Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô bé người Mông câm điếc khát khao đến trường

Giàng Thị Hoa bị câm điếc từ nhỏ. Việc học của em dang dở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ước mơ lớn nhất của cô bé là được quay lại trường học.

Sau một lần ốm nặng lúc 2 tuổi, không được đi khám hay chữa trị, Giàng Thị Hoa (12 tuổi, người dân tộc Mông, ở xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bị câm, điếc.

Dù tiếp thu bài vở khó khăn, Hoa vẫn chăm chỉ đến lớp, theo học đến lớp 5 trường bản. Khi lên cấp hai, em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và bố mẹ không thể hoàn thành thủ tục cho con vào học trường khuyết tật.

Bỗng thành trẻ khuyết tật

Gia đình Hoa sống ở bản Hoàng Liên Sơn 2, giáp biên giới. Bản nằm cách trung tâm xã Nậm Xe 20 km, người dân muốn vào đây phải mất hơn một tiếng vượt những đoạn đường cheo leo, dốc thẳng đứng, lởm chởm đất đá. Người dân trong bản nghèo đói, đối mặt nhiều hủ tục tồn tại lâu đời.

Chị Thào Thị Mê (mẹ Hoa) cho biết Hoa là thứ ba trong bốn đứa con của chị. Hoa bị câm điếc cũng vì sự khó khăn của nơi em sinh ra và lớn lên.

“Khi Hoa bị ốm, nhà xa trạm y tế, đường đi lại khó khăn, không có xe, cũng chẳng có tiền, gia đình tôi chấp nhận để con ở nhà. Sau trận ốm đó, tai Hoa ù dần, không nghe được rồi từ đó cũng không nói được luôn. Giờ Hoa chỉ có thể giao tiếp bằng cử chỉ”, chị Mê xót xa nói.

Không thể nghe hay nói, việc học của Hoa gặp nhiều khó khăn. Trong giờ học, các thầy cô phải đến tận bàn hướng dẫn bằng hành động để em làm theo. Tương tự, hoạt động giữa giờ, Hoa thường nhìn các bạn rồi làm theo.

giac mo den truong cua be cam diec anh 1
Hoa thường bị bắt nạt khi đến trường vì là trẻ khuyết tật. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Người mẹ kể khi còn đi học, Hoa thường bị các bạn đánh, chỉ biết khóc một mình. Mỗi lần như vậy, nữ sinh phải nghỉ học ở nhà mấy hôm mới đi học lại. Vì vậy, kết quả học tập của em không tốt. Gia đình đành cho Hoa nghỉ học.

“Hoa ham học lắm. Trong khi đám bạn trong bản không chịu đến trường, thầy cô về tận nhà vận động mà chúng còn trốn, Hoa tự giác đi học đều đặn. Tôi chỉ mong con tiếp tục được học để sau này đỡ khổ. Nhưng trường cấp hai không nhận trẻ khuyết tật, tôi đành cho con tạm nghỉ học. Nếu việc học của con dang dở, tôi đau lòng lắm”, chị Mê buồn bã nói.

Giấc mơ đến trường

Hơn một năm qua, kể từ ngày Hoa nghỉ học sau khi kết thúc chương trình lớp 5 tại trường bản, em vẫn khát khao đến lớp.

Hàng ngày, cô bé vẫn lôi vở ra nắn nón tập viết chữ. Nhờ chăm tập viết, nét chữ của em rất đẹp, ai xem cũng trầm trồ khen ngợi.

Mỗi khi có người nhắc đến chuyện đi học, em thường viết ra giấy mong muốn được đến trường của mình.

giac mo den truong cua be cam diec anh 2
Hoa cùng mẹ tập múa điệu múa truyền thống của người Mông. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Anh Giàng A Dủa (bố Hoa) cho hay anh luôn ý thức rằng chỉ có con chữ mới giúp gia đình thoát cảnh nghèo đói. Vì vậy, anh và vợ tha thiết mong con có thể đến trường, học tập trong môi trường phù hợp.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, người cha vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục để con gái tiếp tục việc học tại trường dành cho trẻ khuyết tật trên địa bàn.

“Gia đình mong giấy tờ chứng nhận khuyết tật của cháu được hoàn thành để Hoa có thể đi học. Tôi không hiểu vì sao những giấy tờ liên quan chứng nhận Hoa là trẻ em khuyết tật vẫn chưa được công nhận”, anh Dủa bày tỏ.

Chia sẻ về trường hợp của Hoa, thầy Công - giáo viên cũ của em - tâm sự thầy rất mong em có thể tiếp tục đến trường. “Tôi tin nếu Hoa được học tập ở môi trường phù hợp, em sẽ phát huy được hết khả năng”.

Học sinh bám dây leo trên vách đá dựng đứng để đến trường

Sống trên đỉnh núi, học sinh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đánh cược tính mạng khi bám vào dây leo để di chuyển trên vách đá cao 800 m trên đường đến trường.


Nguyễn Hồng - Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm