Năm 2001, phần đầu tiên trong bộ ba The Lord of the Rings – series phim của đạo diễn Peter Jackson chuyển thể từ bộ ba danh tác cùng tên của nhà văn J.J.R. Tolkien – đã ra mắt khán giả.
Bộ ba tác phẩm không chỉ dành trọn trái tim người hâm mộ nguyên tác, giới phê bình cũng như trên toàn thế giới, nó còn là những bộ phim đầu tiên sử dụng rộng rãi công nghệ màn hình xanh và đồ họa vi tính phục vụ quá trình ghi hình.
Không chỉ áp dụng công nghệ điện ảnh tiên tiên nhất thời bấy giờ vào sản xuất, The Lord of the Rings của Peter Jackson cũng sử dụng rất nhiều thủ pháp đánh lừa thị giác để tạo ra những khung hình chân thực nhất.
Chiếc nhẫn Chúa trong nguyên tác của J.J.R. Tolkien đã được chế tạo vô số bản sao trong bản phim của Peter Jackson. |
Nhờ vậy, mà nhân vật Gandalf của Sir Ian McKellen trên phim luôn trông như thể một tòa tháp khổng lồ bên cạnh cậu Hobbit Frodo Baggins do Elijah Wood thủ vai, dù trên thực tế chiều cao giữa hai người chỉ chênh lệch không đáng kể.
Kỹ thuật ngụy trang kích thước không chỉ được sử dụng với các nhân vật con người, mà còn được áp dụng với đạo cụ quan trọng nhất loạt phim – chiếc nhẫn Chúa quyền lực.
Trong cả ba phần phim, chiếc nhẫn không hề thay đổi kích thước, hay hình dạng cho tới tận khi bị nung chảy ở núi Doom, nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều phiên bản khác nhau của nó được chế tạo phục vụ cho các cảnh quay.
Những chiếc nhẫn đạo cụ có kích thước rất đa dạng, từ bé như món nữ trang bình thường cho tới kích thước khổng lồ đủ để chui vừa một cánh tay. Có tới hơn 40 phiên bản đủ kích cỡ của chiếc nhẫn Chúa từng được sản xuất trong quá trình ghi hình ba phần phim.
Theo nhà sản xuất, những phiên bản có kích thước lớn thường được sử dụng cho những cảnh quay cận hay đặc tả từng chi tiết - như những dòng chữ được khắc ở mặt trong chiếc nhẫn.
Người đã tạo ra chiếc nhẫn Chúa “hàng thật” trong bộ phim của Peter Jackson hoàn toàn không phải Chủa tể Bóng tối Mordor mà là người thợ kim hoàn New Zealand có tên Jens Hansen.
Nghệ nhân kim hoàn Jens Hansen và một trong những bản sao chiếc nhẫn được chế tạo cho bộ phim. |
Để thiết kế chiếc nhẫn, anh đã tạo ra 15 bản nháp khác nhau trước khi đi đến thiết kế cuối cùng. Chiếc nhẫn Chúa đã trở thành biểu tượng sau đó tiếp tục được sao chép thêm nhiều lần nữa.
Theo thông tin trên website của Hansen, chiếc nhẫn lớn nhất mà anh làm cho loạt phim có đường kính 20 cm. Chiếc nhẫn khổng lồ được sử dụng trong cảnh mở đầu của Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring. Khán giả có thể thấy nó quay tròn trong không khí khi nhân vật của Cate Blanchett tóm tắt lịch sử đen tối của chiếc nhẫn.
Việc chế tạo ra những bản sao với nhiều kích thước khác nhau cũng giúp chiếc nhẫn Chúa vừa vặn với bàn tay của những người chủ khác nhau, từ ngón tay của Sauron cho tới bàn tay bé xinh của các chàng Hobbit.
Điều này cũng tình cờ trùng hợp với đặc điểm của chiếc nhẫn được Tolkien mô tả trong nguyên tác. Trong sách, Gandalf nói với Frodo rằng chiếc nhẫn không phải lúc nào cũng giữ nguyên kích thước hay trọng lượng. Chiếc nhẫn co lại hay nở ra theo những cách lạ đời, và có thể đột ngột tuột khỏi ngón tay của người vừa phút trước còn đeo nó rất vừa vặn”.
Trong một số trường hợp, những chiếc nhẫn đạo cụ còn được sử dụng để mô tả những năng lực siêu nhiên của nhẫn Chúa. Trong The Fellowship of the Ring, khi Bilbo miễn cưỡng giao lại chiếc nhẫn và tuột tay, chiếc nhẫn đột ngột nặng tới độ đã chạm sàn với một tiếng “kịch”, thậm chí còn không thể lăn hay văng đi.
Brian Van’t Hul, chuyên gia hiệu ứng đặc biệt cho loạt phim, đã tiết lộ cách đoàn phim thực hiện cảnh quay nói trên ở phim trường. Theo đó, họ đã tráo chiếc nhẫn thật bằng một chiếc nhẫn đạo cụ lớn hơn làm bằng chì trong cảnh quay để thu được hiệu quả mong muốn về hình ảnh và âm thanh.