làn sóng sản xuất phiên bản phần mềm trong nước.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã phát hành công cụ video AI của riêng mình, với Kuaishou ra mắt Kling AI vào tháng 6 và ByteDance bổ sung tính năng tạo video cho Jimeng AI vào tháng 11.
Các nhân vật nổi tiếng trong những tác phẩm kinh điển bị chế ảnh bằng công cụ AI. |
Dân mạng nhanh chóng nhận ra rằng các công cụ này lý tưởng để tạo meme. Người dùng có thể tải lên hình ảnh tham khảo từ các bộ phim truyền hình dựa trên các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và thêm lời nhắc văn bản để tạo video, có thể dài từ vài giây đến vài phút.
Một số nền tảng thậm chí có thể mô phỏng giọng nói gốc của các nhân vật, đồng bộ hóa chuyển động môi và cung cấp giọng nói dựa trên hướng dẫn của người dùng. Trong những tuần gần đây, một loạt các clip được chỉnh sửa bằng AI đã lan truyền trên các nền tảng video của Trung Quốc bao gồm Douyin, Kuaishou và Bilibili.
Bộ truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa trong AI - có nội dung về Người Sắt bị hành quyết sau một trận chiến và người sáng lập Alibaba Jack Ma được trao vương miện hoàng đế - đã thu hút khoảng 350.000 lượt xem trên Bilibili.
Nhưng các clip này cũng gây ra sự phản đối từ các cơ quan quản lý khi họ cáo buộc một số video vi phạm pháp luật.
Hồi tháng 9, Trung Quốc đã đề xuất các quy định mới yêu cầu mọi nội dung do AI tạo ra phải được gắn nhãn rõ ràng bằng hình mờ (watermark) và siêu dữ liệu nhúng (embedded metadata), như một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng gian lận liên quan đến AI.
Các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc phải tự thực thi chính sách này, trong đó hầu hết yêu cầu người sáng tạo phải tự tay đánh dấu vào ô để xác nhận nội dung của họ được tạo ra bằng AI trước khi xuất bản.
Thực tế, một số video tạo bằng AI có hiển thị watermark bắt buộc, nhưng số khác thì không, theo Sixth Tone.
Văn hóa nhại lại
Các nền tảng được kêu gọi cần chủ động hơn trong việc phát hiện nội dung AI và tự thêm nhãn. Nhưng các chuyên gia cho rằng những công ty này sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào khả năng phát hiện của mình để làm được điều đó.
Ma Ce, luật sư chuyên về luật AI tại công ty luật Zhejiang Kinding, cho biết: "Chúng ta nên áp dụng các yêu cầu tuân thủ chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ AI tạo ra".
Ma nói thêm rằng một số video do AI tạo ra có thể vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
"Việc sử dụng sản phẩm do AI tạo ra phải tôn trọng quyền hợp pháp của người khác, bao gồm cả quyền nhân cách và quyền sở hữu trí tuệ", Ma cho biết. "Việc thay đổi các tác phẩm văn hóa truyền thống kinh điển không được biến thành hành vi phỉ báng hoặc thao túng trái phép các nhân vật và tài liệu nghe nhìn".
Douyin, Kuaishou và Bilibili vẫn chưa phản hồi công khai thông báo của NRTA, nhưng một số clip lan truyền do AI tạo ra đã bị xóa khỏi những nền tảng này.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông trong nước, một số công cụ video AI cũng đã có những bước đi nhằm ngăn chặn việc sử dụng ảnh tĩnh từ các bộ phim và chương trình truyền hình kinh điển.
Thông báo của NRTA hướng dẫn các chính quyền tỉnh đảm bảo rằng các nền tảng video trong phạm vi quyền hạn của mình kiểm tra và xóa các video do AI tạo ra dựa trên những tác phẩm kinh điển trước ngày 10/12.
Trung Quốc có lịch sử lâu dài về việc chế giễu những cuốn sách, bộ phim và chương trình truyền hình kinh điển. Vài năm trước, một nền văn hóa phụ được gọi là "lalangpei" - hay "cặp đôi ép buộc" - đã xuất hiện trên Internet, nơi các nhà sáng tạo dàn dựng những mối tình lãng mạn không tưởng giữa các nhân vật nổi tiếng.
Ví dụ, một lalangpei nổi tiếng đã kết hợp Chúa tể Voldemort từ bộ truyện Harry Potter và Lâm Đại Ngọc trong tiểu thuyết kinh điển Hồng Lâu Mộng.
Một nền văn hóa phụ liên quan được gọi là "guichu", cũng rất phổ biến vào nhiều năm trước, chứng kiến những người sáng tạo thực hiện các video ghép nhiều clip khác nhau để tạo thành những bài hát châm biếm hoặc video hài hước.
Một video guichu phổ biến đã ghép các đoạn phim về Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa và Benedict Cumberbatch trong Doctor Strange, thu hút hơn 6 triệu lượt xem.
Nhưng xu hướng guichu bắt đầu suy giảm vào năm 2018 sau khi NRTA ban hành lệnh cấm các video cắt ghép, trộn, ghi chú và lồng tiếng lại những tác phẩm gốc, cũng như các bản nhại lại tác phẩm kinh điển.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.