Mạng xã hội, mới đây, lan tỏa bức thư của Nguyệt Linh - học sinh lớp 6 trường Marie Curie, Hà Nội - gửi thầy/cô hiệu trưởng.
Trong bức thư của mình, Nguyệt Linh viết em tìm hiểu và biết bóng bay làm bằng nylon, tức là từ nhựa. Khi thả bóng lên trời, chim và các loài động vật khác có thể nuốt vào, chặn đường ruột đến chết đói.
"Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển, các chú rùa, loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt và chết", trích thư của Nguyệt Linh.
Bức thư của Nguyệt Linh. |
Cô học sinh đề xuất: "Trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay được không ạ?".
Nguyệt Linh gửi thông điệp hiện nay, thế hệ các em quan tâm vấn đề liên quan môi trường. Vì vậy, em rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô.
Chia sẻ với Zing.vn, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội - cho biết thầy vừa đọc được lá thư của học trò, do người bạn thân gửi đến. Thầy rất bất ngờ, xúc động và đã viết thư trả lời.
"Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường là ý tưởng đẹp, ý nghĩa và sâu sắc", thầy Khang nói.
Theo hiệu trưởng, việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường và các nơi khác đã thành thói quen “sang trọng”, nhưng không mấy ai nghĩ đến hệ luỵ mà cô học trò nhỏ đề cập trong thư. Suy nghĩ của Linh là kết quả đáng tự hào của nhà trường, gia đình và xã hội trong quá trình giáo dục “thế hệ chúng con”.