Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có cần cải cách chữ Quốc ngữ?

Tại hội thảo khoa học "100 năm chữ Quốc ngữ" do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức, các chuyên gia ngôn ngữ học có những ý kiến, tranh luận xoay quanh việc cải cách chữ Quốc ngữ.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng chữ Quốc ngữ là một giá trị vô cùng lớn đối với người Việt Nam. Nên giữ chữ Quốc ngữ như 100 năm qua, không cải cách nữa, vì hiện tại giới khoa học thừa nhận tính chất hợp lý của chữ viết Quốc ngữ đang sử dụng. Chữ Quốc ngữ nên được tiếp tục thảo luận là sự chuẩn chính tả. Cần nghiên cứu để đi đến chuẩn chính tả.

"Đừng đơn giản trong việc cải tiến chữ ta"

GS.TS Đinh Văn Đức, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng đụng đến chữ Quốc ngữ là đụng đến văn hóa Việt. Không nên xáo trộn, không nên có can thiệp nào để sửa chữ Quốc ngữ lúc này, chuẩn chính tả thì cần.

Ông Đức dẫn chứng với người Việt, phát âm thành từng âm tiết rời là điều tự nhiên nhất nhưng đừng nhầm phát âm với văn tự. Chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kỹ thuật. Bảng chữ cái Việt không phải, cũng không thể là bảng ghi âm IPA (dùng để ghi các âm tố của lời nói).

"Văn hóa bền bỉ và có bộ lọc cực kỳ tinh tế, văn hóa không bao giờ dễ dãi với ý thức và hành vi cộng đồng. Vậy xin hãy thận trọng, đừng đơn giản trong hành động cải tiến chữ ta", ông Đức đề nghị.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, chúng ta lúc nào cũng mong cải tiến, sửa đổi liên tục nên toàn bộ hệ thống sẽ không ổn định. Tính ổn định đối với một quốc gia rất quan trọng trong quá trình phát triển xã hội. Chúng ta hãy bằng lòng, chấp nhận sử dụng một loại chữ thì thế hệ sau sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.

"Chữ Quốc ngữ không nên thỉnh thoảng lại hô hào cải tiến", ông Thêm nhấn mạnh.

cai tien chu quoc ngu anh 1

Các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Người Lao Động.

Chuẩn chính tả sẽ cần thiết hơn

Các nhà nghiên cứu cho rằng thực tế, trong một thời gian dài liên tục có nhiều ý kiến báo cáo để cải tiến chữ Quốc ngữ nhưng đều rơi vào ngõ cụt.

Điều đó chứng tỏ hệ thống chữ Quốc ngữ với bộ từ điển de Béhaine - Taberd đã trở nên ổn định qua thực tế sử dụng gần 2 thế kỷ, rất khó được sửa đổi một cách tương đối quy mô, chứ chưa nói đến việc thay đổi triệt để.

Trên cơ sở diện mạo chữ Quốc ngữ đã được xác lập và định hình, cần nghiên cứu để đi đến chuẩn chính tả về cách viết y/i, vấn đề viết hoa tên tổ chức, đoàn thể, phiên âm hay để nguyên dạng tên riêng nước, vị trí đánh dấu thanh…

"Những vấn đề này tưởng đơn giản nhưng thực sự rất quan trọng trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay", GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nêu trong bài tham luận của ông và cộng sự.

Ông Hiệp lấy dẫn chứng từ những điểm không hợp lý trong đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - năm 2017.

Đề xuất của PGS Bùi Hiền đi ngược lại hoàn toàn xu hướng chung của các nước sử dụng tự dạng Latin, vì không có bất kỳ bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng chữ cái "w" để ghi âm vị /ŋ/ hay "q" để thay âm vị /th/. Nên đề nghị dùng "w" thay cho "ng" sẽ phá vỡ tính hệ thống trong quan hệ giữa âm và chữ, khiến người dùng khó học, khó nhớ.

Về mặt pháp lý, khoa học, thực tiễn, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhận định đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền là chưa toàn diện về ngữ âm học, ký tự học nên thiếu tính khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi. Đồng thời, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ.

"Nên giữ chữ Quốc ngữ như 100 năm qua, không cải cách nữa, vì hiện tại giới khoa học thừa nhận tính chất hợp lý của chữ viết Quốc ngữ đang sử dụng", ông Hiệp nêu.

PGS.TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ TP.HCM, cũng cho rằng dù chữ Quốc ngữ còn vài bất cập trên bình diện chữ viết, điều ấy không lớn. Ý kiến vội đòi thay đổi chữ Quốc ngữ là thiển cận, thiếu tầm nhìn, phản khoa học, có thể gây xáo trộn về nhiều mặt. 

Đặt tượng Hàn Thuyên và Alexander de Rhodes tại ĐH Quốc gia TP.HCM

Để ghi nhận công lao của hai danh nhân, trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã đặt tượng danh nhân Hàn Thuyên, người có công trong việc truyền bá, nâng tầm văn tự chữ Nôm thành ngôn ngữ văn học và Alexander de Rhodes với cuốn "Từ điển Việt Bồ La" góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ hiện tại.

Hai bức tượng do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện và đặt tại khuôn viên ĐH năm 2012, vì còn nhiều tranh cãi nên đến nay mới được công bố rộng rãi.

Sẽ có không gian riêng tôn vinh chữ Quốc ngữ

Trước những bàn luận xôn xao về cải tiến chữ Quốc ngữ thời gian qua, GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liege, Bỉ) cho rằng cần phải bảo vệ chữ viết này.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-can-cai-cach-chu-quoc-ngu-20191222204508438.htm

Theo Nguyễn Thuận / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm