Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đang tạm giữ Trần Văn Hiếu (31 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, ở quận Thanh Xuân) để điều tra hành vi Cướp tài sản.
Sáng 7/3, 2 nghi phạm đi xe máy không biển kiểm soát đến ngân hàng Vietinbank chi nhánh Tây Hồ Tây. Hiếu sau đó dùng bật lửa có hình dạng giống súng đe dọa nhân viên, cướp hơn 500 triệu đồng. Quá trình bỏ chạy, họ làm rơi hơn 300 triệu đồng và chiếc bật lửa.
Như vậy, các nghi phạm cướp được 500 triệu đồng, song thực tế chỉ mang đi được 200 triệu đồng. Với chi tiết này, Hiếu và Tùng có thể bị áp dụng tình tiết định khung nào theo quy định?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Hành vi phạm tội của Hiếu và Tùng thể hiện sự bất chấp, liều lĩnh, táo tợn và coi thường pháp luật. Những hành vi manh động, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội như trên cần phải được xử lý nghiêm để đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi phạm tội tương tự tái diễn.
Hiếu (trái) và Tùng tại cơ quan công an. Ảnh: ANTĐ. |
Theo điều tra, 2 nghi phạm tới chi nhánh Vietinbank Tây Hồ Tây và sử dụng dao, súng bật lửa để uy hiếp nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng. Đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.
Về trác nhiệm hình sự, cơ quan công an sẽ căn cứ vào giá trị tài sản mà 2 nghi phạm cướp được để xác định tình tiết định khung hành vi phạm tội. Trong vụ án này, Hiếu và Tùng cướp được hơn 500 triệu đồng, song lại đánh rơi khoảng 300 triệu đồng trong lúc tẩu thoát.
Như vậy, có thể thấy 2 nghi phạm có ý định chiếm đoạt tài sản và số tiền thực tế chiếm đoạt được là 500 triệu đồng, việc rơi mất 300 triệu diễn ra khi tội phạm đã hoàn thành và nằm ngoài ý muốn chủ quan của kẻ phạm tội. Do đó, cơ quan chức năng vẫn có thể áp dụng khung hình phạt nặng nhất về tội Cướp tài sản đối với Hiếu và Tùng.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội cướp tài sản với giá trị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên sẽ đối diện khung hình phạt 18-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Điểm chung trong các vụ cướp ngân hàng gần đây là động cơ gây án thường xuất phát từ việc nợ nần, làm ăn thua lỗ, bức bí về tài chính nên dẫn đến các hành vi liều lĩnh, gây nguy hiểm cho xã hội. Việc 2 nghi phạm trong vụ án làm quan qua mạng, sau đó rủ nhau đi cướp vì cho rằng ngân hàng là nơi nhiều tiền đã phản ánh sự lệch lạc trong nhận thức, suy nghĩ và đạo đức.
Từ vụ việc này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đối với hành vi vi phạm, cần kiên quyết lên án, phê phán và xử lý nghiêm, đưa ra hình phạt thích đáng. Mặt khác, cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng, kiểm tra giám sát các hội nhóm trên mạng xã hội.
Ngoài ra, vấn đề an ninh tại các chi nhánh ngân hàng cũng cần phải được cải thiện. Trong vụ việc này, chỉ với súng giả và dao, hai tên cướp đã khống chế toàn bộ nhân viên và thực hiện hành vi cướp tài sản. Vì vậy, cần tăng cường chất lượng đội ngũ bảo vệ tại ngân hàng, đồng thời xem xét trang bị các thiết bị báo cảnh sát nhanh bằng nút bấm, nhằm đảm bảo khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả đối với tội phạm diễn ra tại ngân hàng.
Chi nhánh Vietinbank nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: Hoàng Linh. |