Tối 24/4, Việt Nam tiếp tục ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, phá vỡ chuỗi 8 ngày liên tiếp không phát hiện người mắc.
Cả 2 ca mắc mới đều là du học sinh từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.
3 mối nguy thường trực
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, việc tiếp tục ghi nhận ca mắc là điều đã được dự đoán trước. Bởi nguy cơ dịch tiềm ẩn chưa bao giờ mất đi.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đang có 3 mối nguy cơ. Thứ nhất, những người ở các ổ dịch, gần nhất là ở Hà Nội, khi chưa qua 14 ngày. Thứ hai, những người từ nước ngoài về, dương tính với virus mà chưa được phát hiện, sau đó đi vào trong cộng đồng và cuối cùng là những người vào nước thông qua nhập cảnh không chính thức, tức qua đường rừng, đường mòn nên không được kiểm soát.
“Nước ta vẫn có nguy cơ bùng phát các ổ dịch nếu không giám sát chặt chẽ. Hai ca mắc mới là nhập cảnh từ nước ngoài, đã được cách ly và điều trị nên có thể tạm yên tâm dù cũng có những người đã tiếp xúc với họ. Hiện nay, hàng chục nghìn người đã về và sắp về nước ta, phải thực hiện cách ly tốt. Nếu không đảm bảo, để nhiễm chéo trong khu cách ly hoặc sót bệnh nhân ra ngoài cộng đồng thì sẽ làm dịch bùng phát”, PGS Nga cho hay.
Ông cũng nhận định hiện Việt Nam đã làm rất tốt, tình hình khả quan khi 9 ngày chưa ghi nhận ca mắc trong nội địa. Thời tiết đang ủng hộ, đặc biệt ở khu vực miền Nam khi nắng nóng, tia cực tím nhiều, đồng thời các đơn vị cũng có kỹ năng chống dịch tốt hơn.
Khi đi ăn uống bên ngoài, để đảm bảo an toàn, người dân nên lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn và rửa tay dưới vòi nước với xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn. Ảnh: Hải Nam. |
Đảm bảo an toàn khi quay lại cuộc sống bình thường
Cả nước đã cơ bản dừng giãn cách xã hội, người dân đang quay trở lại cuộc sống trước đây. Nhiều quán xá bắt đầu có hiện tượng đông đúc. Về điều này, PGS Nga cho rằng hiện nay chưa có báo cáo khoa học trên thế giới chứng minh SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) lây qua đường ăn uống hay thực phẩm. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 có thể lây qua tiếp xúc bề mặt của các vật dụng như thìa, đĩa, cốc, chén, mặt bàn…
Khi đi ăn uống bên ngoài, để đảm bảo an toàn, người dân nên lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn và rửa tay dưới vòi nước với xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn. Chú ý giữ đúng khoảng cách 2 m với người đối diện để tránh nguy cơ lây qua tiếp xúc trực tiếp.
"Người Việt thường có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện không tốt trong ăn uống. Thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Khi đi ăn ngoài, người dân phải luôn ghi nhớ nguyên tắc ăn chín uống sôi, ăn khi còn nóng và uống khi nước còn ấm", PGS Huy Nga nói.
Người bán hàng cần lưu ý đeo gang tay, khẩu trang đúng, mang mũ che giọt bắn. Các thực phẩm sử dụng chế biến món ăn phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng theo quy định về an toàn thực phẩm.
Chuyên gia cũng lưu ý người dân khi đi chợ, siêu thị bắt buộc phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn 2 m với người bán; cố gắng mua nhanh không nên nói chuyện quá nhiều; nếu dùng tiền mặt để mua bán nên cho tiền vào một túi riêng. Sau khi đi chợ hay siêu thị trở về, người dân nên rửa tay bằng xà phòng.